7.9.18

Gửi bạn đi xem lần đầu | SL#17

Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tớ rất vui khi nhận được rất nhiều ý kiến của cậu về Song Lang. Quý nhất vẫn là sự thành thật. Quý hơn là cậu không hề tiếp xúc với các ấn phẩm truyền thông hay các bài cảm nhận, bình luận trên mạng xã hội. Thế nên những gì đi ra từ cậu là độc lập, là nguyên chất, là hoang sơ, là trong lành.


1.
Tớ cũng luôn đến rạp sớm. 

Như cậu thấy, 4 tiếng là thời gian cần cho việc thưởng thức 1 bộ phim. Tức là nửa ngày lao động. Đó mới chỉ là điều kiện cần. Chưa kể thời gian hồi tưởng, quán chiếu và biên chép lại thành lời văn. 

Đi xem phim không còn ý nghĩa giải khuây. Hoặc nếu có thì mục đích giải khuây cũng chỉ là một phần. Phần còn lại, lớn hơn là sự học, sự hiểu. Hiểu về phim, hiểu về những cảm xúc có cùng phim tức nghĩa là hiểu mình.

À, nhưng nhớ đừng nhìn ăn, nhịn uống nha! Không khéo ngất xỉu trong rạp hihi.

2.
Rạp luôn đông khi tớ đi xem.

Cậu chọn giờ trưa thế này thì neo người là phải. Với những người đi làm theo khung thời gian thông thường, họ chỉ có thể xem phim vào giờ tan tầm, chiều tối. Hoặc các ngày cuối tuần. Hoặc là ngày lễ lớn. Đối tượng có thể xem phim bất kỳ giờ nào rơi vào ba nhóm. Nhóm học sinh, sinh viên. Nhóm đã nghỉ hưu. Và nhóm vẫn đang làm việc nhưng không theo giờ hành chính.

Cậu thuộc về nhóm thứ ba. 

Phần tớ, tớ luôn chọn giờ tối (trừ vài trường hợp đặc biệt). Những lần xem Song Lang của tớ luôn đông và chiếm giữ khoảng 2/3 số ghế tại rạp.

Đối tượng của bộ phim này theo tớ là mở rộng. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể xem được. Tuy nhiên, việc xác định rõ khách hàng mục tiêu thì theo tớ là rất cần thiết. Tớ không biết nhà sản xuất, nhà phát hành họ có khoanh vùng rõ ràng đối tượng mà muốn nhắm đến nhiều nhất không? 

Còn về nhận định đây là bộ phim cần phải suy ngẫm mới hiểu hết thì tớ đồng ý một nửa. Phim rõ ràng là có những điều cần suy ngẫm. Ẩn ngôn trong một bộ phim luôn là một thành tố không thể thiếu. Nhưng trước tiên phải là sự thuyết phục trong mạch dẫn chủ đạo. Người ta phải say mê với hành trình của nhân vật chính trước đã. Còn chuyện triết lý, những thông điệp hàm tàng tính sau.

3.
Hay hay không hay?

Tớ cũng như cậu dành nhiều sự trân trọng cho bộ phim này.

Cậu là một trường hợp người thật việc thật nữa xác quyết cho niềm tin của tớ. Đó là rất nhiều, đúng hơn có một số lượng người miền Bắc rất yêu quý cải lương. Cải lương giống như một thứ đặc sản thính giác. Thế nên, tớ sẽ rất ngạc nhiên nếu ai đó nói rằng Song Lang không phù hợp để trình chiếu tại miền Bắc. 

Bộ phim này đan cài nhiều phân đoạn trình diễn cải lương. Tớ nghĩ phần hát, phần phục trang, phần diễn, phần phục dựng đều tốt. Chỉ cần tạo nên sự liền mạch và nhất quán với mạch chính của câu chuyện thì đây sẽ là yếu tố giải trí, là điểm bán hàng then chốt có thể giúp phim bùng phát thành một cơn sốt. 

4.
Có sướng không?

Tớ thì không đơ như cậu trong lần xem đầu tiên.

