1.10.18

Những gì đọng lại tối nay | TROTD#1

Tôi đi xem The Remains of The Day (TROTD). Lần gần đây nhất tôi ghé nơi này cũng là vào chủ nhật. Nhưng là buổi sáng. Tôi nghe anh Trần Anh Hùng nói chuyện. Lần này, chủ trì là thầy Nhật Chiêu. 

Tôi là người đến sớm nhất. 6 giờ chiều tôi đã có mặt. Tôi cũng là người sau chót rời khỏi khán phòng. Lúc này là gần 11 giờ tối. Không khí của buổi này tôi không dám nói mình có thể thuật lại chính xác 100%. Nhưng về yếu tố chiều dài của thời gian, chiều rộng của không gian, tôi tự tin rằng mình có thể tái hiện gần sát với sự thực.

Đây là một đêm nằm trong nhiều đêm chuyên đề về phim và văn. Tập trung vào các bộ phim nổi tiếng có nguồn gốc là các tác phẩm văn chương nổi tiếng. Đó là nét thú vị. Vì hai lĩnh vực khác nhau. Có thể là cùng 1 câu chuyện nhưng có 2 cách trình bày và diễn đạt. Sự cảm thụ vì vậy không thể quàng xiên hay áp đặt từ bên ni qua bên nớ. Buổi này cũng là buổi vân tập những con người mà tôi nghĩ tới 2 tiếng “tinh hoa”. Chỉ cần xem chung với những vì sao thì cũng đã là hạnh phúc lấp lánh.

Tôi có vui không? Tôi phải thành thực. Tôi không vui. 

Tôi không thể nói rằng tôi hiểu bộ phim. Hay là phim khiến cho tôi yêu thích mê say. Tôi không thể là một khán giả lưu manh hay khôn vặt để có thể rập khuôn những câu phát biểu như vậy. Thực lòng là ngồi coi phim tôi tức lắm. Tôi chán ngay sau 10 phút đầu. Rồi tôi đợi xem có gì cứu vớt không? Tôi cứ đợi mà rốt cuộc không có gì cả. Càng đợi càng tức. Định bỏ về mà rồi không hiểu nguyên cớ nào mà cuối cùng cũng ngồi lại đến tận gần 11 giờ. 

Nếu ai đó ghi hình thì chắc chắc cái khuôn mặt bất mãn của tôi sẽ hiện lên. Dù thầy Nhật Chiêu đã nhiệt thành khen ngợi tác phẩm văn học và còn ứng luôn trước chiếc chìa khóa mở ra ẩn ngôn của tác phẩm nhưng khối hờn của tôi vẫn không suy suyển. Lòng nhiệt thành khen ngợi tôi chấp nhận. Còn chìa khóa thì tôi không nhận. Tôi cho rằng việc ứng trước, ấn trước bất kỳ một tư tưởng cảm thụ nào ngay trước khi thưởng thức một tác phẩm là không nên.

Về cái tên của tác phẩm, The Remains of The Day, thầy Nhật Chiêu chuyển ngữ vế đầu là “Dấu Xưa”. Còn dịch giả Quế Sơn thì giải thích ý nghĩa của “hôm nay” hay “ngày nay”. Thầy Nhật Chiêu không thích với 2 tiếng “tàn dư” mà ưa “dấu xưa” hơn. Phần tôi thì tôi thấy nếu dịch “tàn dư” là đúng, đúng cả đại tự sự, lẫn tiểu tự sự trong tác phẩm này. Bằng không thì cứ giữ y nguyên. “Những gì sót lại hôm nay”.

Tôi hỏi: 
- Những gì sót lại hôm nay?

