Chẳng nhớ sách về tay tôi từ bao giờ. Có lẽ cũng hơn nửa năm rồi. Có những quyển tôi có thể đọc ngay, đọc một đêm. Nhưng có những quyển cứ chần chờ, cứ lưỡng lự. Quyển này thuộc về nhóm thứ hai.
Cảm nhận về sách vì vậy chưa có gì để thực tả.
Về người viết, tôi đã từng gặp, đúng hơn là từng ngồi nghe một lần. Tôi cũng chẳng nhớ đó là thời điểm nào. Có lẽ phải hơn 5 năm. Tại một ngôi trường đại học. Một buổi tọa đàm mở rộng cho mọi đối tượng. Có lẽ đây là một sự kiện điện ảnh có tính chất giáo dục đầu tiên mà tôi tham gia. Kiến thức từ buổi này vì vậy có thể nói là một dạng vỡ lòng đối với tôi. Hôm đó, tôi nghe về định nghĩa ngôn ngữ điện ảnh.
Cuối buổi, có một bạn phóng viên bất thình lình chắn ngang lối về. Bạn phỏng vấn tôi về cảm nhận vừa qua. Tôi nói và bạn ghi âm. Mấy hôm sau, bạn gửi cho tôi một đường dẫn bài báo. Nếu tôi nhớ không lầm là báo Tuổi Trẻ.
Vậy là khi cầm quyển sách này, tôi có hai nội dung có thể diễn bày và khai triển. Một là “ngôn ngữ điện ảnh”, bài học vỡ lòng của tôi. Hai là vai trò của báo chí (năng lực sáng tạo, năng lực phê bình) trong lĩnh vực điện ảnh. Cả hai đều là chủ đề rất thú vị. Nhưng tôi để dành cho mini workshop.
Trong trang nhật ký này, tôi muốn tập trung vào khoảng thời gian xa xưa ấy. Có lẽ là 5 năm trước. Tôi gọi đây là “thời kỳ xem phim lậu”. Hoặc xa hơn 10 năm.Tôi gọi đây là “thời kỳ xem đĩa lậu”.
Dù là 5 hay 10 năm, dù là đĩa thu mua lẻ từ 10.000 đến 20.000 hay là phim trực tuyến trên các trang mạng thì hành vi của tôi đều có tính chất “lậu”. Nghĩa là hoặc là tiền tôi bỏ ra không chạy về phía đơn vị sản xuất hay phát hành. Hoặc là tiền tôi bỏ ra chạy vào một đối tượng khác không hề tham gia vào quá trình sản xuất hay phát hành bộ phim. Hoặc là tôi chẳng hề bỏ ra đồng nào cho những người đã thực sự tạo ra một xuất phẩm điện ảnh.
Tôi đã phạm pháp. Mức độ nặng nhẹ chưa xét tới. Nhưng tôi hiểu mình đã là một người ăn cắp. Chủ động hay bị động. Đồng lõa hay cấu kết. Khoan vội đánh giá. Nhưng chắc chắn tôi đã là một tên cướp.
Tôi đã phạm tội. Trong một thời gian khá dài. Phạm tội này còn đạt tới một mức độ kinh khủng. Đó là phạm tội hồn nhiên. Hồn nhiên lầm lỗi qua năm tháng.
Tôi còn có một cách mô tả khác ngoài 2 ngoặc kép ở trên. Đây là “thời kỳ không có nhu cầu mua vé”, “thời kỳ không hề mong muốn đến rạp”.
Thật may mắn! Mê muội nào cũng phải đến lúc suy yếu. Hồn nhiên nào cũng phải đến phút lâm chung. Bắt đầu từ con số hiếm hoi trong 2016, tăng dần lên trong 2017. Và đến 2018, tôi có hẳn 1 kế hoạch của lý trí. Lẽ ra điều này phải thuộc về một chính sách thượng tầng. Nhưng tôi không biết chừng nào diễn tiến đó mới xảy ra. Chừng nào mới có một quy định tất cả hệ thống rạp chiếu phải đảm bảo có các suất chiếu dành cho phim Việt ít nhất là 146 ngày trong một năm? Chừng nào mới có một dạng “hạn ngạch” như vậy? Thôi, tôi tự ra hạn ngạch cho mình. Trong 1 năm, tức 365 ngày, số lượt đến rạp xem một bộ phim Việt của tôi (dù là được mời hay chủ động) phải chiếm 50%, tức 1 nửa trong tổng số.
