Nếu BTC không chủ động thông báo dừng, tôi không biết buổi giao lưu đêm sneak-show Đi Tìm Phong khi nào mới chấm dứt. Lúc này đã hơn 22:30. Nhưng nhìn vào phản ứng của khán giả, tôi tưởng như từng ấy đối đáp vẫn chưa là thỏa, là đầy.
Tôi không biết buổi hôm nay có các đại diện ở các cụm rạp đến xem cùng không. Tôi chẳng hiểu từ bao giờ cái ngày cuối cùng của tháng 10 lại chi phối bạo liệt sinh khí của điện ảnh đến vậy. Cả một tháng 10 nhìn đâu cũng thấy màu đen tối, chém giết và tang tóc. Có thật sự là khán giả Việt Nam muốn đắm mình trong những u ám ấy. Họ đã quen. Họ đã bị điều hướng. Hay vẫn còn rất nhiều nhu cầu thưởng thức chưa được khai phá, chưa được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng.
Tôi đang nói đến nhu cầu về sự thật. Sự khát khao sự thật, muốn được tắm mình trong tính chân. Phản ứng yêu đương say nồng hoàn toàn có thể xảy ra bởi chất liệu đời. Mà chất đời, hay giá trị hiện thực, giá trị xã hội là tài nguyên mà hầu như phim tài liệu nào cũng sẵn có dư thừa.
“Đi Tìm Phong” tựa như một cơn gió mát giữa tháng 10 mưa giông ảm đạm. Vừa là một tác phẩm có phẩm chất, vừa lại đáp ứng đậm sâu chất đời. Tôi sẽ không lạ nếu ĐTP được yêu thích. Chưa kể đến giá trị nội tại. Cách xuất hiện, thể loại phim, đề tài theo đuổi tự thân đã đặt ĐTP riêng tư một góc. Vấn đề còn lại là sẽ có bao nhiêu người tìm đến?
Tôi hơi lo lắng về con số. Tôi vẫn chưa thể nghĩ về một cơn bùng phát về lượt xem. Tôi có căn cứ để tiên liệu. Và thực tế đã khớp đúng. Sẽ có những trường hợp, nếu không muốn nói là rất nhiều, như là một khán giả tên Trung mà tôi đã phân tích ở bài #11. Đó là một lối xem phim, lối cảm thụ dựa trên căn bản đòi hỏi, đòi hỏi về tính giải trí. Ít nhất phải là xúc cảm đong đầu trong sự nghe, sự nhìn. Đòi hỏi này vừa chính đáng ở góc độ khán giả nhưng lại có phần vô lý nếu xét ở tính chất của một bộ phim tài liệu theo lối quan sát đơn thuần (obervational documentary). Với tâm lý xem phim này chỉ cần một chút kiên nhẫn thì nhìn nhận của họ về bộ phim sẽ thay đổi. Nhưng liệu số đông khán giả Việt Nam có sự kiên nhẫn, sẵn lòng dành thời gian để suy ngẫm hay không? Đó là câu hỏi của tôi sau đêm premier.
Đến đêm sneak-show, có một khán giả đã phát biểu và sự phát biểu ấy khiến tôi rất vui mừng. Đây cũng là một dạng cảm thụ điển hình và tôi đã rất hy vọng vào phản ứng này. Họ cho biết (rất thành thật) là không có ấn tượng gì mấy với Phong. Thay vào đó là họ ấn tượng với gia đình của Phong. Sự ấn tượng rơi vào cách mà gia đình Phong tư duy, nhìn nhận về vấn đề giới tính nói chung và sự chuyển giới nói riêng. Người khán giả này đã đặt điểm nhìn của mình vào các nhân vật xoay quanh nhân vật trung tâm và với cách tiếp cận này họ đã có một đêm xem phim viên mãn. Cũng chính vì ấn tượng với gia đình Phong mà họ đã tự nguyện dẫn dắt con tim đến một kết luận khác. Đây là kết luận tôi chưa từng hy vọng. Vậy mà đã xảy ra. Tôi bàng hoàng. Chỉ có thể tự nhủ, “ĐTP đã tìm thấy tình nhân!”. Kết luận gì vậy?
Họ kết luận ĐTP cho họ cảm giác về một gia đình. Vậy nên đây là một phim dành cho gia đình, phim của gia đình, phim gia đình. Cảm giác được về nhà. Cảm giác như ở nhà.
Liệu đây có phải sẽ là cảm giác của số đông khán giả?
Người ta tìm đến với một bộ phim và sở dĩ yêu mến nó phải chăng một trong những nguyên do là vì cảm giác này? Cảm giác về nhà.
Hãy cùng chờ trông và hy vọng một thời tiết mới cho điện ảnh Việt Nam cùng ĐTP!
#Nhiên