Tôi vội vàng đăng ký ngay và lên kế hoạch tích lũy thêm kiến thức để có cái mà trình bày nếu được chấp thuận tham dự. Có lẽ tôi sẽ mua thêm vài quyển sách về đề tài cải lương và viết 7 bài nhật ký như một cách đếm lui từng ngày để giữ nhiệt.
Tính đến lúc này tôi đã xem Song Lang 6
lần (nếu tính luôn cả lần đi xem suất đặc biệt mà tôi được ké theo thì là 7).
Tôi vẫn có kế hoạch đi xem thêm vài lần nữa. Có những người tôi muốn đi xem
cùng. Hoặc có những rạp tôi chưa từng đến. Song Lang được đầu tư khá tốt về mặt
âm thanh thế nên đi xem cũng là một cách để kiểm tra điều kiện kỹ thuật của một
rạp.
Với số lần xem đã lên tới 6, không khó
cho tôi trong việc tóm tắt diễn biến của phim. Tôi dành ngày cuối tuần này để
nhớ lại từng vòng quay của bánh xe câu chuyện. Xác định các cột mốc chính yếu
giúp tôi dần dần nhìn thấy cấu trúc 3 hồi của tác phẩm.
Trước khi đào sâu vào 3 hồi, tôi muốn trở
lại với phong cách kể của Song Lang. Đúng hơn là lối dựng cắt biên tập. Vì đã
xem 2 bộ phim ngắn là Bình Minh và Nói Với Mẹ trước đó của đạo diễn Leon Le thế
nên tôi không cảm thấy bỡ ngỡ trong lần xem Song Lang đầu tiên. Anh tỏ ra rất
ưa thích việc đan xen các tuyến thời gian trong cuộc đời của nhân vật chính. Sử
dụng hồi tưởng như một cách để tả thêm về lý lịch nhân vật cũng như đưa thêm
các dữ kiện trong quá khứ để giải thích những vấn đề trong hiện tại.
Sự khác biệt ở đây là thời lượng. Phim
ngắn và phim dài. Phim ngắn vì tính chất “ngắn” cho nên không dễ hé lộ được sự
trường vốn của nhà làm phim. “Trường vốn” trong suy nghĩ của tôi là sự chắc
tay, sự giữ nhịp, sự không lan man, sự không để người xem bị rời khỏi mạch chủ
đạo của bộ phim. Chuyển sang một bộ phim dài, người ta sẽ rất dễ nhìn thấy sự
trường vốn của một người đạo diễn.
Với Dũng, tôi thấy có đến 3 dòng thời
gian. Dòng hiện tại là câu chuyện chính. Dòng quá khứ có đến 2 diễn viên thủ
vai. Như vậy có thể tạm gọi 2 dòng trong quá khứ là tuổi nhi đồng và tuổi thiếu
thiên. Từ 6 đến 9 tuổi và từ 9 đến 15. Còn dòng hiện tại là tạm gọi là tuổi thanh
niên, từ 15 đến 28 tuổi.
Dùng kỹ thuật dựng các đoạn hồi tưởng mà
lại dùng đến 2 dòng. Tôi ngạc nhiên vì con số 2. Và trong khi đan xen quá khứ
hiện tại (phi tuyến tính) thì đạo diễn lại còn đảo thứ tự của 2 dòng
trong quá khứ. Nghĩa là thay vì nhớ lại tuổi nhi đồng rồi đến tuổi thiếu niên
và đan xen với tuổi thanh niên thì lại đảo trật tự trình hiện của các đoạn về
tuổi nhi đồng và tuổi thiếu niên. Thay vì lấy một cột mốc quá khứ để tiến dần về
hiện tại thì đạo diễn lại còn đảo các dòng thời gian trong quá khứ. Điều này với
tôi là rất nguy hiểm. Tự mình làm khó mình đã đành mà cũng có thể làm khó cả khán
giả. Khán giả một là không nắm bắt được câu chuyện. Hai là họ bị cuốn vào những
mở đề trong cả 2 dòng thời gian ở quá khứ và bị kẹt ở đó.
Đó là về chuyện hồi tưởng. Còn ở mạch
đương thời, ngoài chuyện của Dũng, chuyện của Phụng, một thời lượng rất lớn của
Song Lang được riêng dành cho chuyện của Châu, của Thủy. Vở tuồng Mỵ Châu – Trọng
Thủy được tái hiện gần như nguyên vẹn không thể nào không gây chú ý và tiếp tục
tạo thêm một ngã rẽ tư duy và cảm xúc trong sự thưởng thức của khán giả.
Bản thân tôi là người xem Song Lang nhiều
lần. Tôi nghĩ mình có thể có đủ thời gian để đi theo từng dòng thời gian, từng
dòng dẫn. Còn với người chỉ xem một lần, cảm giác của họ sẽ thế nào?
“Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy
ngã, mà lệ của tôi sao nó cũng lai láng muôn dòng” (Tình anh bán chiếu – Viễn
Châu)
Sông có thể chảy ra bảy ngã. Lệ có thể
lai láng muôn dòng. Nhưng đây là tâm tạo cảnh hay tâm tìm thấy cảnh tương ứng. Tâm
buồn rồi phủ cái buồn lên thực tại. Đó là chuyện về sau. Sự muôn dòng bên trong
không phải là vì muôn vàn nguyên cớ mà muôn dòng là vì một người, là nỗi đau vì
một chuyện tình. Cái lai láng đó là vì một nguồn cơn. Vì một người mà lệ trào.
Xuất phát điểm ở đây là một người. Chỉ có một câu chuyện, chỉ có một tác nhân
đưa ra cái muôn dòng phiền muộn là kết quả.
Song Lang dường như chọn cách ngược lại.
Ngay từ đầu đã đặt ra muôn dòng và người xem dường như bị ép vào thế phải đi
tìm một nguồn cơn.
#Nhiên,
9.9.2018