26.9.18

Tánh | ĐTP#3

Đi Tìm Phong, Finding Phong, đạm nhiên, Góc O, Góc Nghệ,
Mình nhờ 1 người bạn ở Hà Nội đi ngang Nhà Hát Múa Rối Thăng Long chụp lại 2 tấm ảnh đầu bài.

Đây là mặt trước của cơ quan mà Phong, nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Đi Tìm Phong”, đang công tác. Ngay khi xem đoạn phim ngắn giới thiệu, mình đã chú ý đến phân đoạn Phong đang vẽ môi cho một con rối. Mình không hiểu cụ thể phận sự của bạn là gì nhưng mình đoán là bạn ở trong tổ trang trí, phục dựng. Hẳn là bạn có năng khiếu cũng như tay nghề mỹ thuật thì mới có thể được phép tô điểm các vật dụng hay đạo cụ.

Thấy hình ảnh của bạn, mình hiếu kỳ về bộ môn múa rối nước. Quả là đã từng được xem ngày nhỏ nhưng hiểu biết của mình về ngành nghệ thuật dân gian này còn rất nông cạn. Có lẽ mình sẽ phải tìm sách để đọc hoặc thử mua một chiếc vé để sống lại cảm giác ngày nhỏ. Đây là dự định của mình. Còn ngay khi thấy Phong đang vẽ môi thì mình đã nghĩ tới từ “tánh”. Đúng ra là nghĩ tới “tướng” rồi đến “tánh”.

Con rối được vẽ thật đẹp. Nhưng cái đẹp ở đây là cái đẹp tĩnh, cái đẹp hình tướng. Còn cái hồn, phần tánh, cái đẹp sống động của nó thì cần phải có thêm nhiều bàn tay của nghệ nhân biểu diễn. Họ sẽ dùng tới thiện nghệ cá nhân, cộng thêm ánh sáng, âm nhạc và một kịch bản đã tập trước để biến cái đẹp tĩnh thành cái đẹp động. Nhờ có họ mà từ vẻ đẹp của tướng khán giả được xem vẻ đẹp của tánh.

Hành trình của Phong dường như có một sự tương đồng. Phong muốn sống đúng giới tính thật và bạn nương vào sự can thiệp của y học. Bạn sẽ có được một hình hài mong muốn. Nhưng theo mình, cái đó cũng chỉ dừng lại ở vẻ đẹp tĩnh, chỉ là tướng, là thể phách. Còn cái đẹp động, cái tánh, cái tinh anh thì không có một can thiệp y học nào có thể làm được. 

Phong sẽ cần phải có thêm bàn tay nào, âm thanh nào, ánh sáng nào để tánh nữ của bạn hiển hiện? 

Mình chờ được xem “Đi Tìm Phong” để giải đáp câu hỏi này.

#Nhiên