30.9.18

Tâm | ĐTP#8

Đi Tìm Phong, Đạm Nhiên, Góc Nghệ, Góc O
Trong bài nhật ký #6 về #ĐiTìmPhong, tôi có nêu ra vài nghi vấn. Đối tượng nghi vấn là những tổ chức có đủ năng lực tổ chức việc trình chiếu bộ phim. Hiểu ngắn gọn, trong bài số 6, tôi có đặt ra câu hỏi dành cho IDECAF và IF.

Tôi có mong câu trả lời không? Xin thưa là không. Vì tôi là ai mà họ phải trả lời. Hơn nữa, nếu thực sự hỏi, có văn hóa thưa hỏi thì tôi phải gửi câu hỏi trực tiếp đến tận nơi. Đằng này tôi lại đặt câu hỏi và lưu giữ trên tường nhà. Diễn tiến này không hợp, không có trong văn hóa tranh luận. Và sự thực thì tôi không hỏi và chờ câu trả lời. Trong tư duy của tôi không hề có ước muốn nhận được câu trả lời. Tất cả chỉ là một thủ pháp của viết lách.

Tôi đặt ra câu hỏi cho chính tôi mà thôi. Và tâm thế của tôi không muốn kích động và hơn thua lý luận với ai cả. Tôi đặt ra câu hỏi là để tạo tiền đề cho chính tôi. Chính tôi sẽ là người tìm câu trả lời.

Và buổi chiều hôm nay tôi đã đến IDECAF. 

Sự thật là diễn tiến này đã nằm trong kế hoạch của tôi từ tuần trước. Tôi muốn xem phim tại đây. Có lịch chiếu và có một bộ phim tôi quan tâm. Phim có tựa là “Làn sóng Pháp”. Tôi quan tâm đến bộ phim tài liệu lấy đề tài về âm nhạc điện tử. Và tôi tin rằng EDM đang là quả cầu lửa thiêu đốt thanh niên Việt Nam. Hy vọng của tôi là phim sẽ mang đến một cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và phát triển của âm nhạc điện tử Pháp. Suất chiếu rơi đúng vào lúc tâm tư của tôi đang có rất nhiều nghi vấn không lành về bộ phim “Đi Tìm Phong”. Vậy là hy vọng sẵn có từ tuần trước cộng dồn vào nghi vấn của tuần này. Hai diễn tiến đã thúc đẩy tôi có một động cơ mãnh liệt để đặt chân đến IDECAF.

Bất chấp thời tiết không thuận lợi, mưa to gió giật, tôi vẫn phóng xe đến đúng lúc phim khai màn. Giá vé là 50.000đ. Cũng cần phải nhắc lại một sự thật (mà có lẽ nhiều người đều biết chỉ là tôi mới vỡ ra gần đây): Mua vé ở IDECAF rất khó. Cụ thể là mua vé xem kịch. Tình trạng cháy vé, hết vé là thường trực. Chẳng đâu xa cả, ngay chiều nay, khi tôi đến, có một chú trung niên vừa mua được 2 vé cuối cùng của một vở kịch. Chú vui mừng hả hê ra mặt. Dù không rành đường xá quận Nhứt nhưng chú đã phải chạy từ Tân Phú đến đây để nhận lấy 2 tấm vé quý giá. Trải nghiệm này giúp tôi hiểu ra, một cái hiểu trực diện và sâu sát, “Tổ chức này làm ăn có hiệu quả”. Không có một dấu hiệu nào cho thấy sự đìu hiu hay không hiệu quả về mặt kinh tế ở nơi này. Trước giờ tôi đã biết nhưng phần nhiều là nghe nói. Chiều nay tôi đã có kinh nghiệm chân thực.

Lúc tôi bước vào rạp, tôi hơi ngạc nhiên là vì trên vé của mình không ghi số ghế. Đến khi vào, chị nhân viên bảo tôi, “Em có thể ngồi đâu cũng được. Rạp chỉ có mình em.”. Vậy là tôi chọn hàng ghế ở khoảng giữa rạp. Tôi không biết rạp này bao nhiêu chỗ. Có lẽ 200 hoặc 300. 

