22.10.18

Suy tư hướng nội | FM#3

First man, Cảm nhận First Man, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Những suy tư của tôi về First Man tưởng như đã tắt ngấm sau đêm thứ 6. Thật bất ngờ! Hình ảnh về Neil Amstrong lại sống dậy trong sáng thứ 7 và tiếp tục chuyển động đến ngày chủ nhật.

Đến lần xem thứ 2 tôi mới có thể cầm được tấm ảnh giới thiệu phim. Đúng lúc này, một đúc kết về tính cách nhân vật cũng hiện lên:

- Suy tư hướng nội

Đây là một thuật ngữ thuộc về C.G. Jung. Chẳng là mấy hôm nay tôi đang đọc lại một số tác phẩm của nhà tâm lý học lỗi lạc này. Rất nhiều đúc kết từ ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi. Và tôi tin rằng với bất kỳ ai muốn đào sâu vào vào tâm lý con người, dù cho là phục vụ cho bất kỳ mục đích gì thì Jung là một nguồn cấp không thể bỏ lỡ

Để nói về tác động của ý thức, cụ thể là suy tư (thinking), để nói về thái độ của tâm thức, cụ thể là hướng nội (introversion) thì với tôi dường như không khó. Nhưng ghép cả 2 để tạo thành 1 trong 8 mẫu tâm lý mà ở đây là “suy tư hướng nội” thì tôi vẫn đang cảm thấy có không ít khó khăn trong sự tiếp nhận. Chủ đề về Jung sẽ là một dịp khác. Còn trong nhật ký điện ảnh này, tôi tập trung vào vai trò và tiến trình phát triển tâm lý của nhân vật chính trong bộ phim First Man.

First Man là phim tiểu sử, kịch bản dưa trên quyển hồi ký “First Man: The Life of Neil A. Armstrong” viết by James R. Hansen. Khi tôi ngồi theo dõi danh sách đoàn làm phim thì cái tên James R. Hansen chạy lên không chỉ 1 lần. Dường như cái tên James R. Hansen còn xuất hiện cả trong thành phần sản xuất. Tôi dự cảm tầm quan trọng của James R. Hansen là khá lớn trong việc tạo ra kịch bản chuyển thể được chấp bút bởi Josh Singer. Chí ít thì tên của bộ phim cũng đã dựa vào tên của hồi ký.

Dù chưa đọc tác phẩm gốc nhưng tôi đoán rằng bộ phim này (thể loại lịch sử, tiểu sử, chính kịch) đã theo sát tư tưởng, tình cảm và nội dung của quyển hồi ký. Và đây cũng là phim hiếm hoi (mà tôi xem và thấy thích trong năm 2018) đặt trọng tâm vào một tướng nam, một tánh nam.

Có lẽ sẽ không ai tranh cãi với tôi về vai trò hạt nhân của Neil trong First Man. Và chính vì là trái tim của câu chuyện thế nên vòng cung tâm lý chủ đạo của tác phẩm cũng thuộc về nhà phi hành gia này.

Mẫu người suy tư là thế nào? 

Trong tiến trình dõi theo bệnh tình của con gái, người xem bắt gặp hình ảnh Neil bên nhật ký. Ông ghi chép tường tận các giai đoạn của Karen. Chỉ cần một hoạt ảnh là đủ để nhận rõ biểu hiện của một tính cánh ưa phân tích, đách giá tình hình theo diện đúng / sai, khả thi / bất khả, một con người nặng về lý trí và tính hợp lý của sự việc.

Tất cả cảm xúc, những nhức nhối về Karen được nén ém. Không nói, không tâm tình. Cuộn cuốn thành thái độ hướng nội. Đến tận phút giây hoàn thành kỳ tích cho nước Mỹ và cả nhân loại, tôi vẫn cảm tưởng tất cả chuỗi hành động của Neil chỉ là để tìm quên, chỉ là để vùi lấp cho những sạt lở sâu hoắm trong tâm hồn.

Cách mở đầu và kết phim không đi theo một vòng lập. Mở bằng một hình ảnh Neil đơn độc trong du thuyền. Và kết bằng một hình ảnh gặp gỡ giữa Neil và vợ. Đây cũng là hai mạch kể chính. Chuyện về sự nghiệp. Chuyện về gia đình.

Về gia đình, Neil đối mặt với một mất mát lớn. Đó là sự ra đi của con gái Karen. Về sự nghiệp, Neil đối mặt với những mất mát không kém phần tang thương. Đó là sự qua đời của hàng loạt đồng nghiệp.

Hành trình trở thành người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng được quyện lẫn trong hành trình băng qua những đớn đau về người thân và bạn bè. Và tôi có một cảm giác là đạo diễn Damien Chazelle muốn nghiêng cán cân về tình riêng hơn là tình chung.

Phải chăng là dưới ống kính điện ảnh, người xem sẽ có một chuyến du hành khác gây ngỡ ngàng không kém sự khai phá cung trăng? Như đúng dòng biên chép trên tấm ảnh của First Man mà đến lần xem thứ hai tôi mới có được.

“Một bước tiến vĩ đại tới điều mà nhân loại chưa tùng được biết.”

#Nhiên