Đường đến điểm chiếu cách nơi tôi xuất phát khoảng 7 cây số. Thật may và tiện là chỉ cần đi 1 chuyến xe là đã có thể tới nơi. Tôi đi tuyến 139. Đến sớm trước khoảng 10 phút.
Khán phòng khá rộng rãi, khang trang. Tôi đoán sức chứa phải lên tới hơn 200 người. Người xem bắt đầu đến đông hơn, đông hơn. Theo ước chừng của tôi ít nhất phải hơn 100 khán giả đã vì cái tên HOME mà tìm tới. Đây là một bộ phim tài liệu. Tôi chưa hề biết tên đạo diễn. Chỉ biết là người Pháp. Đây là phim Pháp nhưng bản tôi xem là bản tiếng Anh. Nếu tính theo cách khoảng 1 năm, đây là phim tài liệu thứ 6 của tôi. Và tôi rất vui trước sự xuất hiện đông đảo của các bạn trẻ. Buổi này có tính chất của một buổi chiếu phim cộng đồng. Phim được trình chiếu với sự cho phép của đoàn làm phim. Khán giả có mặt cũng đóng góp một phần chi phí cho buổi chiếu.
Đây là một bộ phim lấy trọng điểm vào đề tài môi trường. Luôn là như vậy! Giá trị xã hội là sắc màu rất dễ nhìn thấy ở một bộ phim tài liệu. Và trải nghiệm thực tế như hôm nay giúp tôi củng cố một nhận định: Phim tài liệu có khán giả. Nhu cầu xem phim tài liệu là có thật. Và nhu cầu ấy không hề nhỏ. Và khán giả cũng sẵn sàng chia sẻ một khoản phí để đổi lấy cơ hội được thưởng thức.
Vấn đề còn lại là làm sao để thông tin của phim đến đúng đối tượng mục tiêu. Trước HOME của chiều 7.10, trong tuần lễ đầu tiên của tháng, tôi đã có mặt trong 3 suất chiếu của một bộ phim tài liệu khác. Đó là #ĐiTìmPhong. Trên đường về chiều chủ nhật, tôi tự hỏi:
- Liệu có ai trong những khán giả chiều nay sẽ quan tâm đến một bộ phim tài liệu cũng đậm thấm giá trị xã hội và được tạo ra bởi chính những con người mang quốc tịch Việt Nam? Và khi xem chắc chắn sẽ không bị phân tán bởi những dòng phụ đề.