Với tôi thì không có sót lại hết. Nhân vật trung tâm của bộ phim phim khiến tôi liên tưởng đến cô Hạnh trong “Trăng Nơi Đáy Giếng”. Cả hai đều muốn chạy theo những cái giả, chính sự tôn thờ mù quáng của họ mới khiến cho những “lộng giả thành chân” thoát thai. Nhưng tôi mê cô Hạnh hơn trăm lần. Cô Hạnh khiến tôi thương, tôi nhớ. Cô Hạnh có sự biến đổi. Tiến trình tâm lý của cô Hạnh có những khúc cua ngoạn mục. Còn trong TROTD, tôi không thấy một ngoạn mục nào. Từ đầu tới cuối, y vậy! Tôi đã ráng gồng mình lưu ý từng tình tiết để phác thảo cấu trúc 3 hồi của bộ phim. Nhưng sự chán chường đã đánh bạt mọi dự định.

Có một sự chuyển biến nào về tâm thức của đầu phim và cuối phim không? Không! Tôi không thấy! Hoặc quá ít để tôi thấy. Hoặc tôi phải tự mình ngồi diễn dịch. Mà nếu là cố, là ráng, là tự mình như vậy thì với tôi phim thất bại rồi. Cái tôi cần nhất ở đây là cảm xúc. Cảm xúc hào hứng phải có thì lý trí phân tích mới nhập cuộc. Tôi không. Tôi là không.

Bộ phim này tàng trữ chất phê phán. Nội hàm của TROTD là rất sâu dày. Nhưng cần phải có kiến thức về lịch sử, về chính trị, về xã hội học, về nhân học, về triết học thì mới có thể nhìn ngắm được những gì trầm tích. Tiếc thay tôi không có gì cả. Tôi chỉ là một khán giả với trình độ phổ thông, hay là nghiệp dư, hay mầm non vậy nên tôi tưởng như mình là em bé đi lạc giữa chốn này. Chất Anh, căn tính Anh, chất Nhật, căn tính Nhật đã được rất nhiều khán giả tinh hoa sau buổi chiếu đàm luận. Nhờ từng giọt cam lộ tri thức mà khối hờn trong tôi mới được dịp nguội dịu. Tôi chỉ tiếc là có quá ít hoặc không có một ý kiến nào chuyên sâu vào giá trị cốt lõi. Vì đêm nay đối với tôi, ngôi vương vẫn là điện ảnh. Tôi chỉ được nghe về những kiến thức của các ngành vệ tinh mà có quá ít sẻ chia về thực tướng, thực tánh của một tác phẩm điện ảnh.

Tôi tức, tôi chán và tôi buồn. Tôi ngồi cùng với tất cả những tình cảm đó. Căn phòng trống trọi. Bóng tôi lẻ loi. Tôi chẳng có một đồng minh nào. Thế rồi bất chợt, một dáng hình...

Bạn là cô gái ngồi ở hướng 1 giờ, hàng đầu, ghế ngoài cùng, bìa phải. Bạn cũng là một trong số những người rời khỏi sau cuối. Giờ bạn lại bước trở vô. Tôi thấy bạn quanh quẩn rồi giơ máy chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Da bạn trắng. Mặt bạn xinh. Môi bạn cười. Nụ cười rạng rỡ. Phải chi mà hạnh phúc từ đó có thể sớt chia sang đây! Chẳng biết bạn vì điều gì mà hân hoan đến thế?

2 tuần nữa sẽ lại có một buổi tương tự. Cái tên lần tới là Rừng Na Uy. Có lẽ tôi sẽ không nhọc lòng đường xa. Có lẽ tôi sẽ băng qua nỗi sợ lạc loài. Không phải vì phim. Mà là vì bạn. Vì hy vọng. 

Ấn tượng thị giác tuy không đủ cứu chuộc nỗi bực dọc và buồn chán. Nhưng đang có một rung khẽ. Thầm thì.

Những gì sót lại hôm nay? Nếu mô tả về một mối mang xuyến xao mong manh nào đó, chẳng thể dùng tiếng “sót”. Phải là “đọng”. Đã đọng tức là đã không hoài phí một lần chuyển di, một lần thể nhập.

Những gì còn đọng lại. Những gì đọng lại đêm nay.

Là…