29.9.18

Tổ | ĐTP#7

Thông tin ban đầu về đêm công chiếu chính thức của “Đi Tìm Phong” là vào ngày 25.9.2018. Sau đó thì dời lại vào ngày 2.10. Ở thời điểm biết thông tin về ngày 25.9 tôi đã thấy hiện ra tiếng “Tổ”. Tại vì lúc bây giờ không khí giỗ Tổ, hướng về Tổ diễn ra ở khắp nơi. 

Nếu tính theo âm lịch là 12.8, ngày Sân Khấu Việt Nam. Sân Khấu vốn dĩ là gốc của phim. Vậy nên tiếng “Tổ” đã lai vãng ẩn hiện trong tâm trí.

Khi tôi đọc thông cáo báo chí về bộ phim, tôi nhận thấy tác phẩm này đã giành được rất nhiều giải thưởng. Vinh quang là có thật nhưng chỉ là sự thừa nhận ở ngoại quốc. “Đi Tìm Phong” cũng đã được tổ chức trình chiếu ở phạm vi nhỏ hẹp, không chính danh và chưa từng hưởng được bầu không khí thực sống của một tác phẩm điện ảnh. Nghĩa là có phát hành, có quảng bá, có dòng người chờ đón, xếp hàng vào rạp. Bộ phim vì vậy vẫn đang trên hành trình trở về quê nhà. Ráp nối tất cả, tôi có thêm “Vinh”, tôi có thêm “Quy”. Tất yếu là câu “vinh quy bái tổ” nên hình, bật ra thành lời.

Vấn đều còn lại nằm ở tiếng “Bái”. Ở ngữ cảnh hiện đại, có lẽ sẽ không bao giờ có chuyện đạo diễn cũng nhà sản xuất sẽ khấu đấu, sụp lạy bất kỳ một đối tượng nào. Nếu “Tổ” cần một điều gì đó từ họ thì tôi tin rằng chỉ cần sự trân trọng, sự thành thật trân trọng “Tổ”.

“Tổ” là ai? Những nhà làm phim hiện đại và được đào tạo tại Pháp tôi không biết họ có ý thức về “Tổ nghiệp” hay không? Có hay là không? Mà nếu có thì họ có phân biệt về mặt quốc tịch không? Vì rõ rằng nhiều khả năng họ sẽ nghiêng về tính Pháp, chất Pháp nhiều hơn. 

“Tổ” ở đây nếu nghĩa truyền thông là tổ tiên, là gia đình huyết thống. Một đứa con thành đạt muốn quay về cố hương, lễ bái, bày tỏ sự biết ơn, lòng quý kính đối với đấng sinh thành, đối với nơi đã sinh ra hình hài, đối với miền đất đã tạo nên căn tính. Sự “bái tổ” hiểu theo đúng nghĩa này có lẽ là câu chuyện cá nhân của nhà làm phim.

“Tổ” trong suy nghĩ của tôi, (có thể là một suy nghĩ cạn cợt), còn hàm tàng ý nghĩa là cái căn bản, cái gốc. Một bộ phim mà nhất lại là thể phim tài liệu tức lấy hiện thực làm nguyên liệu. Chính nhân dân, chính sự sống của đồng bào là nguồn cơn, là cảm hứng. Thế nên đối tượng hướng về của một tác phẩm khi đã hoàn thành mọi công đoạn theo tôi chính là nhân dân, chính là khán giả. Nếu đi theo tư duy này thì "Tổ" là những người sẽ đến, sẽ xếp hàng để thưởng thức bộ phim. Hiểu theo một nghĩa bó hẹp hơn là những người sẽ đồng hành, chia sẻ một phần tâm lực, tài lực để bộ phim có thể đến với khán giả. Cũng cần “bái” những đối tượng này. 

3 tiếng trong câu “vinh quy bái tổ” đã khớp. Chỉ còn lại “bái” là cần thực tế kiểm định. Nhà làm phim, nhà sản xuất có thực sự “bái” hay không? Họ có làm theo lẽ đạo? Họ có thực sự tôn trọng, trân trọng những người thật sự cần được tôn trọng và trân trọng.

#Nhiên