“Con bé nó có dòng máu Italy”, đây là một đoạn thoại khiến tôi phì cười.
Mặc dù không thích đề cập đến thoại của phim, tôi ưu tiên nhiều yếu tố hơn khi xét về phẩm chất của một tác phẩm điện ảnh, nhưng rõ ràng TRUMAN có sự đầu tư vào thoại. Nồng độ ra sao thì đã có phản ứng khán giả cho tôi kiểm chứng.
Nhóm khán giả Tây Ban Nha luôn cười rất sảng khoái với nhiều đoạn đối thoại. Có lẽ họ nghe trực tiếp. Còn như tôi là phải thêm vào sự nhìn ngắm phụ đề. Thành thực mà nói tôi không thích những phim có quá nhiều thoại. Và việc cười của tôi cũng không hề dễ dàng. Đến gần cuối phim tôi mới có thể cười như đã nêu ở trên.
Đây vẫn là một phim chính kịch. Chất hài trong phim này chắc chắn là một thủ pháp để cân bằng với đề tài chủ đạo rất khó nhằn. Đó là cái chết.
Một người đàn ông trung niên từ chối các can thiệp y học. Ông chấp nhận căn bệnh ung thư và không mong kéo dài sự sống hữu hạn nữa. Ông chờ chết. Và một trong những dự định còn lại của ông là tìm người chủ mới cho chú chó cưng mang tên TRUMAN. 4 ngày trong phần đời còn lại của ông được chứng kiến bởi người bạn thuở thiếu thời. Người bạn đến thăm ông và tình bằng hữu thâm niên đã ít nhiều tác động. Liệu ông có thay đổi ý định của mình? Và liệu Truman sẽ có được một người chủ mới đúng như ước nguyện của ông?
4 ngày đó cũng có thể trở thành vế đầu trong câu tóm lược cho tác phẩm: 4 ngày với thần chết. Vì ông giờ cũng như đã chết. Mùi vị của cái chết luôn tỏa ra trong suy nghĩ, lời nói và hành động.
Với tôi, các tầng ý nghĩa của phim này rất đáng để luận bàn. Và phần hành động, điều tôi trông chờ nhất sau rất nhiều các đoạn thoại đã xuất hiện ở phần kết thúc. Một cao trào về hành động cuối cùng đã xuất hiện. Đó là điều tôi đã tiên đoán. Nhưng cái kết thì quả là bất ngờ! Tôi không thể nào dự liệu được quyết định cuối cùng của nhân vật chính.
Tôi sẽ lưu giữ ký ức về bộ phim này. Dường như những phim lấy nội dung về cái chết, cách con người ứng phó trước giờ phút cận tử luôn dễ gây được sự thương cảm. Nhưng TRUMAN lại không buồn, không bi lụy. Điểm đặc sắc của phim này chính là trạng thái cân bằng đến từ các tình huống gây hài. Sự hài hước của phim tựa như một thứ trái chín cây. Hương dịu cứ thoảng đưa và người xem thư giãn, dễ chịu. Đó không phải loại hài sặc sỡ ồn ào. Phản ứng giữa nam chính và nam phụ (cũng gần như là nam chính) chính là giao cảm then chốt giữ được tình cảm cũng như háo hức của khán giả trước những tình huống liên tiếp nối nhau chỉ trong 4 ngày ngắn ngủi.
Điều hơi lạ thường với tôi sau khi rời khỏi rạp là suy nghĩ về hình tượng của chú chó Truman. Truman không đóng vai trò trung tâm. Diễn tiến hoàn toàn ngược trái nếu so với quyết định đặt tên TRUMAN của bộ phim. Thật sự chú chó chỉ đóng vai trò tựa như một vật dẫn, tạo ra tình huống thúc đẩy hành động của nhân vật từ đầu phim. Càng về sau, vai trò của chú chó chỉ ẩn hiện, không sắc nét. Rồi đến phút cuối cùng chú chó lại trở thành cái kết của bộ phim. Tôi cạn hiểu, người chủ của Truman tựa như sự chết. Còn Truman (Chẳng hiểu có một sự chơi chữ ở đây hay không?) là hiện thân của sự sống.
Chết và sống chỉ là 2 mặt của một bàn tay. Chết cũng là sống. Khi sự chết tìm đến, đó không phải là dấu chấm hết. Thái độ trước cái chết không phải là buông tay, buông xuôi. Thái độ trước cái chết là sự chuẩn bị cho sự sống trường cửu, cho sự tiếp nối của những gì còn lại. Nếu xúc chạm được những nghĩ suy này, tôi tin rằng sẽ ít ai tự tử, sẽ ít ai dễ dàng nói lời từ biệt trần gian.