Có mấy người lạ muốn kết bạn với em. Mà tính em thì vốn dĩ trầm lặng và thỉnh thoảng lại khóa tài khoản. Vì vậy mà số bạn bè trên mạng xã hội vẫn lèo tèo. Hiếm khi em chấp nhận ai. Một là chưa gặp nên không dám kết. Hai là không thấy họ nhắn tin gì thêm thì em cũng trôi vào miền yên lắng.
Sáng nay em có thấy một người yêu cầu kết bạn. Vào thử tường nhà thì thấy bạn cũng đặt “Walk With Me” làm ảnh ngang. Thế là kỷ niệm về bộ phim lại ùa về. Cảm hứng như được tiếp sức để viết thêm 1 bài nhật ký nữa.
Bài thứ 13, em nhìn sâu thêm chút nữa về thể loại tài liệu của phim này. Phim tài liệu theo nghĩa giản dị nhất là không hư cấu. Chất liệu đều trích xuất từ hiện thực. Dẫu vậy điều đó không có nghĩa là những gì nhìn thấy trên màn hình là hiện thực 100%. Vẫn có bàn tay dàn dựng, vẫn có ý kiến chủ quan của người đạo diễn. Có chăng là anh ta hay cô ta sẽ làm sao để che mờ đi, ẩn bớt đi sao cho ấn tượng hiện thực nơi khán giả là tự nhiên nhất có thể.
WWM có giọng đọc của một diễn viên chuyên nghiệp. Anh này đọc lại các trích đoạn trong quyển “Nẻo về của ý”. Việc dự phần của anh tức là đã có một tiếng ngô trong hình (voice-over) . Các hình ảnh đồng thời hay xuất hiện gần kề phần đọc có tính chất minh họa. Hai yếu tố này giúp cho củng cố nhận định của em: bộ phim này là một dạng phim tài liệu mô tả (expository documentary).
Máy quay từ đầu đến cuối phim theo sát hoạt động của các sư thầy, sư cô từ trong các khóa tu riêng biệt tại trung tâm thiền đến các hoạt động ngay tại các đô thị lớn. Điều mà nhà làm phim muốn mô tả theo em là đời sống của một người tu sĩ. Dưới nhãn quan phổ thông, nhiều người sẽ nghĩ tu sĩ thiên về sự ẩn dật. Tuy nhiên, từ những thước phim WWM, tính chất “nhập thế”, “phụng sự” hay hiểu đơn giản là “tương tác xã hội” của một vị tu sĩ hiện lên rất rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc trích dẫn “Nẻo về của ý” sau đó sắp đặt lại trình tự theo cách hiểu riêng của mình, người đạo diễn tỏ rỏ ý muốn tạo ra một chiều không gian thứ hai cho bộ phim. Chiều này không còn theo dòng thời gian ngày tháng năm. Chiều này là những biến chuyển trong tâm thức. Và ý nghĩa của WWM, lời mời gọi “hãy đi cùng tôi” nằm ở chiều không gian này. Một sự mời gọi đi vào cái gọi là “ultimate dimension”. Một dạng “thực tại tối hậu”, một cảnh giới mà chỉ những ai đã có lòng mến yêu đời sống tâm linh, đã có lòng muốn hướng thượng đời mình mới có thao thức và để tâm suy nghĩ. Chính vì diễn biến này, nỗ lực “thổi gió”, tạo ra một phong vị khác (văn học, triết học, thiền học) ngoài sự minh họa đơn thuần, em tin rằng WWM cũng mang ít nhiều dáng dấp của một bộ phim tài liệu dàn dựng (performative documentary).
Vừa tự nhiên mà cũng cố tình.
#VânNhiên