Đó là một trạng thái bất ngờ. Kiểu như, “Ủa! Vậy là hết rồi hả?”. Tớ thấy phim cứ ngang xương thế nào đó. Cảm xúc của tớ đã vào dòng, từ lạt sang đậm và đang trong thế chờ một điều gì đó tiếp theo thì phim hết. 

Cũng có thể nói đó là một dạng hụt hẫng. Nếu gọi là lạc lối thì chắc là có. Một thoáng nào đó cũng đã đi lạc. Tớ cũng ngồi rất lâu ở hàng ghế. Phần vì không muốn phải xếp hàng, chen chúc trong dòng người ra thang máy. Phần vì tớ muốn thu thúc để thâu gom, kiểm định, rà soát tâm tư. 

Những cảm xúc ban đầu, những cái gọi là “lần đầu” rất quan trọng. Những lần xem sau thì do đã biết trước tình tiết nên chúng ta thường hay để tư duy xen vào. Cộng thêm tác động từ ý kiến bên ngoài. Nếu không biết cách phòng vệ thì hiệu ứng bầy đàn sẽ giống một loại độc dược gây mưng mủ nhiễm trùng. Sự cảm thụ vì vậy đã bị vấy bẩn, pha tạp. Dĩ nhiều đi xem càng nhiều thì sẽ càng có nhiều luận cứ để nhận định. Cách thấu, cách cảm sẽ chất chứa theo nhiều tầng tâm lý. Nhưng “lần đầu” vẫn là mỏ neo. 

Dù đã xem rất nhiều lần nhưng tớ vẫn dựa vào “lần đầu” để thẩm tra lại tất cả những đúc kết về sau.

Tớ nghĩ cậu cũng vậy, hãy quý trọng cảm giác đơ của mình. Đừng để cái đơ đó trôi ra khỏi miền nhớ. Giữ nó, tóm bắt nó, như một hành giả phải có một đề mục. Hãy lấy chính cái đơ đó làm đối tượng chính yếu cho sự quán chiếu của mình, cậu nhé! Mong là cậu sẽ khám phá được nhiều trầm tích bên dưới.

5.
Dũng là nhân vật chính.

Cô bé trong tuyến phụ Song Lang thì là dạng vai bỗ bã mà cậu. Nhân vật phụ xuất hiện là để thay lời mô tả về nhân vật chính. Có gì đâu mà dị ứng. Những cảnh như vậy là cần thiết. Và tớ nghĩ Cục Điện Ảnh nên cởi trói mọi quy định kiểm duyệt. Hoặc ít ra là quy định cụ thể chứ đừng huyền ảo như bây giờ. Người ta đọc vào người ta không rõ là cái nào là hợp, cái nào là không hợp. Lo lắng bao nhiêu với việc dựng phim thì lại thêm cái lo phần kiểm duyệt. Thật sự là quá phiền!

Cởi trói hết mọi xiềng xích đi! Giải phóng mọi đề tài đi! Ai hay, ai có câu chuyện hay, ai có cách kể chuyện hay thì người đó hưởng thành quả. Người làm công tác quản lý văn nghệ hãy là người tạo game. Xin đừng phá game! Hay cản trở sự ra đời của những game thủ xuất sắc. Nếu muốn bùng phát thì phải có tự do. Hay ít ra là xin đừng kiềm hãm!

À, tớ rất bất ngờ trước cách hiểu tóm lược của cậu về bộ phim đó. Giống như tớ. Nhân vật chính là Dũng. Và phim này là hành trình phục thiện của Dũng. Có thể cậu xem xong phim thì có nhận định này. Nhưng đừng dừng lại ở những kết luận sơ sài như vậy.

Cần thêm căn cứ. Từ đâu mà cậu nghĩ Dũng là nhân vật chính và đây là bộ phim nói về sự phục thiện? Mình phải có căn cứ rõ ràng nha cậu. Mà nếu đi tìm ra thật nhiều, thật nhiều căn cứ, bằng chứng, lý lẽ thì cái hiểu của cậu về phim sẽ càng ngày sâu dày đó.

