YÊU? KHÔNG YÊU? HAY CHỈ LÀ CHỚM YÊU?
(bài thứ #11 về #ĐiTìmPhong, tựa ngắn gọn là #TRUNG, tựa dài được đặt lại sau khi kết thúc bài nhật ký)
Kfc là bộ phim Việt thứ 2 trong năm nay (2018) mà hắn xem trong tổng số 5 phim Việt tính đến thời điểm này. Thể loại khác và không khí trình chiếu cũng khác so với lối thông thường. Muốn xem phải chuyển tiền trước. Và động thái đó gọi là “phí ủng hộ”. Bộ phim này theo hắn khó có cửa về mặt doanh thu. Thậm chí là khó có cửa nhận được sự chấp thuận vào rạp từ các hệ thống rạp (vốn dĩ là những tổ chức phải ưu tiên vào tiềm năng thu hồi vốn hơn là những yếu tố khác chẳng hạn như tính đa dạng cho hệ sinh thái điện ảnh hay giá trị chuyên môn đặc thù của điện ảnh hay giá trị xã hội mà một tác phẩm có thể mang lại).
Kfc đến với hắn bằng một hình thức sau đó được biết với lối mô tả “phát hành độc lập”. Hắn nhìn nhận đây là một bộ phim đáng xem 1 lần. Còn bao nhiêu lần nữa thì hắn không dám chắc vì điều này tùy thuộc vào phẩm chất thật sự của phim cũng như liên hệ tương sinh với nhu cầu và sự cảm thụ của khán giả. Trong buổi này, hắn nhớ có một khán giả đã phát biểu bằng lời rồi về sau chuyển sang viết hẳn trên tường nhà. Anh này tên Trung. Hắn đoán tầm chưa tới 40. Trong độ 35 đến 40. Vậy hắn và anh này cũng nằm trong một độ tuổi. Đó là một tín hiệu.
Và đến nay, phim thứ 5 trong danh sách phim Việt của hắn, theo cùng một thể thức “phát hành độc lập”, hắn lại tìm thấy một bài của anh. Đã có một sự tái lai ở đây. Thế nên hắn quyết định đọc kỹ và sẽ viết nối theo mấy dòng cảm nhận về người bạn chưa từng kết nối này. Hy vọng, với diễn tiến này, sẽ tạo ra một chuỗi tranh luận có văn hóa, vui thỏa và góp phần tiếp sức cho tác phẩm đến đúng được đối tượng muốn xem nhất (đề tài câu chuyện nói riêng và dòng phim tài liệu nói chung).
Tình ý cốt lõi nhất trong bài của #TrungTran (đăng vào sáng ngày 3.10.2018) là sự thất vọng, một chút thất vọng. Tại sao thất vọng? Tại vì kỳ vọng. Vì chính mong muốn thấy một sự bùng nổ, một hiệu ứng trước-và-sau trong thị giác, trong tâm tư. Thế cho nên khi hít vào lồng ngực bầu không khí êm đềm, bình lặng, người khán giả cảm thấy thiếu thốn. Có một nghĩ cảm nào đó tựa như mất mát, tựa như không được đong đầy. Chờ được xem một khủng hoảng, một tang tóc, bi ai nào đó cùng cách thức mà trái tim của câu chuyện đã xuyên thấu, đã vượt qua. Nhưng rốt cuộc hình như chẳng có quá nhiều lên-cao-xuống-thấp nào. Đây chính là ý chính yếu trong bài và đã được bao gói lại bằng thiện tâm ủng hộ đoàn làm phim và đơn vị phát hành.
Với hắn, đây là một dạng phản hồi điển hình, dù chỉ là một đoạn trạng thái riêng tư nhưng có tính chất phổ thông. Trong cái riêng có cái chung. Khởi từ Trung. Và mang nhiều nét chung.
Tại sao lại chung? Tại vì đây là một đòi hỏi rất chính đáng. Một đòi hỏi của số đông quần chúng. Người ta đã bỏ tiền, đã bỏ thời gian, đã xếp hàng vào rạp là để được gì? Cơ bản, căn bản là phải có được một cảm xúc viên mãn trên đường về. Không ai thích thú với chuyện đến rạp và sẽ được nghe, được dạy về một kiến thức nào đó. Một bộ phim có thể có tính giáo dục nhưng thuộc tính đó phải xếp sau mãnh lực của tình yêu. Người xem phải yêu bộ phim, phải thương được nhân vật. Nhưng cái “phải” này không phải là trách nhiệm, là nghĩa vụ của họ. Mà là thuộc về đạo diễn và tất cả những nhân sự tạo ra một tác phẩm.
