7.10.18

Lỗi dịch thuật trong phụ đề phim | TROTD#3

The remains of the day, Kazuo Ishiguro, Nhật Chiêu, Đạm Nhiên
30.9, tôi tham dự hội thảo Sáng Tác Truyện do nhà văn Nhật Chiêu đứng lớp. 

Vì không có thời gian nên tôi chỉ có thể tham dự vào 1 buổi trong tổng số 6 buổi. Buổi hôm nay là buổi duy nhất của tôi. Tôi đã chuyển phần phí tham dự cho Yume - Art Project trước đó và đến lớp vừa đúng 9h. Thầy Nhật Chiêu cũng đã có mặt nhưng thầy có ý chờ một số bạn khác. Thầy đợi trò. Đó là sự lạ đầu tiên với tôi.

Khoảng 15 phút sau thì buổi giảng bắt đầu. Tôi đến đây là vì truyện và muốn nghe những lời dạy của thầy về truyện ngắn. Nhưng thầy vẫn dành phần đầu trong thời lượng để ôn lại bài cũ và phân tích cả bài thơ Đón Đợi Thu Không. Đó là sự lạ thứ hai của tôi. 

Sự lạ đầu tiên là nghĩ về tâm thế của người đi học. Sự lạ thứ hai là nghĩ về tấm lòng của người thầy. Sự lạ đầu tiên khiến tôi hơi bực. Sự lạ thứ hai cho tôi khấp khởi mừng vui. Không ngờ chỉ đến để nghe kiến giải về văn. Nào ngờ lại có thêm nhiều hiểu biết về thơ.

Cũng trong buổi này, thầy có nói thêm về buổi chiếu phim vào buổi chiều cùng ngày. Một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “The Remains of The Day” của Kazuo Ishiguro. Tôi cũng có biết về chuỗi hoạt động này nhưng chưa hề có ý tham gia. Tình yêu văn chương của thầy là yếu tố chính đã tác động đến sự thay đổi của tôi. Chưa cần phải đi sâu vào tác phẩm. Chỉ riêng tựa đề đã là bao nhiêu phân tích và khơi ngợi.

Qua đây, tôi cũng thấy rõ cả văn và thơ đều mang theo rất nhiều ẩn ngôn hay mật ngữ. Chỉ là hình thức biểu đạt khác nhau. Thơ thiên về hướng gom tụ. Văn ngã sang đường diễn bày. Chỉ riêng với cái gọi là “the remains” đã là bao nhiêu hàm tàng. Còn “the day” nữa. Cả một khối lượng kiến thức đồ sộ chờ tư duy lên đường khai phá. “Ý tại ngôn ngoại”. Câu ấy thật ứng đúng trong trường hợp tác phẩm này.

Thầy Nhật Chiêu có ý chuyển “the remains” là “dấu xưa”. Tôi nghe sao biết vậy. Rồi đến khi xem phim vào buổi tối thì tôi đã có thêm nhiều dữ kiện hơn. “Dấu xưa” có lẽ hợp hơn với tiểu tự sự. Còn xét ở đại tự sự thì “tàn tích”, “tàn dư” là có phần ứng đúng hơn. Lý do là bởi những gì tôi nhìn, tôi nghe trầm tích một dư lượng phê phán rất lớn. Bộ phim này tôi chưa cảm thụ được giá trị nghệ thuật. Chỉ với 1 lần xem thì chắc chắn chưa thể nói được gì. Nhưng về mặt giá trị xã hội thì tôi thấy rất rõ tác phẩm này chạm vào rất nhiều vấn đề mà cụ thể là nước Anh, cấu trúc xã hội, tư tưởng và tâm tình của nước Anh giai đoạn tiền và hậu Chiến Tranh Thế Giới lần II.

Để hiểu bộ phim này, theo tôi trước hết cần có những luận giải kỹ lưỡng về lịch sử, xã hội, con người của nước Anh. Xét đến bộ phim thì cụ thể là cần phải có một bản dịch tốt. Phần chuyển ngữ phụ đề phải có sự đầu tư. Và theo tôi đây không phải là câu chuyện của một cá nhân. Cần có một đội ngũ và có thêm những cố vấn đặc biệt chẳng hạn như thầy Nhật Chiêu. 

Thật đáng tiếc! Nhóm tổ chức buổi chiếu phim đã sử dụng lại một bản phim với chất lượng dịch thuật khá tệ. Những khán giả có chuyên môn sau buổi chiếu cũng đã phản ánh điều này. Phần phụ đề cẩu thả, không nhất quán đã không hiển bày sự duyên dáng ý tính trong câu chữ lẫn những kiến thức cơ bản như danh xứng địa vị của các nhân vật. Đây chính là lỗi lớn. Và tôi không biết lỗi này đã để lại hậu quả gì. Nhưng ít nhất là với tôi, sự cảm nhận tác phẩm đã gần như phá sản hoàn toàn.

Nghe nói rằng trong lần tới đây sẽ là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Murakami Haruki. Hy vọng lỗi vừa nêu sẽ không còn lập lại.

#Nhiên