15.9.18

6 – Hồi thứ nhứt | MiniWorkshop#2

Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Không, Góc Nghệ
Ảnh đại diện của tôi trước giờ vẫn là nét chữ trắng. Tôi viết câu “những điều tốt hơn đang đến” rồi chèn vào một ô vuông màu đỏ. 
Đây có thể sẽ là ảnh đại diện muôn đời. Tìm đến mạng xã hội tôi cũng không có động cơ nào khác ngoài chuyện. Khoe. Hay là phơi. 

Tôi có một thông điệp. Tôi muốn hong khô dưới ánh mặt trời. Thông điệp đó là “viết và tự suy xét”. Thông điệp mà cũng là hành động. Viết là tự suy xét. Viết để tự suy xét. Và nguyện sao cho toàn bộ diễn tiến sẽ mang đến điềm lành. Hy vọng vào ‘những điều tốt hơn”. Nhưng tôi không ngồi chờ. Chúng có đến hay không tùy thuộc vào hành động của mình.

Nếu cần giải thích về ảnh đại diện thật ngắn gọn có thể tôi sẽ dùng những lời trên. Tôi không dùng 1 khuôn mặt để đại diện cho mình. Với tôi, chữ là đại diện. Thế mà rốt cuộc tôi cũng đã thay đổi định hướng của mình. Đổi luôn thì chắc không. Có lẽ chỉ là đổi trong một giai đoạn ngắn. Chỉ là 7 ngày. Có một mini workshop sắp diễn ra. Tôi đã đăng ký và nghĩ mình đăng ký từ rất sớm nên sẽ không trượt khỏi danh sách. Tôi có thể sẽ gặp được vài người bạn mới. Không còn là phòng riêng và những bài viết mà là phòng chung và những mẫu đối thoại. Thế nên cũng cần đưa lên mặt mũi để giúp cho việc kết nối và nhận diện. Đây là lý do cho sự đổi ảnh tạm thời.

Còn tại sao tôi lại chọn ảnh này thì có liên quan, liên quan khá nhiều đến Song Lang. Đây là ảnh chụp của năm 2018. Tôi đang đứng trên bờ. Trước mặt là dòng sông. Và xa cao tầm mắt là một vùng sáng, chói. Có những dãy nhà cao tầng. Dòng sông là một biểu trưng cho lằn ranh, có tính hiểm nguy, có chất dự báo. Cao ốc là một biểu trưng cho quyền lực, địa vị, sự sang giàu. Nếu sang sông, nhân vật “tôi” sẽ có những thay đổi lớn lao. Không chỉ là địa lý, từ bên này sang bên kia, từ thấp điểm đến cao điểm, từ tối chuyển qua sáng, mà còn là thể xác, cảm giác và tâm lý. Chắc chắn là vậy. Một hành động quăng mình sang sông sẽ tạo ra rất nhiều kịch tính.

Tôi đang nhìn cảnh vật không bằng con mắt thế gian. Tôi nhìn bằng con mắt điện ảnh nay chân xác hơn là nhìn bằng tư duy kể chuyện bằng hình, nhìn vạn vật theo cấu trúc ba hồi. Nghĩ mình như một nhân vật, tôi thấy tôi đang đứng trước một ranh giới mà nếu dấn thân thì hành vi “vượt ngưỡng” này sẽ là một bước tiến lớn. Đó là một dạng khép mở. Khép lại một hồi để mở ra một hồi. Tôi đang ở giao điểm giữa hồi 1 và hồi 2. Nhân vật là “tôi” đang đứng trước một lựa chọn. Nếu quyết định vượt sông thì “tôi” sẽ không còn thuộc về thế giới cũ, cái thấp điểm mà tôi đang đứng nữa. Có một sự cam kết, một dạng tuyên thệ nào đó và tôi nhất quyết băng sông, tôi vượt bờ để có thể tiến gần hơn với cái cao điểm mà tôi vẫn thường mơ ước trong tâm trí. 

Chỉ là một tấm ảnh bình thường với người khác. Họ có thể xác định được vị trí không gian. Còn với tôi, tấm ảnh này là phần 5 trên 12 phần của một câu chuyện. Và nơi tôi đang đứng là ở cuối hồi thứ nhứt.

Nếu dùng tư duy này để suy xét về Song Lang thì tôi bắt đầu một loạt câu hỏi tương tự?

- Nếu Dũng là nhân vật chính thì đâu là hành vi vượt ngưỡng đầu tiên?
- Nếu Phụng là nhân vật chính là đâu là hành vị vượt ngưỡng đầu tiên?
- Hai nhân vật này đã vượt bờ như thế nào?
- Thế giới cũ và mới của họ được mô tả ra sao?
- Thấp điểm và cao điểm của họ là gì?
- “Dòng sông” trong Song Lang được thay thế bằng một hình ảnh ẩn dụ nào?
- Thay vì là bờ sông thì nơi nào trong Song Lang là chứng nhân cho sự cam kết vượt bờ của nhân vật chính?

Những câu hỏi này chỉ cần đặt ra là đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc tóm tắt tác phẩm theo thể thức 3 hồi. Từ đây, hình ảnh nhà thờ hiện lên. Đã đẹp trên phim thì nay còn đẹp hơn trong nhận thức tươi mới của tôi nữa.

Tiếng chuông. Cây thánh giá. Tượng chúa. Những vật dẫn có chung thể tính đã được sử dụng trước đó thì nay điệp lại thêm một lần nữa để tạo nên một hệ sinh thái phong phú phục vụ cho nhiệm vụ duy nhất: Mô tả sự cam kết vượt bờ của Dũng.

Câu chuyện của Dũng với tôi rất rõ ràng. Đó là chuyện của một người muốn phục thiện. Chữ thiện hiện lên rất sắc nét trong hành trình của nhân vật này. Chữ ấy không mơ hồ mà đã tỏ tường qua mạch truyện, qua lời thoại, qua hành động, qua bối cảnh và qua các vật dẫn. Một nguyên mẫu (mẫu tượng, nguyên ảnh) đóng vai “cố vấn”, “quân sư” hay “người thầy” không xuất hiện. Họ có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định “dấn thân” của nhân vật. Đạo diễn không chọn ra một con người xương thịt cho nguyên mẫu “người thầy”, “sự tỉnh thức” để đồng hành với quá trình phục thiện hay quay về với tính thiện, quay về với em bé thơ ngay trong tâm hồn của Dũng. Thay vào đó là một loạt vật dẫn, một loạt hành vị có tính song trùng. Chẳng hạn như cùng là một hành động cắt ổi nhưng xưa là mẹ cắt cho Dũng nay là Dũng cắt cho 2 em bé. Chiếc thánh giá trên bàn tay bệnh nhân trong bệnh viện đến chiếc thánh giá trong nhà thờ. 

Tình tiết Dũng khom lưng, quỳ gối theo tư duy của tôi chính là một dạng tâm lý xác nhận. Và nơi chốn anh đang quỳ chính là “dòng sông” mà tôi đã nhắc ở trên. Cảnh khác. Cao điểm và thấp điểm khác. Nhưng bản chất của cảnh là tương đồng. Chức năng của cảnh trong sự vận động của câu chuyện là không đổi. Vừa là sự cam kết khép lại và đồng thời là dự báo mở ra. Đây chính là một những giây phút cuối cùng của hồi thứ nhất.

#Nhiên
10.9.2018
Còn 6 ngày nữa... #16tháng9