14.10.18

Chim bay rồi | NW#2

The Beatles, Norwegian Wood, Đạm Nhiên, Haruki Murakami, Trần Anh Hùng, Góc O, Góc Nghệ
"Chim bay rồi!"

Đó là lời ta thán của John Lennon. Ông còn kèm đại từ chỉ định (“this”) trước danh từ “bird”. Không bóng gió, không xa rời. Ông đang nói tới một đối tượng ở ngay trong căn phòng, đã ngay trước mắt mình tối hôm qua. So sánh mà cũng có thể là ẩn dụ. Nàng như chim. Nàng là chim. Không thể nắm bắt, không thể hiểu thấu, không thể gần kề. Đó cũng có thể là chàng, là ước vọng về tình yêu, ước vọng về một điều gì đó bền chắc, chân thật, có thể xúc chạm, có thể cảm thấu của chàng. Ước vọng đó... giờ cũng đã bay rất xa!

Dựa trên nguồn cấp giàu có và có độ tín nhiệm cao tại BeatlesBible. Không có gì khó khăn để chắt lọc các thông tin quan trọng sau đây:

- Norwegian Wood được John Lennon chấp bút trong một kỳ nghỉ tại Thụy Sĩ (1965)

- Đoạn đầu tiên “cô ấy và tôi” là do John Lennon đặt lời

- Khổ thứ hai có sự góp sức của Paul McCartney

- Căn phòng lưu trú của John và nhóm bạn có thiết kế nội thất được chế tác phần lớn từ một loại gỗ thông giá rẻ (xuất xứ Na Uy). Chính Paul đã căn cứ vào đây để đặt tựa cho bài là Gỗ Na Uy (Norwegian Wood)

- Hành động châm lửa (có thể hiểu là đốt nhà) ở cuối bài là chủ ý của Paul. Với ông, đó là cách trả thù người yêu. Một dạng tâm lý “không yêu thì đạp đổ”.

- “This bird has flown”, cái tựa ban đầu và sau đó trở thành tựa phụ của bài hát là chủ ý của John. Lối so sánh (hoặc cũng có thể là ẩn dụ) này chắc chắn được John rất yêu thích. Ẩn ý “không thể nắm bắt” trở thành một ý lớn và song hành với ý “trả thù” của Paul.

- Khi viết NW, John đã có vợ. Với tính cách đa tình, ông vẫn có nhiều liên hệ tình cảm khác. Tuy nhiên vì không muốn “bão tố trong vòng tay em”, ông đã dệt một màn sương khói vào tình yêu trong bài hát. Và thật ra cũng vì tính chất “quá nhiều” nên chính ông cũng không rõ thật sự con tim mình đang hướng về ai. “Con chim” trong bài hát vì vậy nếu nói là đối tượng trữ tình, là người được yêu, là đối tượng nhận thức, là Nàng, là “She” cũng đúng. Nếu nói “con chim” đó là nhân vật trữ tình, là người yêu, là chủ thể nhận thức, là Chàng, là “I” cũng chẳng sai.

- Khi tiến hành thu âm NW vào tháng 10.1965, ban The Beatles đã chọn tựa “This bird has flown!”. Về sau mới đổi thành Norwegian Wood.

Với tôi, tiêu đề Norwegian Wood rất hay và độc sáng. Cách đặt tên này tạo nên tính đa nghĩa và quàng lên tác phẩm một sức gợi hình lớn lao. Hơn nữa, việc điệp lại NW 2 lần trong bài hát như là một hình thức mở kết rất hoàn hảo trong nhạc  tính, ẩn ý và cả tiến trình phát triển tâm lý của chàng (nhân vật trữ tình).

Mặc dù vậy, “This bird has flown”, ý lớn còn lại cũng mang một sức nặng tương đương, tạo thành thế đứng vững chắc và không bị NW thống trị. Hai tầng ý nghĩa này song hành cùng nhau và bổ túc cho nhau. Vì là cha đẻ của hình ảnh nên thật dễ hiểu vì sao John ưa thích nó và muốn dùng luôn câu này để làm thành tiêu đề.

Nếu xét ở mặt nội dung thì “This bird has flown” đóng vai trò nguồn cơn hệ trọng trong liên hệ nhân quả với “nỗi cô đơn” và hành động “châm lửa”. Chim bay (nàng)  – cô đơn  (chàng) – châm lửa (chàng) là trục tâm lý – hành động chủ đạo của nửa sau tác phẩm.

Tôi công nhận tầm quan trọng của cả hai tiêu đề. Nhưng nếu chỉ chọn một thì tôi cũng sẽ chọn NW. Tính lạ, độc sáng là lý do. Hình tượng “this bird” rất hay nhưng đã được sử dụng nhiều. Sự bất ngờ, biệt lập sẽ không có trong phản ứng tiếp nhận từ khán giả.

#Nhiên