- Đoạn phim (thể hiện không khí và phản hồi của người xem sau đêm premier) được dựng rất tốt. Là 1 người đã có mặt trong khán phòng, tôi có thể xác nhận, không khí trên phim ngắn ăn nhịp hoàn toàn với thực tế diễn ra.
- Yêu quý NSƯT Hữu Châu nên ý kiến của anh có sức nặng nhất đối với tôi. Tình cờ hay là nguyên do nào khác vì ảnh của anh cũng là ảnh nền cho phim ngắn.
- Tôi tìm đến tác phẩm Đi Tìm Phong (ĐTP) là ấn tượng trước đó với Đảo Của Dân Ngụ Cư. Quan tâm hằng đầu của tôi là #Đảo. Và trong thời điểm này là tin tức từ Viet Film Fest (vì Đảo có đề cử ở đây). Qua sự giới thiệu kỹ lưỡng, công phu, tận tâm và chuyên nghiệp của team BlueP, tôi mới biết phim này.
- BlueP là một thương hiệu và ẩn trong đó còn có một biểu tượng điện ảnh. Ở đây, ảnh hưởng của thương hiệu tập thể có sự đóng góp của thương hiệu cá nhân (nhân hiệu). Và cả hai đã cộng hưởng để tôi (một khán giả bình thường) chú ý và quan tâm tới ĐTP. Và chắc chắc không thể nào có diễn tiến ngược lại. Tức một hiện tượng (mới nổi lên chỉ trong vài ngày) lại tạo giá trị cho một thương hiệu tập thể và biểu-tượng-since-1999 kia.
- Có bạn khán giả nhắc đến Lê Ánh Phong với tiếng gọi "'anh hùng" #hero. Anh hùng trong cảm nhận người xem. Tức người đã quyết đi theo chọn lựa của mình. Tuy nhiên vẫn còn một ý nghĩa khác của từ "anh hùng" xét ở phương diện cấu trúc tự sự của 1 tác phẩm điện ảnh. Hy vọng 2 bạn khán giả kia sẽ không dừng lại với những nhận định mà tiếp tục xem #FindingPhong thêm nhiều lần để khám phá thêm giá trị nghệ thuật lẫn giá trị xã hội của tác phẩm.
- ĐTP với tôi thuộc thể loại phim tài liệu quan sát. Cách thực hiện bộ phim có khi được gọi là "điện ảnh trực tiếp". 3 người quay phim này là 2 đạo diễn và Phong. Sự định hình của đạo diễn và vai trò dẫn truyền của Phong là tối quan trọng. Tôi hy vọng sẽ đọc được thật nhiều bài phân tích đào sâu vào khía cạnh thể loại và tầm ảnh hưởng của Phong trong việc tạo ra phong vị của tác phẩm.
::: SUY NGHĨ :::
- Thấy hình ảnh đôi mắt của Varan Vietnam xuất hiện đầu tiên, tôi nghĩ tới chữ "nhãn quan" hay là "tầm nhìn". Tư cách VV là nhà sản xuất, tôi tự hỏi, "4 năm qua, họ là ai, đã ở đâu và làm gì để rồi phải đến thời điểm này (tháng 10.2018) ước nguyện công chiếu tại quê nhà của đạo diễn Trần Phương Thảo mới thành hiện thực?"
- Tính tôi nhát và cũng ít dùng fb để nhắn tin. Ai yêu cầu kết bạn mà không nói gì thì tôi cũng bất động. Tuy nhiên, đợt này tôi hơi khác tôi của mọi khi. Có những bạn tôi biết là đã xem ĐTP, nếu có viết cảm nhận và yêu mến bộ phim, tôi đều nhận lời các bạn hết. Hy vọng với Mia Rennie, Yến Chi, Nguyen Dang Hoang Trung, chúng ta cùng nhau sẽ tạo nên một liên-minh-khán-giả. Tôi không kêu gọi các bạn phải làm gì. Hãy chỉ nghe theo tiếng gọi của con tim và hành động theo năng lực hiện có. Ví như tôi, tôi không có gì ngoài chữ. Và các bạn hẳn là đã thấy những-hành-động-vì-tình của tôi.
- Tôi vui vì thông tin nhiều cụm rạp đồng loạt chọn chiếu ĐTP. Nhưng tôi cũng đầy âu lo với phận số của phim. Theo ước lượng của tôi, phim cứ chiếu mỗi ngày một suất. Và chỉ cần 1 nơi nhận là được. Gom được đủ lượng khán giả thì chiếu. Không đủ hoàn tiền. Thế mà giờ đây điểm bùng phát đã xảy ra. Các cụm rạp nhìn vào premier và sneak-show đã đảo chiều thái độ với bộ phim. Nhưng liệu số lượt xem có bùng phát như những toan tính của họ? Tôi không biết các cụm rạp này chỉ đơn giản là chọn chiếu hay họ còn có nỗ lực nào khác không? Làm gì cũng được miễn là vì tình.
- Mới đây tôi có đi xem 1 phim Mỹ và 1 phim Hàn. Cả hai phim đều thắng về doanh thu tại bản xứ. Phim Mỹ còn được ngợi khen từ chuyên môn. Nhưng thực tế ở Việt Nam thì sao? Ở lần thứ 2 tôi xem cả 2 phim, số lượng khán giả không quá 30 người/suất. Phim Hàn ở lần đầu chỉ có 3 khán giả. Chỉ trong 2 ngày chiếu đầu tiên là èo uột như vậy khiến tôi không hiểu sẽ có gì tươi sáng hơn đang chờ đợi 2 cái tên đang lừng lẫy này. Với phim Mỹ thì suất công chiếu có khá hơn. Vì là có hội khán giả đã cùng nhau kêu gọi. Rạp đầy vì có khán giả yêu thương thực hiện luôn phần giữ nhiệt của đơn vị phát hành. Còn lần 2 theo kiểu bất-chiến thì không có cái thành nào hết. Chỉ có khoảng 20 người đến rạp theo quan sát của tôi. Thế nên với 2 phim này, tôi không thấy động thái nào từ phía nhà phát hành chính thức. Ngoài việc bỏ tiền chạy quảng cáo, họ có còn tiến hành một hoạt động nào không (một dạng tương tác thật sự, một sự tiếp xúc bằng trao đổi, mặt đối mặt, micro truyền micro với khán giả)? Thế nên, tôi đúc kết: Phim có thắng hay không (ngoài giá trị nội tại, tức phim phải hay) còn phải nhờ đến 2 yếu tố quan trọng. Chính khán giả và một cách thức giữ nhiệt tốt.
- Tôi cũng trông đợi lượt xem thực tế tại Hanoi vì tôi vẫn đang có một ấn tượng (không biết có đúng không) vì tình trạng "quy hoạch vé" tại thành phố này. Nghĩa là trong 1 suất chiếu có rất nhiều vé mời dành cho quý-đại-biểu ẩn danh nào đó. Được mời nhưng cũng không hề quan tâm nên không đi. Thế là chỗ ngồi ấy trống trong khi có nhiều người muốn xem thì lại được thông báo là hết vé. Tôi sẽ nhờ người kiểm tra đợt này.
- Trở lại với ĐTP, trước những lượt chiếu sắp tới tôi tin rằng nếu không có những liên-minh-khán-giả và sự giữ nhiệt từ đơn vị đồng hành thì sẽ khó có một sự bùng phát xảy ra.
#Nhiên
11.10.2018