25.9.18

Ai là nhân vật trung tâm? | SL#18

Song Lang, Cảm nhận Song Lang, Vũ Hồng Nhiên, Hồng Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi đến rạp lần thứ 2. Cũng trong một giờ chiếu nghịch trái. Thật may là cái nghề giảng dạy cho tôi cơ hội được xem phim trong những giờ chiếu mà có lẽ chỉ có giới học sinh hay sinh viên hiện diện.

Đây là lần hai xem Song Lang tại Hà Nội. Cũng đúng rạp lần trước. Cũng đúng giờ chiếu đã từng. Và tôi sẽ không còn một lần xem nào khác. Đây cũng là ngày chiếu cuối cùng của Song Lang tại thành phố này.

Kỹ năng xem phim của tôi vẫn chưa thể nào tiến bộ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên ở lần này, tôi có mang theo một câu hỏi. Trước khi bước vào rạp, tôi đã ghi khắc. Đó là câu hỏi:

- Ai là nhân vật trung tâm?

Từ lần xem đầu tiên, tôi đã có dữ liệu. Và lần xem thứ hai này, tôi không còn lối xem hồn nhiên nữa. Tôi không để cho cảm xúc dẫn lối. Trí nhớ bắt đầu động đậy xen lẫn vào cảm xúc. Việc xác định nhân vật chính chắc chắc sẽ là một động tác mà tôi sẽ còn áp dụng vào bất kể phim nào khác về sau. Đây là bước đi căn bản để có thể tiến bộ trong sự cảm thụ điện ảnh.

Tôi trả lời:
- Dũng là nhân vật trung tâm.

Trung tâm tức là 1. Không thể có 2.  Và tôi có rất nhiều bằng cớ. 

Thứ nhất, Dũng là người xuất hiện đầu tiên. Phim mới vào là có ngay hình ảnh của Dũng. Cùng theo đó là một dạng tuyên đọc. Tôi lờ mờ phán đoán nội dung của phần diễn ngôn đó cũng chính là tư tưởng chủ đạo của bộ phim này. Xuất hiện đầu tiên, nói ra một câu nói nào đó mang hình dáng triết lý. Đó là bằng cớ đầu tiên cho nghi vấn về nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Thứ hai, sự biến đổi thể xác. Cụ thể là thời trang, cách ăn mặc của Dũng. Linh Phụng là diễn viên cải lương. Chuyện anh lấp lánh là điều không có gì phải phân tích. Còn Dũng thì có sự bất thường. Theo trí nhớ của tôi, cả một phim là một sắc màu u ám, cũ kỹ mỗi khi Dũng xuất hiện. Quần áo của anh thường là màu tối và lạnh. Nhưng có một lần anh mặc áo trắng (và có cả áo hồng). Lần nào? Để tôi dò lại. Đúng rồi! Dũng có mặt áo trắng. Và diễn tiến này chiếm một thời lượng lớn của bộ phim. Màu áo trắng tinh khôi đối lập hoàn toàn với màu u tối trước đó. Hình như Dũng có mặc chiếc áo trắng ở nhà thờ? Hình như Dũng cũng mặc chiếc áo trắng khi đánh nhau để giải cứu Linh Phụng? Hình như Dũng cũng mặc chiếc áo trắng khi ngăn cản đàn em phạm tội? Nếu đúng như tôi nhớ thì chiếc áo trắng đi liền với tất cả những hoạt động mang tính thiện của Dũng. Đây là bằng cớ thứ hai.

Thứ ba, thay đổi về mặt nghề nghiệp, địa vị xã hội. Dũng ở đầu phim là một gã đòi nợ thuê, máu lạnh và sẵn sàng dùng bạo lực để trấn áp con nợ. Giữa phim, Dũng đã cầm đờn. Cuối phim, Dũng chạy đến rạp hát. Linh Phụng thì không có sự biến đổi ở cùng một mức độ. Từ đầu tới cuối, Linh Phụng vẫn là kép hát. Trong khi đó, Dũng từ bỏ băng đảng để trở thành một ông “thầy đờn”. Từ bóng tối, Dũng tìm về miền sáng. Từ tà quay về với chánh, từ bất thiện chuyển về lành đẹp. Đây là bằng cớ thứ ba.

Thứ tư, thay đổi về nội tâm. Linh Phụng cũng có những thay đổi. Nhưng Dũng nhiều hơn. Ở anh, người xem thấy được rất nhiều cơn khủng hoảng nội tâm. Sự giằng co, dùng dằn, đè nén rồi bung tỏa. Cười có, khóc có, u uất có. Có rất nhiều diễn biến cho thấy sự biến đổi trong nội tâm của Dũng. Đây là bằng cớ thứ tư.

À, tôi còn chưa kể đến một số cảnh đáng nhớ nhất trong phim này. Đó là cảnh Dũng đánh lại đám thanh niên đang tấn công Linh Phụng. Đó là cảnh Dũng chạy xe đèo theo Linh Phụng trong đêm khuya. Đó là cảnh Dũng ngồi khóc trên sân thượng. Đó là cảnh Dũng đứng một mình trong căn phòng trống vắng, ngập đầy nắng. Tất cả ấn tượng thị giác của tôi trong phim này đều liên quan đến nhân vật Dũng. Ký ức sắc nét đọng lại là màu trắng trong nguyên khôi của chiếc áo và màu sáng ấm rực rỡ của những tia nắng nơi căn phòng.

