15.9.18

2 - Tính Đảng | MiniWorkshop#6A

Tính Đảng, Đường lối văn nghệ của Đảng, Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Không, Góc Nghệ
Không hiểu sao trong thời gian ngồi chờ #MiniWorkshop, bất kỳ quyển sách nào liên quan tôi đọc đều thấy hay hết. Hay lạ thường!

Quyển “Tuồng Cổ” (Hoàng Châu Ký) tôi đọc vào thời điểm Tiên Nga ra mắt năm ngoái. Khi đó đã có cảm giác thanh lọc rồi. Thế mà sự thanh lọc của độ này còn tăng cường hơn nữa. Sách điện ảnh đã ít và không dễ tìm. Sách sân khấu còn là trò cút bắt với độ khó cao thêm chục lần. Thế nên tôi quý quyển này kinh khủng. Năm in là tháng 12.1978. Còn đối tượng được luận bàn là vở tuồng xưa nhất, cổ nhất đất Việt. Giá trị của sách với tôi vì vậy là 2 tiếng:

- Liên thành

Chẳng ngờ là ngay trong nhà lại có quyển này. Của báu mà không hề biết. Tôi nói tôi rất ngu là không thậm xưng chút nào. Nhưng tiếc thay, ở ngay trang sau trang bìa có ghi rõ là “Tập 1”. Trời ơi! Nghĩa là còn tập 2, tập 3. Vậy rốt cuộc là mấy tập đây? Tôi phải lên đường. Tôi đâu thể ngu lâu và ngồi chờ ăn sẵn hoài được. Tôi phải thử dùng sức mình thôi. Và thử với cơ may nữa? Nhưng cơ may cũng chỉ rơi xuống đời những con người thực sự hành động.

Hoặc cơ may sẽ biểu hiện thành một dạng khác.

Như quyển sách tôi đang cầm trên tay lúc này.

Đây là chuyến xe bus 103. Và tôi vừa đi ngang qua Đại Học Bách Khoa. Chuyến xe hôm nay đã giúp tôi có thêm 3 quyển sách nữa có liên quan đến bộ phim. Đúng hơn là nhiều sách lắm, tôi chưa đếm luôn. Những đề tài tôi ưa thích là văn hóa Tây Nguyên, tâm lý trẻ em, sự tự suy xét. Tôi đều tìm thấy một loạt sách tương ứng trong đợt truy lùng này. Thế nhưng tiền thì không đủ mà một phần vì tôi thấy lòng tham và sự vô lý của tôi đã đi hơi xa. Tiêu dùng đã có dấu hiệu mất kiểm soát nên tôi kịp thời thắng lại.

Trở lại với quyển sách được gọi là “Vũ khí – Trí tuệ – Ánh sáng”. Không hiểu sao khi cầm lên lần đầu tôi rất thích. Hai làn màu đỏ xanh đặt trên nền vàng ố gợi lên một ấn tượng thị giác vô cùng đặc biệt. Sách in năm 1977, tức là đúng năm sinh của đạo diễn bộ phim Song Lang lẫn người sắp tổ chức một buổi hội thảo bé bé xinh xinh về Song Lang. Ở mặt trong của trang đầu tiên còn có ghi hẳn một lời đề tựa có màu xanh lá trùng với 1 trong 2 màu chủ đạo trên bìa sách. Ghi hẳn ngày 30.7.1977. Nghĩa là cách đây 41 năm xê xích 2 tháng. Tôi thấy giá trị thời gian. Tôi thấy cả một phần nào đó tâm hồn người đã viết lời đề tặng. Cái quan trọng là sách lại rất rẻ. Thường thì sách càng cũ thì giá sẽ càng cao. Như một quyển tuyển tập thơ văn Quang Dũng, số trang ít hơn mà giá đã gấp đôi quyển này. Hay như một quyển về thiền tập ra cùng thời điểm mà giá vọt lên gấp 20 lần. Sách chính trị có lẽ không được chuộng. Câu chuyện của cung và cầu, tôi đoán vậy. Và hẳn nhiên còn là giá trị nội tại, tự thân những gì viết trong sách cũng phải có giá trị thì mới cao giá được. Nhưng đôi khi sự định giá của thị trường (tức biểu hiện của tâm lý đám đông) cũng sai lầm, sai dữ dội lắm. Cho nên ai biết được sự đầu tư hôm nay của tôi là tối đen? Hay đầy triển vọng?

