Đề tài LGBT chắc chắn là một mỏ vàng đã được khai thác. Chỉ cần nhìn vào phản ứng bội thực và tránh né của khán giả là hiểu được mức độ mà phim, kịch, nhạc nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn nói chung đã khai thác tài nguyên ấy như thế nào.
Có nhiều nghệ sĩ đã thành danh, đã ghi dấu ấn bằng việc hóa thân thành các thân phận trong cộng đồng LGBT. Tôi chừng từng thống kê là bao nhiêu người và bao nhiêu kịch bản. Nhưng ấn tượng của tôi là các hóa thân ấy thường chỉ giữ vai trò tuyến phụ là nhiều hơn. Và trong những gì tôi thấy, hình ảnh của cộng đồng LGBT có khuynh hướng tạo ra chất hài hoặc oan trái và bi đát.
Đã bao giờ có một kịch bản lấy họ làm trung tâm? Đã bao giờ họ là người chủ, toàn quyền quyết định bánh xe câu chuyện? Đã bao giờ họ là một người trẻ tuổi, có học thức, có hoài bão giúp mình, giúp đời? Đã bao giờ họ được đuổi theo một nhiệm vụ là đổi thay nhận thức của dư luận về một vấn đề vĩ mô? Đã bao giờ họ không còn là một nhân vật hề hước chỉ có những hành vi lố lăng, những câu thoại kích dục, gây cười vô lối? Đã bao giờ họ được giữ nguyên ảnh “anh hùng” đem lại công bằng và sự thừa nhận của luật pháp dành cho cộng đồng LGBT?
Tôi không biết “Đi Tìm Phong” sẽ trả lời bao nhiêu câu hỏi. Nhưng biết chắc một điều Phong là vai chính. Bạn là người quyết định diễn tiến của bộ phim. Và bạn có học thức, bạn giỏi múa, vẽ, có thiên hướng nghệ thuật.
Tôi muốn được thấy nhiều Phong như thế. Tôi muốn hồng tâm, tôi muốn vị trí anh hùng được trả về cho thật nhiều những người như Phong.
#Nhiên