7.10.18

Châu | ĐTP#15

Đi Tìm Phong Premier, Đi Tìm Phong, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Cách ngày trước đêm premier #ĐiTìmPhong, ___ hỏi tôi có tham gia không. Tôi trả lời có. Tôi chắc rằng mình và ___ nhờ có ĐTP mà được dịp gặp gỡ. Trước nay giữa 2 bên vẫn chỉ là thư từ và tin nhắn.

Trước giờ chiếu, tôi thử nhắn tin hỏi ___ đang ngồi ở hàng nào. Tiếc là có lẽ ___ wifi yếu và ___ cũng chưa chắc là trực tuyến nên tin nhắn không có hồi âm. Đến khi chương trình giao lưu kết thúc, tôi hỏi em Phúc thì mới biết ___ đã về trước đó. Tôi đoán chắc là có việc bận. Đọc các bình luận của khán giả thì tôi biết ___ mặc áo đỏ và chắc là ở ngồi ở hàng đầu, hàng dành cho các yếu nhân. 

Mong muốn được gặp ___ lần đầu có lẽ không mạnh bằng mong muốn lắng nghe cảm nhận của ___ về bộ phim. Tôi muốn biết một người đã từng có những vai phải biểu đạt tâm lý của một người nữ thì sẽ đồng cảm ra sao với một người chuyển giới. Và tôi tin rằng bất kỳ nghệ sĩ nào đã từng thành công với các dạng vai giả gái sẽ trân trọng Phong nói riêng, trân trong bộ phim nói chung và trân trọng những con người trong cộng đồng LGBT. Đơn giản là vì chính họ là nguồn cảm hứng, là những cuộc đời thật như một tác phẩm nguồn sống động để những nghệ sĩ như ___ được dịp mô phỏng, tái tạo, phục sinh trong lãnh vực nghệ thuật trình diễn và có những tác phẩm phát sinh, những tác phẩm cải biên để đời.

Lần dò vào trang cá nhân của ___, tôi thấy ___ nhắc đến 2 tiếng “đoạn trường”. Đối với tôi đó là những đúc kết đắt giá về bộ phim. ___ đã đặt mình vào vị trí người cha, người mẹ, người anh, người chị của Phong. Điểm nhìn đó đã tạo nên một phức cảm dồn nén, đau thương và nhức nhối. “Đoạn trường” khiến tôi nhớ đến câu “sao xót xa như rụng bàn tay” của Hoàng Cầm. Đối tượng của xót xa, của bi ai có đổi khác nhưng thương tổn nội tại không đổi. Không sai lệch một chút nào! 

#ĐiTìmPhong đặt một hành trình chuyển giới trong dòng thời gian kéo dài khoảng 2 năm. Và người xem thấy được toàn bộ diễn biến tâm lý của Phong và những người mà Phong có liên hệ huyết thống và bạn bè. Với Phong, đầu phim là sự u tối, buồn nản. Càng về sau ánh sáng lùa vào và chất lạc quan tràn chứa. Không thấy quá nhiều nước mắt. Không có một cuộc mua bán lòng xót thương rầm rộ. Có những khoảng tối trong mắt Phong trong lần gặp người chị tinh thần. Có những nỗi đau chỉ lóe lên rồi thu hết vào trong. Và có rất nhiều chi tiết cho thấy rằng đạo diễn #TrầnPhươngThảo đã định hình tình cảm chủ đạo của tác phẩm. Chị không chi phối Phong. Chị cho Phong trên phim đúng thật là Phong ngoài đời. Chị không chi phối tư duy và biểu cảm của Phong. Nhưng chắc chắc chị đã định hình. Và cảm giác đoạn trường chỉ có thể xuất hiện trong ánh mắt, trong sự biểu đạt của gia đình Phong. Trong ánh mắt cha, trong ánh mắt mẹ, trong ánh mắt anh, trong ánh mắt chị. Trong dáng ngồi của cha, trong dáng ngồi của mẹ, trong dáng đứng của anh, trong dáng đứng của chị… 

Cơn đau, nỗi khổ của một tâm thức phải ngược xuôi giữa 2 miền giới tính, nỗi đoạn trường ấy cần phải để tâm, cần phải lắng lòng mới có thể thấu tận. 

Với riêng tôi, tôi thích với sự định hình đó (nếu thật sự là chủ ý) từ đạo diễn. Và cảm nhận bộ phim này thông qua điểm nhìn của những nhân vật bao quanh nhân vật trung tâm đối với tôi là một cách thức tiếp cận xứng đáng để thử. 

Tôi xin cảm ơn ____, người  đã cho tôi 2 tiếng “đoạn trường” để mở ra bài nhật ký thứ 15. Tôi xin được nắn nót điền tên vào toàn bộ chỗ trống.

Cảm ơn NSƯT Hữu Châu.

#Nhiên