10.10.18

GỖ NA UY | NW#1

Norwegian Wood, Gỗ Na Uy, Haruki Murakami, The Beatles, Trần Anh Hùng, Đạm Nhiên, Góc Nghệ, Góc O
Sự kiện trình chiếu bộ phim Norwegian Wood (đạo diễn Trần Anh Hùng) vào 14 tháng 10 tới đây thật là dịp rất tốt. Để một khán giả như tôi luyện tập, trao dồi năng lực cảm thụ. 

Đây chắc chắn là chủ đề có tính phổ thông. Vì cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc NW. Tỉ lệ ở Việt Nam là bao nhiêu? Tôi không rõ nhưng hầu như bất kỳ người nào trong độ tuổi của tôi hoặc trẻ hơn 10 tuổi mà tôi có dịp tiếp xúc thì đều đã đọc tiểu thuyết này.

Từ nhạc đến văn và sau cuối là phim, tính liên văn bản là điều cần truy xét đầu tiên. Rõ ràng, Haruki Murakami đã viết tác phẩm trong sự ảnh hưởng về nhạc tính từ The Beatles. Ông lấy hẳn cả tựa một bài nhạc để đặt thành tựa cho tiểu thuyết. Và ngay trang đầu tiên của thiên truyện ông đã nhắc lại bài hát này.

Chỉ riêng cái tên NW cũng đã có ngàn lời phân tích. Bản dịch ở Nhật lẫn Việt Nam đều chuyển “wood” thành “rừng”. Riêng sự chuyển ngữ này thôi đã tạo ra những tranh cãi bất tận. Về phần mình, tôi thấy “gỗ” có vẻ đúng hơn nếu xét theo lời và tinh thần của bài hát (tác phẩm nguồn). Và đây cũng là điểm quyết định (nếu y theo) để phân tích các tác phẩm phái sinh về sau (tiểu thuyết 1987, phim điện ảnh 2010).

Gỗ là chất liệu, là bản chất, là tánh. Còn rừng là bề ngoài, là quang cảnh, là tướng. Trong bài nhạc do John Lennon (có sự góp sức của Paul McCartney) sáng tác vào năm 1965, rõ ràng xét kỹ vào phần lời chúng ta đều thấy rất rõ ý nghĩa về tánh, về thuộc tính của “wood” hơn là tướng, là quang cảnh.

Đây là chuyện giữa chàng và nàng. Cả hai dành nguyên một đêm dài bên nhau trong căn phòng của nàng. Và căn phòng ấy có thiết kế nội thất phần lớn được làm bằng gỗ thông, một loại gỗ rẻ tiền có xuất xứ từ Na Uy. “Gỗ Na Uy” được lập lại 2 lần trong cả bài. Lần đầu có ý nói đến tính chất rẻ tiền. Lần hai có ý nói đến tính chất dễ bắt lửa.

Giọng điệu của nhân vật trữ tình (chàng) dành cho đối tượng trữ tình (nàng) có phần mỉa mai và cay đắng. Khổ cuối cùng tập trung những từ khóa quan trọng và bật lên đại ý của bài nhạc. Phòng của nàng không hề có ghế ngồi. Đây là một dạng ẩn dụ cho mối liên hệ tình cảm giữa hai bên. Hình ảnh “con chim” có thể là sự so sánh và cũng có thể là ẩn dụ cho nàng. Như chim hay là chim thì đều có thể diễn dịch là sự khó nắm bắt, sự không thuộc về chàng. Thế giới của nàng (căn phòng) có bản chất là rẻ tiền, hoặc là bình thường, không nổi bật và không vững yên (dễ bắt lửa).

Chàng đốt lửa. Châm xăng hay chỉ là bật một que diêm. Chàng muốn đốt. Nhưng cái liên hệ tình cảm vốn dĩ đã mong manh, mờ ảo, không một điểm tựa ngay từ đầu đó có đủ là nguồn cơn cho sự tàn phá? Liệu tình yêu trong chàng có lớn đến mức phải châm lửa để trả thù? Tôi không cho là như vậy. Tôi có căn cứ. Căn cứ của tôi là “alone”.

Với tôi, đó chính là trái tim của bài nhạc. Chứ không phải là “gỗ Na Uy”. “Gỗ Na Uy” chỉ là vật dẫn, là chất dẫn. Còn tình cảm chủ đạo, xung lực chính yếu trong câu chuyện này chính là sự cô đơn.

Quẹt một que diêm hay bất kỳ một cách thức phát hỏa nào là để sưởi ấm tâm hồn. Tìm một chút sinh khí cho đời sống quạnh quẽ buồn hiu. Và chính đây, nỗi cô đơn lạc loài của chàng, sự không-thể-nắm-bắt của nàng là tiền đề để tạo thành nhịp đập trong những áng văn kiều diễm, ngọt như dao cứa về sau của Murakami.