Hắn đến Idecaf vào chiều mưa thứ 7 (29.9) để xem một bộ phim tài liệu. Vé vào rạp là 50.000. Phim có tựa “Làn sóng Pháp”. Nội dung là sự hình thành và phát triển của âm nhạc điện tử tại Pháp.
Rạp không một dáng hình nào khác ngoài hắn. Cảm giác “bóng ma trong nhà hát” chính thực là ngay tại đây, ngay lúc này. Đó là một trải nghiệm chưa từng. 2 phim tài liệu hắn xem trước đó đều hay và đông khán giả. Phim chiều nay cũng rất giàu thông tin và lại lấy một đề tài rất tân thời, có tính thời thượng. Có cả một Viện Pháp với bao nhiêu nhân sự và kênh truyền thông đằng sau. Giờ chiếu lại là buổi chiều cuối tuần. Rất thuận tiện! Thế mà không hiểu sao không có một khán giả.
Hắn đã từng đến đây và hưởng bầu không khí đông người. Thế nên cảm giác trơ trọi, bơ vơ như chiều nay là một sự lạ. Nỗi lạ đó dẫn đưa đến một cảm giác chết chóc, thiếu sinh khí từ bên ngoài chuyển dần vào bên trong.
Chỉ 4 ngày sau, khi nhận được thông báo 2 suất sneak-show của #ĐiTìmPhong sẽ được trình chiếu cũng tại Idecaf. Cái chơm chớm lo âu và sợ hãi của chiều thứ 7 tuần trước quay lại. Lo và sợ trước một khung cảnh đìu hiu, vắng lặng sẽ làm tàn lụi sức sống của một bộ phim.
Thật may, viễn cảnh ấy đã không xảy ra. Vẫn là một buổi chiều mưa! Vẫn là cảnh đường xá tắc nghẽn. Vẫn là địa điểm cũ. Vẫn là thể loại phim tài liệu không đổi. Nhưng khán giả đã lấp đầy các chỗ ngồi. Suất chiếu đầu tiên lúc 18:00 gần sát giờ tan tầm nên khán phòng không thể phủ kín. Hắn ước chừng ¾ số ghế ngồi đã có chủ. Còn suất 20:00 thì tràn rạp.
Bộ phim luôn cần khán giả. Và khán giả chắc chắn có nhu cầu rất lớn về sự thật, về tính hiện thực. Mà điều này bộ phim tài liệu nào cũng có thể đáp ứng. Hơn thế, #ĐiTìmPhong còn là một tác phẩm có chất lượng, đã đạt được giải thưởng quốc tế và mang tính cách mạng trong cách chọn và khai triển đề tài. Phim và khán giả đã tìm thấy nhau. Mối liên hệ tương sinh đã hình thành. Rạp chiếu nhờ vậy mà cũng đồng thời lấy được sức sống và sinh khí.
#Nhiên