Trước khi gửi vào lòng người một thông điệp, một triết lý, một tư tưởng thì phải lấp đầy những rung cảm nơi con tim.
#ĐiTìmPhong liệu có làm được điều này?
Để trả lời câu hỏi là cần phải xét lại bản chất của câu chuyện. Đây có phải là một hành trình chuyển giới không? Hay hỏi rõ hơn, xung lực chính của bộ phim có phải đến từ hành trình chuyển giới? Nếu đúng vậy thì có thể tiếp tục đặt ra các rào cản giả định trên một hành trình chuyển giới. Có bao nhiêu rào cản? Hắn đã từng tự hỏi và thử nêu ra câu trả lời. Có 7 rào cản chính yếu trên một hành trình chuyển giới và nhìn vào Phong, hắn thấy gì? (đã được nhắc đến trong bài #9 nên không lập lại ở đây)
Hắn không thấy gì nhiều. Hắn chỉ có thể nói, “Phong quá may mắn!” Phong, hay là Lê Ánh Phong trong bộ phim tài liệu này rõ ràng không gặp phải quá nhiều rào cản. Mà rào cản nếu có cũng không cao, không dồn ép, không sắt nhọn. Nếu đi theo đúng nếp nghĩ về “hành trình và rào cản” thì chắc chắn sẽ có kết cuộc thất vọng và mất mát. Phải tập trung lắm, phải là một khán giả có nhiệt tâm theo dõi kỹ lưỡng lắm thì phản ứng chớm yêu mới có thể xảy ra. Yêu nhưng chỉ có thể là chớm yêu mà thôi.
Nhưng… nếu thử quẳng liệng đi nếp nghĩ “hành trình và rào cản”. Hãy thử bỏ qua Phong và dời hồng tâm vào những người xung quanh Phong. Nhìn ngắm họ, lắng nghe họ rất có thể sẽ có một phát hiện khác gây ngỡ ngàng. Cũng có một hành trình và cũng có nhiều rào cản. Không phải Phong mà là những người xung quanh Phong. Có sự biến dịch, có đổi thay. Khi trắng. Khi đen. Khi hồng. Khi pha loãng. Khi không thể gọi tên. Khi có thể gọi tên. Tưởng chừng đã đổi mà cuối cùng không đổi. Tưởng như khó nhưng hóa ra lại dễ. Mong muốn về một hiệu ứng trước-và-sau, cái kỳ vọng đầu phim và cuối phim phải có một cơn gió bụi sẽ ứng đúng nếu đặt điểm ngắm vào những người xung quanh Phong. Và sẽ thấy đổi thay, sẽ thấy tương phản, nếu đổi hướng nhìn. Nhưng hẳn nhiên không thể nào ép buộc một thể loại tài liệu phải có tính tương phản rõ rệt, phải có cao trào phát hỏa trong cấu trúc và biểu hiện của các nhân vật.
Đạo diễn #TrầnPhươngThảo đã nhắc tới từ “dòng chảy” trong buổi giao lưu ngay sau phim công chiếu. Liệu có thể nào tạo ra một dòng sông, đổi thay những dòng chảy? Trong trường hợp của dòng phim tài liệu thì câu trả lời là không. Chỉ có thể nhìn ngắm và chọn lựa. Có thể có những dòng chảy mà người lái đò (đạo diễn) đã tưởng rằng mình sẽ nương theo. Nhưng cái tưởng ban đầu đó đã được hiện thực (nhịp sống của Phong, tố chất kết nối của Phong) đánh bật. Giữa nhiều dòng chảy, chỉ có thể nương theo và chọn lọc. Và kết quả cuối cùng là dòng chảy mà hắn, cùng Trung, cùng những khán giả của đêm đặc biệt này đã nhìn thấy.
Hiểu một chút, đổi thay tư duy một chút, di dời hồng tâm, nhìn ngắm dòng chảy, tất cả chuyển di này sẽ giúp sự cảm thụ tác phẩm ngã sang một lối khác. Ở đó không có sự thất vọng. Ở đó không có sự mất mát. Ở đó không có sự đòi hỏi về tính kịch tính, tính biến ảo, hay bất kỳ một sự lột xác, thoát thai bùng nổ nào trong câu chuyện.
Cũng vì nguyên do chính yếu này, tức là tư duy cần tham dự vào sự cảm thụ một bộ phim, với hắn, việc theo dõi bộ phim sẽ là một thách thức. Tạm bỏ qua sự kỳ thị về cộng đồng LGBT nói chung. Có lòng kỳ thị kiên cố thì không thể xem phim này.
