Chỉ còn 5 ngày nữa. Và tôi cũng chỉ có 5 quyển sách về đề tài Dân Tộc Nhạc Học (Ethnomusicology) để làm thông tin nền. 5 quyển. Chỉ có 1 là tươi mới hoàn toàn. Tôi mua khi nó vừa phát hành vào 2 năm trước. 2 quyển săn lùng trong chợ sách cũ và đợt giảm giá. 2 quyển thuộc về tủ sách gia truyền.
Tôi đang cầm 1 trong 2 quyển vừa kể ở trên. Trên đường đến rạp. Lần mấy? Thôi, không muốn đếm nữa. Những gì cần mổ xẻ về phim thì đã hoàn tất rồi. Giờ là lúc tập trung vào một phương diện đã sắm vai trò là điểm châm ngòi cho diễn tiến của bộ phim. Cải lương.
Tôi cũng yêu cải lương. Nhưng không hiểu nhiều hoặc hiểu rất mơ hồ và nông cạn. Yêu mà không hiểu thì khác nào là yêu mù. Tự nói ra cũng đồng nghĩa tự tố cáo mình. Vậy nên chữ “yêu” lỡ thốt ra thì mới giật nẩy thấy mình rất sáo và rất láo.
5 quyển sách đều đã có sẵn. Khi đọc thì không mấy hào hứng. Thế mà giờ nhờ có cái #MiniWorkshop sắp tới mà từng trang như cơm ngọt, như trà thơm. Nhờ đọc sách mà cảm thụ bộ phim tốt hơn. Cái gì đã thấy tốt thì nay tốt hơn nữa. Cái gì chưa tốt thì nay hiểu sâu hơn.
Một điều quan trọng, quyển này, màu giấy và năm xuất bản. Tất cả như một chuyến du hành vượt thời gian. Trở về 1987. Tôi đọc và thu thập nhiều thông tin trên bề mặt trang giấy. Tôi cũng đọc và thu thập nhiều dữ kiện từ nội tâm người viết. Có những nội dung họ viết bằng tình yêu, bằng tinh thần nghiên cứu. Có những nội dung họ viết là vì một nguồn cơn nào đó bên ngoài. Họ không còn là họ. Có một sự sai khiến tác động đến con chữ và chúng cũng bày hết ra giấy.
“Việc ai nấy làm”, Dũng từng nói vậy với Linh Phụng trên sân thượng. Tôi cũng đang làm việc của tôi. Người viết, họ viết. Còn tôi, tôi đọc và không để chữ của họ tràn hết vào mình. Quyển này với tựa “Tìm Hiểu Âm Nhạc Cải Lương” cho tôi rất nhiều kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, diễn tiến sôi động của ngành này với bao nguyên nhân và hệ quả ở thời điểm bấy giờ thì có lẽ tôi cần một quyển khác. Không biết có không? Hoặc có thể là không tìm thấy sách giấy mà lại tìm thấy một quyển sách sống. Dù là sách giấy hay sách sống thì kỹ thuật đọc vẫn không đổi. Đọc cây cối cành lá bên trên và cố gắng đọc bề sâu gốc rễ ẩn núp. Diễn biến bên dưới có khi quan trọng hơn trăm phần.
Nhiên,
11.9.2018
Còn 5 ngày nữa…#16tháng9