Tôi
xem Chàng Vợ Của Em (CVCE) trong tâm trạng nhẹ nhàng. Tôi đưa hết giác quan của mình vào sự thư giãn. Không trông đợi, không kỳ vọng. Chỉ đơn giản là thưởng thức.
Tôi
còn chưa biết trailer đã hé lộ những gì. Không có nhu cầu đọc một bài báo. Hẳn nhiên Thái Hòa là cái tên tôi
nhận diện được. Còn Phương Anh Đào, tôi thấy bạn đã xuất hiện trong 2 phim trước.
Tiếc là tôi không có kế hoạch lẫn thời gian để xem bạn đã thể hiện như thế nào. Cả hai người này đều
sẽ là trải nghiệm điện ảnh đầu tiên của tôi.
Còn
một người nữa là Hứa Vỹ Văn. Tôi có một lần đã thấy anh trong phim khác. Ở phim
này, anh vào tuyến phản diện. Có một khán giả nữ, tôi đoán tầm 25 tuổi ngồi
ngay sát tôi. Cứ giây nào hình ảnh của diễn viên này xuất hiện là bạn lại xuýt
xoa. Đam mê nhan sắc của bạn bật hẳn thành tiếng thành lời. Cả chú cún tên Heo nữa.
Đó cũng là nhân vật khiến miệng môi bạn không ngớt tấm tắc. Có thêm một nữ khán
giả khác cách tôi một hàng. Chị cười ha hả, bần bật, cái rung cái lắc lan đến tận chỗ ngồi tôi. Hầu
như tình huống nào có chất hài đều được tràng cười của chị trợ giúp đắc lực. Chứng
kiến chỉ 2 phản ứng này tôi đã hiểu vì sao phim thắng doanh thu. Giờ đã là thời điểm nằm trong
chu kỳ cuối của sự sống một phim tại rạp. Nhưng phim vẫn hút khách. Sự hút này
còn kéo đến tận tuần sau trong lần xem thứ 3 của tôi.
Phim
xác định đúng đối tượng và miệt mài phục vụ cảm xúc của họ. Phim lấy trọng tâm
là một nhân vật nữ. Hành trình chủ đạo của phim là diễn biến tâm lý của một người
nữ. Khán giả mong muốn của phim cũng là nữ. Những tính toán về nội dung lẫn người xem mục tiêu đều được giải đáp ổn thỏa và trọn vẹn.
Về
cách xây dựng tình tiết của phim, tôi thấy ngay sự tối giản. Tính hiệu quả và hợp
lý đặt lên hàng đầu. Chẳng hạn như ngay trong hồi 1, theo tôi nhớ, chỉ cần tới khoảng
5 lần chuyển cảnh. Từ sân bay, đến xe taxi, đến thang máy, vào nhà. Vấn đề của
nhân vật trung tâm hiện rất rõ, rất sớm và rất nét. Và kỳ vọng của nữ chính gói gọn chỉ trong một câu thoại.
Chỉ là một động tác mở cửa tủ lạnh. Có hai điều hiện ra. Ao ước (A) và mong muốn (B). Hay là đạt A để thành B. Cái tên bộ phim được lồng hẳn vào trong lời thoại. Tựa phim, diễn biến chính, tình cảm chủ đạo có tính nhất quán và được dàn xếp gọn gàng.
Chỉ trong vài phút đầu tiên của hồi thứ 1, người xem đã biết rõ hành trình và mong ước của nhân vật.
Gần kết phim có một khoảng lặng rất quý. Tôi ngạc nhiên về điều này. Cảm giác tổng thể của tôi sau khi rời rạp là sự dễ chịu.
#Nhiên