Cơ bản là tôi không chỉ nhìn vào giá. Dẫu cho đang đi tìm Tuồng Cổ Tập 2 hay bất kỳ điều gì liên quan đến đề tài cải lương nhưng chắc chắn tôi không dễ dàng bỏ qua những dạng sách như thế này.

Dũng, nhân vật chính trong tác phẩm Song Lang được trình hiện đến 3 dòng thời gian. Dũng hiện tại, tuổi thanh niên và có đến 2 Dũng của tuổi nhi đồng và tuổi thiếu niên lần lượt xuất hiện trong dòng hồi tưởng.

Cha mẹ của anh, quá khứ của anh được phơi bày để làm gì? Rõ ràng không phải chỉ để mô tả lý lịch. Đó còn là một lời giải thích hay ít ra là một mở đề cho sự bất ổn tâm lý của Dũng (tuổi thanh niên). Nguồn cơn để câu chuyện chuyển động chính là từ dạo đó, từ thuở ấy. Và có một câu nói của mẹ Dũng. Bà nói gì? Từ miệng nhân vật này đã phát ra “...phê và tự phê”. Người bạn diễn của bà cũng góp thêm một câu thoại nữa, “Hội đồng nghệ thuật...”.

Hai ngoặc kép đóng mở này chính là một sự xác nhận về thời gian. Chắc chắn chỗ ngồi của mẹ Dũng vẫn là rạp hát. Nhưng thời gian thì đã đổi. Đây phải là sau 1975. Người xem còn thấy hình ảnh các diễn viên đang mặc áo bộ đội, quấn khăn rằn. Họ đang diễn tuồng xã hội. Cơ sở thời gian “sau 1975” có thêm luận cứ vững chắc.

Hình ảnh mẹ Dũng trong vai “Điêu Thuyền” trước đó rất nhiều khả năng là “trước 1975”. Đó là giai đoạn được làm nghề hạnh phúc của bà. Còn sau cái ngưỡng định mệnh với một sự xáo trộn tận gốc vào hệ thống nhân sự của một đoàn hát nói riêng và toàn ngành sân khấu cải lương nói chung, bà đã không còn giữ được niềm vui trong hát ca nữa.

Nguyên nhân là vì đâu? Có phải chỉ đơn giản là vì không được đóng vai yêu thích? Có phải là vì cơ cấu lương bổng bị thay đổi? Hay còn là một tác nhân sâu xa nào? Một tác nhân có tính chất thượng tầng và quyết định?

Là một diễn viên tức là đang hóa thân vào một nhân vật. Anh ta hay cô ta đang kể một câu chuyện. Bắt buộc người nghệ sĩ đó phải có đủ kỹ năng để kể. Họ phải nắm bắt được tính chân, tính thiện và tính mỹ trong thông điệp ẩn tàng bên dưới nhân vật và câu chuyện họ kể. Giờ họ phải thêm vào một tính khác. Đó là tính Đảng. Liệu họ có còn vui?

Song Lang đã có những cảnh cho thấy họ không vui. Song Lang đã có mở đề. Mở ra chắc chắn phải có phần khai triển và khép lại. Song Lang đã vận dụng ngôn ngữ điện ảnh để khai triển và đóng khép mở đề của mình như thế nào?

#Nhiên
14.9.2018
Còn 2 ngày nữa #16tháng9