Thách thức mà hắn nghĩ ở đây chính là những người đã có sự thông đạt trong tâm lý. Họ đến vì thích xem, vì muốn xem câu chuyện về Phong. Và thách thức với họ chính là sự thiếu hụt về mặt cảm xúc say mê trong tác phẩm này. Không dễ để có cảm xúc. Khóc. Chỉ có thể là khấp khởi. Đau. Chỉ có thể là râm ran. Thương chỉ có thể là khe khẽ. Và yêu. Chỉ có thể chơm chớm. Ngẫm rồi, suy xét rồi, dành trao một khoảng lặng rồi thì những giọt lệ, cơn đau, nỗi thương, niềm yêu mới có thể nên tiếng nên hình.
Liệu rằng diễn biến vừa nêu có phải là một dụng công của đạo diễn? Liều lĩnh sẵn sàng bỏ quả những thước phim có thể lấp đầy cảm xúc mà thay vào đó là những gì đúng với ý định truyền tải của mình? Hay chẳng qua là với tất cả những gì đã quay, đã thu thập, chẳng thể nào có một giải pháp tốt hơn?
Với hắn, đây là một câu hỏi rất lớn, nghiêng về tính chuyên môn và quá nhiều sự riêng tư.
Trở lại với sự thưởng thức của một khán giả thông thường, liệu một khán giả, thuộc về tâm lý nghe nhìn phổ thông tại Việt Nam, có đủ kiên nhẫn để ngẫm suy, có đủ bao dung để cho tư duy góp dự vào sự thưởng thức của mình? Rất tiếc là hắn không tin vào điều đó, ít nhất là với số đông.
Hắn vẫn nghĩ rằng bộ phim này chỉ dành cho một nhóm nhỏ, những trái tim yêu và hành động liền kề. Đến để thấy, để cảm thông, đến để hiểu sâu, để thương dài. Đến không phải vì chiếc áo sặc sỡ mà đến vì công năng, giá trị sử dụng của chiếc áo?
Có bao nhiêu người như thế trong thành phố đã lên tới chục triệu dân này. Ai yêu thương thiệt thà và sẽ lên đường bất chấp mưa ngăn gió cản, bất chấp những nguồn phân tán khác trong một tháng mười mà lễ hội và tang lễ nối đuôi nhau? Bao nhiêu con người giữa con số hàng chục triệu đó? Ngồi nhẫm lại và tỉnh táo thì sẽ thu về một kết quả dự đoán rất khiêm nhường.
Còn nếu bộ phim cháy suất, cháy vé thì chắc chắn với hắn cũng sẽ là niềm vui, là bất ngờ, là kỳ tích. Nhưng để tạo nên kỳ tích thì không phải chỉ một đơn vị đồng hành gồng gắng rung mình là được. Mà cần sự hỗ trợ từ nhiều phía từ cụm rạp đến nhà sản xuất? Có hỗ trợ và hỗ trợ bao nhiêu? Yêu? Không yêu? Hay chỉ là chớm yêu? Hay tệ hơn là yêu giả, yêu trá hình? Câu hỏi này cần được các nhà báo chuyên nghiệp phân tích. Câu chuyện về sự hỗ trợ giữa các bên liên quan tưởng như nếu mở ra sẽ là một thiên phóng sự hấp dẫn dài kỳ mê ly kịch tính.
Quay lại với tác phẩm, hắn vẫn tin rằng để đưa người xem vào chung một nếp nghĩ, nếp tư duy với mình thì đạo diễn phải đẩy được cảm xúc người xem. Không đẩy cao thì cũng phải lấy đầy. Không chiều dọc thì cũng phải chiều ngang, chiều sâu. Hay ít nhất phải là tiệm cận. Đầy. Hay gần đầy. Đó là yếu tố quyết định bộ phim sẽ thuộc về số đông hay không.
Còn xét về mặt thông tin, sự giàu có thông tin, giá trị của những thông tin thì đó vốn dĩ là thuộc tính căn bản của một bộ phim tài liệu. Không cần phải bàn sâu thêm ở khía cạnh này.
Trên đây là những dòng mà hắn đã rất muốn ngắn gọn. Nhưng chung cuộc vẫn dài. Thôi thì viết ra cho mình. Và tri âm tri điệu. Dù đúng hay sai, dù dài hay ngắn, tất cả vẫn chỉ là cảm nhận chủ quan của một con tim tình si bé nhỏ. Hãy chờ đến ngày 4.10. Chờ đến ngày mai. Chờ đến sinh khí thực sự tại Idecaf. Nơi tất cả phải bỏ tiền vào rạp. Và cũng có thể tiếp tục là một chiều mưa ướt đường xa. Lúc đó, phải đến thời khắc ấy, phong vũ biểu của tác phẩm này mới chính thức có được cơ hội thực chứng.
#Nhiên
Chờ #4tháng10