Nói chung, đừng bằng lòng với những cái thấy của mình. Hãy tiếp tục đào sâu, đào sâu!

Còn chuyện thương nhân vật thì đó là trách nhiệm của nhà làm phim. Cậu không thể nào ráng thương, gồng thương, tự thuyết phục mình về sự thương được. Để tìm ra nhân vật chính, tìm ra nội dung chủ đạo thì cần đầu óc logic. Còn thương thì không. Đó là trái tim và nó phải chân thật. Không có thì thôi. Không cần phải gắng cố.

6.
Song Lang là gì?

Khác với cậu là ngay từ đầu tớ đã đi tìm ý nghĩa Song Lang. Song Lang có 2 nghĩa. Thứ nhất nói về MỘT nhạc cụ. Thứ hai nói về HAI con người.

Vậy bộ phim này là chuyện về MỘT hay là chuyện về HAI?

Với tớ, cho đến giờ phút này, vẫn là một bí ẩn.

Dựa theo câu thoại đầu tiên rồi nhìn vào kết cục như lối tư duy của cậu, đó gọi là dựa theo tiến trình câu chuyện. Cần thêm nhiều lần dựa nữa nha cậu. Cậu còn phải dựa vào:

- cấu trúc ba hồi
- hình ảnh phim (bối cảnh, các góc máy, nội thất, màu sắc chủ đạo)
- âm thanh (âm nhạc, tiếng nền, tiếng ngoài hình)
- phong cách kể (lối dựng cắt, ráp nối các phân đoạn, sử dụng vật dẫn)
- tư tưởng chủ đạo (ẩn ngôn)

Trên đây là vài gợi ý dựa trên hiểu biết ít ỏi của tớ. Cậu có thể dùng cảm hứng từ lần xem đầu để đi tiếp các lần sau và ghi nhận ở những khía cạnh vừa nêu. Hiện tại, ở Sài Gòn vẫn còn nhiều suất chiếu của Song Lang. Có lẽ là đến hết tuần sau vẫn còn có thể đi xem kịp. Tớ đang gầy một nhóm mà đa phần là các thầy cô giáo đi xem đó. Không biết có được không nữa? Nếu không được thì chắc tớ không đi. Cũng có hẹn vài người. Nếu họ đi thì tớ sẽ đi. Với tớ, được đi và được nghe cảm nhận trực tiếp ngay sau khi rời rạp là nguồn kiến thức quý giá và bổ ích. Nhờ đó, tớ hiểu hơn về sự cảm thụ điện ảnh của một bộ phận quần chúng. Cái hiểu này cũng như của cậu vậy. Chúng trong lành, chưa ô nhiễm, chúng chân thật và độc lập. Nếu có ai cùng đi tớ sẽ lại lên đường.

7.
Tình yêu?

Chuyện thần giao cách cảm mà cậu có nhắc tới thì đúng vậy đó. Với tớ là rất khiên cưỡng. Còn về tình cảm giữa 2 nhân vật Dũng và Phụng thì tớ nghĩ đó là “tình nghệ sĩ”.

Hẳn nhiên, đây là ý kiến chủ quan của tớ. Nhưng theo tớ, nếu đạo diễn chủ trương và phát triển theo ý “tình nghệ sĩ” hay bất kỳ một dạng tình cảm nào khác một cách nhất quán đồng bộ và xuyên suốt ngay từ đầu thì có lẽ sẽ thâu phục được nhân tâm ở một cơ số đông đảo. Tại sao tớ nói vậy? Vì theo tính toán của tớ, điểm rơi tình cảm trong phim này hơi bị trễ. 

Về màu phim thì tớ gợi ý cậu để ý vào thời trang của nhân vật. Có sự tương phản giữa họ hay không? Màu phim còn do màu của nội thất, màu của không gian trong phòng và ngoài phòng quyết định. Hãy để ý, hãy chú tâm, có thể cậu sẽ phát hiện nhiều điều hay.

#Nhiên
7.9.2018