Với những bằng cớ vừa kể, tôi có thể nhiều phần hay là hoàn toàn tự tin khi nói rằng, “Trung tâm của Song Lang là Dũng.”

Việc tìm ra “nhân vật trung tâm” là bước quan trọng để tôi dò ra manh mối trong việc xác định tư tưởng chủ đạo của tác phẩm. Nếu đã có nhân vật trung tâm thì tôi tin rằng tư tưởng chính yếu của tác phẩm, thông điệp của bộ phim cũng chỉ có thể từ nhân vật này, cũng chỉ có thể tìm thấy trong nhân vật này.

Đó là gì? Theo trình tự thời gian đầu phim, giữa phim và kết phim, tôi thấy hình như có rất nhiều tư tưởng xuất hiện. Tôi không thể nào nhớ hết. Nhưng cái đầu tiên luôn là cái ấn tượng nhất. Cho nên tôi dựa vào đó. Tôi dựa vào câu thoại đầu tiên của Dũng ở màn giáo đầu. Dũng có nhắc đến người cha và lời dạy của ông về chiếc song lang. Đó là nhạc cụ tổ của nghề hát. Âm thanh song lang đóng vai trò giữ nhịp trong một bài hát. Âm thanh song lang cũng là tiếng đạo, là lời dẫn con người hướng về những giá trị đạo đức cao đẹp. 

Ở giữa phim, tôi lại bắt gặp hình ảnh người cha dạy đàn cho Dũng. Ông viết lên bài Trường Tương Tư. Và Linh Phụng đã làm sống lại bài hát trong đêm ở tại nhà Dũng. Tôi không nhớ nội dung. Nhưng may là anh đạo diễn có đăng lên mạng sau đó. Thế nên tôi có thể ghi lại lời này. “Nhịp song lang tôi vẫn giữ âm thầm giữa cuộc sống đa đoan”. Tôi đã nghe đi nghe lại bài này nhiều lần. Cả phần hát của chính anh đạo diễn nữa. Câu ấy cho tôi cảm giác gian khó của người viết trong việc giữ “nhịp song lang”. Có rất nhiều khó khăn để giữ nhịp, để làm nghề, để nhớ tới tiếng gọi của lương tâm, của tính thiện. Mà lại giữ trong âm thầm. Tức là không dám hé răng. Không muốn hé răng. Khó khăn nhưng mà mình chấp nhận. Không nói ra, không kêu gào, không than trách. Không kinh doanh nước mắt. Không phân phối sự xót thương! Tất cả là sự gìn giữ trong lặng lẽ, trong âm thầm. Ôi, yêu lắm! Thương lắm cái câu hát đậm chất trượng phu này!

Song lang vì vậy là một đồ vật có tính chất dẫn truyền cho thông điệp của tác phẩm. Tôi tạm gọi “song lang” là vật dẫn. Liệu có thể thay đổi “vật dẫn” không? Tôi nghĩ là được. Vì dù sao vẫn là một đồ vật. Nhưng không thể thay đổi con người. Không thể thay đổi nhân vật trung tâm. Đổi Linh Phụng thì có thể đổi được. Đổi gánh hát Thiên Lý cũng đổi được. Đổi cả khoảng thời gian nghìn chín tám mươi vẫn được. Đổi luôn thành phố Sài Gòn cũng được. Bởi vì tôi đã có luận cứ cho câu hỏi “ai là nhân vật trung tâm”. Tôi có thể tóm tắt tác phẩm trong 1 hàng ngắn gọn:

- Một gã đòi nợ thuê muốn hoàn lương.

Nếu chọn câu này thì tôi có thể bỏ hết, chỉ giữ Dũng lại.

Tôi cũng có thể tóm tắt tác phẩm bằng một lối khác:

- Một gã đòi nợ thuê muốn trở thành một thầy đờn

Nếu giữ câu này thì vật dẫn ngay lập tức xuất hiện, có thể là đờn kìm, có thể là song lang. Lúc này đã hơi khó để bỏ đi chiếc song lang bởi ý nghĩa sử dụng và ý nghĩa tinh thần của nó.

Nếu cần tóm tắt tác phẩm bằng 1 hàng chữ thì tôi không có lựa chọn nào ngoài 2 câu ở trên. Vậy nên đối với tôi, Song Lang không gì khác là một hành trình phục thiện. Nhân vật chính của tác phẩm muốn đi tìm hay tìm lại tính thiện bên trong mình. Ai hỏi tôi thì tôi sẽ nói như vậy. Không thể khác được! Phim có hay và hay như thế nào là tùy thuộc vào việc đặc tả hành trình phục thiện. Hoặc nếu cần góp ý gì để bộ phim trở nên hấp dẫn hơn thì tôi cũng chỉ có thể dựa vào hồng tâm đó, dựa vào nhân vật trung tâm. Không thể khác!

#HồngNhiên