Đêm nay, 1.9.2018, trong thời gian ngồi chờ kết quả của Liên Hoan Phim (LHP) Châu Á – Thái Bình Dương (APFF) lần thứ 58 tại Đài Loan, tôi đọc lại tập truyện ngắn của tác giả Đỗ Phước Tiến.
Sách gồm có 14 truyện ngắn, dài 152 trang, không có tựa đề. Chỉ đơn giản là “Truyện ngắn Đỗ Phước Tiến”. Tôi không nhớ rõ chính xác ngày mà mình đã đem về nhà quyển này. Có lẽ vào khoảng tháng 10.2017. Tức là 4 tháng sau khi tôi xem bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư.
Trong thời gian xem phim, tôi đã tìm được truyện ngắn cùng tên. Tuy nhiên, đây chỉ là bản được lưu trữ trên mạng viễn liên. Tôi cũng đã có kịch bản của biên kịch Nguyễn Quang Lập. Ông đã in kịch bản này kèm theo quyển sách của mình vào quý I – 2017. Thật ra ngay tại thời điểm đó tôi vẫn chưa nhìn rõ ràng toàn bộ hành trình của những con chữ. Khi xem phim tôi thấy một diễn tiến khác. Khi đọc kịch bản, tôi thấy ít nhiều có sự đổi khác nếu so với bản phim ra rạp. Khi đọc truyện ngắn thì độ khác biệt còn dữ dội hơn gấp nhiều phần. Lúc đó, tôi chưa có một suy nghĩ phân tách ra quy trình viết một kịch bản điện ảnh sẽ đi qua bao nhiêu giai đoạn. Suy nghĩ của tôi lúc đó, một suy nghĩ hoàn toàn dựa trên bản năng, hay là trực giác, hoặc đó cũng có thể là một dạng thức thuộc về căn tính, “quay về với gốc rễ”. Tìm về gốc để thu được sự thật, để tìm lại những sơ khởi và nguyên chất ban đầu.
Xem phim thấy hay và tự nhiên là tôi muốn truy tìm tác phẩm gốc. Không thỏa với bản truyện ngắn trên mạng, tôi quay sang lần mò ở các hiệu sách quen lẫn không quen. Là tôi đó, trong những tháng ngày ấy, cứ lần lượt rảo bước qua khắp các quầy kệ. Biết rằng cơ hội để tìm được bản giấy, vốn ra đời vào năm 2006, tức 12 năm trước thời điểm hiện tại là gần như không thể. Thế mà tôi vẫn vững lòng, vững chân trong kế hoạch bất khả của mình. Cứ gần như vào nhà sách nào là tôi cũng lục lọi, cũng xáo trộn trật tự sắp đặt của những quyển sách. Tôi hay ngồi bệt, kéo lê thân mình để tìm sách nơi dãy kệ ngang hàng với mắt cá. Theo kinh nghiệm của tôi, nơi đó thường là chỗ dấu những quyển sách đã lạc thời, đã lỗi hẹn với một tri âm.
Và cuối cùng thì sự kiên nhẫn cũng được đền đáp. Một buổi chiều nọ, cũng là một dáng ngồi bệt, cũng là một lần kéo lê, cúi xuống, đặt tầm mắt ngang bằng đầu gối, lục lọi, xáo trộn. Quyển đứng ở ngoài. Quyển đứng ở trong. Cầm ra 1 quyển. Rồi 1 quyển. Tìm thấy rồi!
Bìa trắng, chữ đen. Và giá chỉ 18.000. Những con số thật là một sự thiếu tôn trọng nếu so với tất cả công sức và thời gian đánh đổi. Nhưng đặt ở vị trí của một người mua đó thật sự là một cái giá quá hời.
Giờ thì cũng đã gần 1 năm kể từ ngày ấy, đêm nay, tôi đang nắm giữ Đỗ Phước Tiến trong tay. Tiến trình phát triển của câu chuyện tôi đã tỏ tường.
Đầu tiên, Đỗ Phước Tiến là người tạo ra câu chuyện mang tên Đảo Của Dân Ngụ Cư. Thời điểm sáng tác vào khoảng đầu thập niên 1990. Nhân vật "tôi" trong truyện hẳn cũng chính là tác giả. Nói đúng hơn, tác giả đã tạo ra câu chuyện này bằng vốn sống, bằng trải nghiệm, bằng cuộc đời xê dịch kỳ thú của chính mình.
Kế đó, một người sắm vai biên kịch và viết lại câu chuyện gốc bằng kỹ thuật điện ảnh. Chất liệu diễn giải văn học được thay bằng tư duy điện ảnh. Đây gọi là kịch bản chuyển thể, một tác phẩm phái sinh.
Cuối cùng, kịch bản ban đầu được chỉnh sửa thêm một lần nữa hoặc nhiều lần nữa. Sự chỉnh sửa dựa trên tính thực tế và khả thi trên trường quay, bối cảnh cũng như vốn liếng tài chính từ nhà đầu tư.
Khi bộ phim trình chiếu và đặc biệt là tham dự các LHP phim, sẽ có giải thưởng cho đạo diễn, người xuất hiện ở giai đoạn cuối. Sẽ có giải thưởng dành cho biên kịch, người thuộc về giai đoạn chuyển tiếp. Và sẽ có giải thưởng, như giải thưởng của LHP APFF 58 đêm nay, gọi là Best Story (Câu chuyện hay nhất) để ghi nhận sức lao động và sáng tạo của người ở giai đoạn đầu.
Không có người đầu tiên thì chẳng thể có công việc cho người thứ hai, người thứ ba và hằng trăm người của một đoàn làm phim góp dự. Tôn vinh họ, xướng danh họ, ngợi ca họ theo suy nghĩ của tôi cũng chính là tôn vinh phần gốc, xướng danh phần rễ, ngợi ca cội nguồn.
Đọc truyện ngắn Đảo Của Dân Ngụ Cư ở trang 88 và cả truyện Ngày Mai Không Có Xe ở trang 128 (một dạng nối theo, tựa như là phần II Đảo Của Dân Ngụ Cư) vào đêm nay cho tôi cảm giác giống như một giọt sương vậy. Từ nụ hoa, từ cành lá, giọt sương trôi nhẹ, thấm tan qua các các lớp đất và chạm vào phần rễ sâu.
Cả hai câu chuyện trong sách đều rất giàu chất văn học. Ngôn ngữ biểu đạt sinh động. Khả năng sắp xếp câu chữ tài tình. Quá điêu luyện! Và thống khoái nữa, rất nhiều thống khoái nơi thị giác và cả tâm hồn khi chiêm ngưỡng những con chữ này.
Nếu là một năm trước, có lẽ chỉ mình tôi, đơn độc trong sự trân trọng này. Nhưng giờ thì khác, Châu Á, toàn cõi châu Á, hay ít ra là cả một hội đồng thẩm định tại một LHP lớn và lâu đời mang cái tên Châu Á – Thái Bình Dương đã gọi tên tác phẩm này. Họ giống tôi ở niềm trân trọng. Họ không khác tôi ở tâm tư về nguồn.
Về với gốc.
Đài Loan. Châu Á. Thái Bình Dương và Việt Nam. Trong một khoảnh khắc. Đã cùng nhắc nhở nhau:
- Về nguồn.
#Nhiên