Trong 2018, tính đến thời điểm này, tôi đã xem 4 bộ phim điện ảnh đóng nhãn Việt Nam, bao gồm:
Tổng số lần xem 4 phim gộp lại là 13 lần. Tôi đã xem 2 phim Mỹ, 1 phim Anh, 1 phim Hàn và 1 phim Nhật. Số lượt xem phim Việt và phim ngoại lần lượt là 13 và 6. Nếu tính tỉ lệ thì chênh lệch giữa Tổ quốc và ngoại bang là xấp xỉ 216%, gấp 2 lần. Nếu bỏ Walk With Me ra ngoài (phim này là một dạng đặc biệt, thật khó để phân loại nó thuộc về nơi nào), thì tôi sẽ có 13 và 4. Xấp xỉ 325%. Gấp 3 lần. Dù là con số nào đi nữa thì tôi vẫn đang làm chủ cuộc chơi. Tính đến tháng 9.2018, quota tôi vẫn nắm chắc.
Dự kiến đến hết năm còn thêm ít nhất 2 phim Việt nữa mà chắc chắn tôi sẽ bỏ tiền để xem, gồm:
- Đi Tìm Phong (tháng 9)
- Người bất tử (tháng 10)
Một phim được đầu tư lớn (ra mắt tháng 10). Một phim thuộc dòng tài liệu, kinh phí thấp và phát hành độc lập (sẽ có thông báo trong tháng 9). Hai lựa chọn cũng nói lên khá nhiều về kế hoạch của tôi. Ngoài tỉ lệ 50%, tôi còn quan tâm đến thể tài. Đó có thể là những phim hướng đến một độ tuổi, một giới tính xác định và nhiệm vụ hằng đầu là bán càng nhiều vé càng tốt. Như trường hợp “Chàng vợ của em”. Và hai là những phim đi tìm một tầm cao trong tay nghề chuyên môn, đứng ngoài mọi trào lưu và xu thế, chẳng hạn như “Đảo của dân ngụ cư”. Và ba là những phim thể nghiệm, xiển dương tinh thần làm phim tự lực và vô úy, ví dụ điển hình là “Kfc”.
Hy vọng những nhà làm phim Việt sẽ cho ra những xuất phẩm có sự định rõ về thể loại và nhất quán trong sự quảng bá để giúp tôi, một người khán giả, giữ được tình yêu cũng như củng cố tâm ý quyết liệt bảo hộ tình yêu ấy.
Về phần mình, tôi sẽ tiếp tục miệt mài bên những trang nhật ký điện ảnh. Có vay thì phải có trả. Có nợ thì phải đền. Không bây giờ thì cũng mai kia. Không kiếp này thì cũng kiếp sau. Nhân ăn cắp đã tạo thì tốt nhất, khi mà mắt còn tinh, tay còn khỏe và trí nhớ còn sáng tỏ, tôi phải nhanh chóng hóa giải.
Một dòng nghiệp bất thiện đã tạo tác trong quá khứ, nếu hồn nhiên lầm lỗi có tiếp tục hay dừng lại thì quả báo bất thiện cũng đã lên số lên hình. Chúng đang chờ tôi. Ngày phán xử rồi sẽ đến. Một nhát dao hay nhiều nhát dao rồi cũng sẽ cắm vào da thịt. Cái quả báo nhãn tiền cho sự trộm cắp tôi có thể thấy ngay liền lúc này. Đó là sự nghèo, nghèo trong tâm hồn. Đó là cái xác xơ. Xác xơ trong tư duy. Đó là cơn đói. Đói trong tư tưởng. Đó là niềm lạc. Lạc trong phương hướng. Đó là nỗi hoang. Không biết nơi nào là mình, là thuộc về.
Tôi chính là một con voi, một con voi lẻ loi, một con voi xa rừng như Dũng. “Một tương lai mờ mịt đang chờ đón tôi. Không thân thích. Không bạn bè. Một mình tìm ăn. Một mình chống chọi lại thú dữ. Đường xa nghĩ mà ngại ngùng và kinh sợ.”
Thôi thì cứ cố gắng từng ngày, điều gì cảm thấy có tính chất hóa giải bất thiện nghiệp đã tạo và trong tầm khả năng thì tiến hành, càng nhiều càng tốt. Thôi thì cứ “gắng sức hoàn thành công việc của ngày hôm nay và hưởng những niềm vui của ngày hôm nay.”
#Nhiên
15.9.2018
Còn 1 ngày nữa #16tháng9