“Mình bao rạp!”, suy nghĩ đó nảy ra trong tâm trí. Tôi không biết mình có vui vầy gì không với cảm giác mua hết một cái rạp với cái giá chỉ 50.000đ? Tôi cũng không có thì giờ để ngồi tính toán lời lỗ thiệt hại gì ở đây. Tâm trí của tôi nhanh chóng ăn nhịp với diễn biến của bộ phim. Phim dài 1 giờ đồng hồ. Có lẽ khoảng đó. Và tôi thấy mình đã không hoài phí thời gian. Ít nhất là phim cho tôi rất nhiều thông tin về các thể loại nhạc EDM mà đôi khi nhìn thấy chúng xuất hiện hay được bàn luận, tôi chẳng hiểu rõ ngọn nguồn. Có một thông tin khá quan trọng mà tôi bắt được. Đó là dòng nhạc điện tử ra đời từ một hộp đêm dành cho đồng tính nam ở Mỹ. Đây là điều cần phải kiểm nghiệm này. Vì tôi chỉ xem phim một lần. Tôi không thể cam đoan. Nhưng ngay khi thâu nhận thông tin này thì tôi đã liên tưởng đến bộ phim “Đi tìm Phong”. Phong không phải đồng tính mà là người chuyển giới nhưng tựu chung bạn vẫn thuộc về cộng đồng LGBT. Tôi không ngờ rằng chính một hình thức sinh hoạt giao lưu của những người LGBT đã tạo nên dòng nhạc điện tử, thứ âm thanh đang khiến bao người trẻ quay cuồng tại xứ mình. 

Tôi rời khỏi rạp với niềm vui thỏa. Hy vọng và không có thất vọng. Nghi vấn và có câu trả lời. 

Câu hỏi mà tôi đã hỏi là về sự lưu tâm, hỏi về tâm, hỏi về trái tim. Tất cả câu hỏi đều được trả lời.

IDECAF có lưu tâm đến diễn biến đương thời nóng hổi. Dòng nhạc EDM đang khuynh đảo thị trường. Họ chọn một phim tài liệu đề cập đúng cơn nóng sốt. Có lưu tâm và lưu tâm 100%. Lưu tâm bằng hành động rõ ràng là tổ chức trình chiếu vào khung giờ đẹp cuối tuần. Tương trợ hay tiếp sức thì chắc không cần phải hỏi. 1 người vào rạp cũng trình chiếu. Bất chấp lời hay lỗ. 200 chỗ, 300 chỗ chỉ cần 1 người vẫn sáng đèn. Bộ phim này có nhận được sự giúp đỡ nào về mặt quảng bá không? Cả một mạng lưới đã đứng sau. Tôi không biết bao nhiêu người, bao nhiêu tổ chức. Nhưng tôi không thể nào đến đây nếu không có thông tin. Mà thông tin về phim được dán trên tường, được in thành giấy và được giới thiệu khắp nơi trên mạng xã hội, trên các trang web. Đây không chỉ là một buổi chiếu đơn lẻ mà nằm trong tháng phim, nằm trong một chuỗi sự kiện có tính đồng bộ, nhất quán ở 4 đô thị Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn. 

Tôi không còn nghi vấn gì về trách nhiệm, về sự nâng đỡ của dân tộc Pháp, chính phủ Pháp, con người Pháp. Danh tiếng về tình yêu điện ảnh, yêu nhiệt thành, về sự bảo hộ điện ảnh, bảo hộ nhiệt thành, nhất là dòng phim tài liệu đã được mưa gió chiều nay xác nhận.

Ngay sau hôm nay chỉ 2 ngày sẽ là suất chiếu đặc biệt duy nhất của “Đi Tìm Phong”. Tôi chắc là IDECAF hay IF hay một tổ chức có căn tính Pháp cũng sẽ thể hiện tình yêu và sự bảo hộ tình yêu của mình. Chắc là cũng như hôm nay, họ sẵn sàng dành sẵn không gian 200 chỗ ngồi, 300 ghế ngồi để bộ phim có thể có thêm nhiều suất chiếu cho khán giả.

#Nhiên