Ban đầu tôi đã xếp “Tuồng Cổ” vào nhóm Dân Tộc Nhạc Học (Ethnomusicology). Tôi đã hơi vội vàng. Bình tĩnh nhìn ngắm, sách không những liên quan đến âm nhạc mà còn là văn học, lịch sử, sân khấu v.v... Tâm điểm không còn là âm nhạc, tức phương thức thể hiện, mà đã là câu chuyện, chủ thể được thể hiện. Có một câu chuyện và hãy thử yên ngồi để suy xét cách thức câu chuyện ấy được kể. Hãy cùng trở về với ý nghĩa căn bản nhất trong một vở tuồng. Là gì?
Là cách kể,
là ngôn ngữ kể,
là con chữ kiến tạo.
Là kịch bản.
Không còn là năm xuất bản 1987. Tôi đã du hành xa hơn nữa. Tiến về thập niên 70. 1978. Một chín bảy tám. Một nghìn chín trăm bảy mươi tám. Vẫn là màu giấy vàng vọt. Nhưng có một biến động lớn về giá in ở bìa sau. Từ 165,00đ đến 2đ10. Không còn là cải lương nữa. Không còn là những trạm trung chuyển mà là điểm khởi đầu, là nơi khơi nguồn.
Tam Nữ Đồ Vương và đặc biệt là San Hậu (hay Sơn Hậu) được đặt vào hồng tâm. Tất cả các phương diện lần lượt được phân tích. Thể tài. Nội dung. Thủ pháp biên kịch. Quy luật vận động. Cách tạo dựng nhân vật. Cách tạo ra cao trào. Cấu trúc ba hồi. Bố cục hồi, lớp. Văn chương trong kịch bản tuồng cổ. Tình cảm xung đột chủ đạo trong kịch tự sự phương Đông. Tinh hoa và khiếm khuyết của bi kịch anh hùng ca. Kèm theo đó là toàn văn 2 kịch bản.
Đó là những thu nhặt về sau. Lúc này, trên chuyến xe ra rạp, tôi mới chỉ dừng ở 4 trang đầu. Một loạt những từ ngữ lạ kỳ tuần tự giăng ra trước mắt. Tuồng cổ. Tuồng cung đình. Tuồng dân gian. Tuồng Đồ, tuồng giễu. Tuồng Văn Thân. Tuồng tân thời. Tuồng hiện đại. Tuồng lịch sử. Tuồng ngự. Tuồng pho. Chúng gây mê say nồng cháy. Phấn khích dậy trào. Và nhất là sự thật. Sự thật về Sơn Hậu.
Đã là một vở tuồng cổ xưa mà lại thuộc về “Tuồng cổ”, tức là xưa nhất, xa nhất, lâu nhất cách nay về trước. Và ai đã viết nên kịch bản được xem là mẫu, là chuẩn, là “tuồng thầy” này? Người đã chỉnh lý, viết lại hồi thứ III là Đào Tấn? Người đã nhuận sắc nhân vật Lê Tử Trình là Lê Văn Duyệt? Rồi còn ai nữa? Bao nhiêu anh hùng, bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu tâm tài đã cùng góp sức vào công cuộc sáng tác trường kỳ qua trăm năm? Từ một đề cương chi tiết khởi đi từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, có nguồn dẫn rằng Đào Duy Từ chính là tác giả đầu tiên (?), Sơn Hậu đã sang tay bao nhiêu bậc thầy sáng tác để vừa là một Sơn Hậu phường bản, vừa là một Sơn Hậu kinh bản?
Tôi đã về nguồn thực sự rồi!
Chỉ trong 4 trang giấy. Tôi biết mình đã tìm thấy một kho tàng. Một thứ “gia trung hữu bảo”. Của báu chôn ngay dưới nền nhà. Thế mà trước giờ vẫn tưởng mình nghèo. Vẫn ôm xiết cái mặc cảm không bằng người, cái mặc cảm thấp kém, hèn mọn. Rồi chỉ chờ một lần nổi gió vu vơ, một đụng chạm thời sự thì cái mặc cảm thất thế và thất chí ấy lại mẫn cảm, dị ứng, mưng mủ và trở thành nỗi đau đời, thành những tràng chửi tru tréo ngang dọc.
Không xử lý được cái mặc cảm thua người. Để rồi chỉ biết chửi cha, chửi mẹ, chửi đời, chửi người. Cứ hăng hái và nhiệt thành tha mang những thứ rác rến ngôn từ để làm tư gia chật chứa. Trong khi…
… một nguồn sáng lấp lánh vẫn đang ở bên dưới, vẫn đang chờ đang đợi một lần đào xới anh minh.
Tôi ngu quá, tôi ơi!
#Nhiên
12.9.2018
12.9.2018
còn 4 ngày nữa…#16tháng9