Hành trình chuyển giới của Lê Ánh Phong có 2 lần sang Thái Lan.
2 sự kiện này chia tổng chiều dài tác phẩm “Đi Tìm Phong” thành 3 phần. Con số 3 khiến tôi nghĩ đến cấu trúc 3 hồi. Liệu một bộ phim tài liệu có nên được phân tích theo cấu trúc 3 hồi không? Câu hỏi lý thú này đã ở trong tôi suốt từ đêm premier đến hôm nay. Nhưng trước khi đi vào cấu trúc tôi cần phải xác định thể loại.
Đi Tìm Phong thuộc thể loại phim tài liệu điện ảnh nhưng cụ thể hơn nữa là thuộc vào thể loại nào?
Tôi đã xem phim và tôi ghi nhận được một số đặc điểm từ phim.
(1) Phim không có một cuộc phỏng vấn nào. Tất cả chỉ là độc thoại của Phong và các mẫu đối thoại giữa Phong và những người có liên quan đến hành trình của Phong. Bao gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và y bác sĩ. Không có bất kỳ một dàn dựng nào với phông nền đơn sắc hay bối cảnh đặt sẵn theo định dạng hỏi và trả lời.
(2) Phim không dùng lại hay trích dẫn ảnh tĩnh hay hoạt ảnh từ bất kỳ một nguồn nào khác. Phim không có tiền truyện. Tất cả đều đi xuôi theo chiều thời gian trước-trong-sau ca phẫu thuật chuyển giới.
(3) Phim không có một giọng đọc trần thuật hay bình luận xuyên suốt chèn vào hình ảnh.
(4) Phim không có các tiêu đề liền kề (liên tiêu đề) xuất hiện với công dụng mô tả hay giải thích
(5) Đạo diễn chỉ xuất hiện rất mờ nhạt nếu không muốn nói là không hề xuất hiện trên màn hình. Chỉ có đúng 1 cảnh có mặt đạo diễn Trần Phương Thảo ngồi sau Lê Ánh Phong trong một phân đoạn chạy xe máy đón giao thừa. Tuy nhiên, chắc chắn chị không chủ ý muốn xuất hiện. Ở vài phân đoạn gần cuối phim, người xem nghe được đâu đó tiếng nói ngoài hình của chị. Tuy vậy, hình và thanh của người đạo diễn từ hai chi tiết vừa nêu không tạo nên ảnh hưởng nào đến diễn biến của phim.
(6) Nét nổi bật của Đi Tìm Phong là nhân vật chính ở đầu phim đã giữ luôn máy quay và trở thành 1 trong 3 người quay phim chính cho phim này. Tuy nhiên, sự sắp đặt cảnh quay, quá trình xử lý các hình ảnh lưu giữ không hề được hé lộ cho khán giả.
(7) Các cảnh quay theo sát hành trình chuyển giới. Không có tầng nghĩa nào khác ngoài chất hiện thực. Tính đời, tính chân xác trong các sự kiện thống trị rõ ràng. Phim không tạo ra một không khí hay trạng thái xúc cảm riêng biệt nào có tính lấn át mà hoàn toàn là các mẫu độc thoại và đối thoại nối tiếp nhau.
Với 7 đúc kết vừa nêu, tôi tin rằng bộ phim này thuộc thể loại tài liệu quan sát (observational documentary). Hay còn được gọi là điện ảnh trực tiếp với các thuật ngữ đồng nghĩa cinema verité, direct cinema hay fly-on-the-wall documentary.
"Quan sát" ở đây theo hiểu biết của tôi không có nghĩa là sự quan sát đơn thuần. Ở phần hậu kỳ bộ phim, sau khi thu thập tất cả các nguyên liệu cần thiết thì vẫn có quá trình dựng cắt của đạo diễn. Ở phần hiện trường, đạo diễn vẫn có sẵn một sự định hình về mặt cảnh trí và đường dây của câu chuyện. Nhưng người đạo diễn không dụng công mà chỉ nương theo những phản ứng tức thời. Họ cố gắng không tác động đến diễn biến mà lui về thế quan sát. Nhưng rõ ràng sự ưu tiên nặng nhẹ, thích hay không thích, muốn hay không muốn vẫn xảy ra.
Thế nên, theo tôi, ở thể loại này, sự quan sát hay điểm nhìn của tác phẩm vẫn có tính chủ quan nhưng là cố gắng để sao cho thật tự nhiên, thật khách quan. Sự chọn lọc là có nhưng làm sao cho thật tình cờ. Và tay nghề cao thấp ra sao là nằm ở sự che mờ, nhòa xóa những "làm sao" để không một ai phát hiện.
#Nhiên