18.6.17

Mãi mãi thơ ngây | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +9

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên, Góc O
Sự xuất hiện của Đảo thật sự là một cơn gió bụi. Nói theo ngôn ngữ của Đảo, "Tình yêu đôi khi là sự tàn phá". Hay tương tự vậy, Trịnh Công Sơn thì bảo "tình yêu như trái phá con tim mù lòa". Đảo Của Dân Ngụ Cư hay vũ trụ của Hồng Ánh khiến tâm hồn không còn nhàn cư. Trí óc không ngơi vấn nghi, truy cứu. Tháng 6 là những bước chạy dài của hành thức. Vận động và vận động. Không ngừng. 

Lục lại ký ức, trong những tư liệu xưa cũ, tôi thích thú khi khám phá ra bài viết này. Thời điểm hoàn thành là tháng 3.2014, tức cách nay đã 3 năm. Điểm đặc biệt là thay vì viết thành một văn bản thông thường, tôi lại chuyển sang định dạng như một kịch bản điện ảnh. Hẳn nhiên kỹ năng thời ấy là vô cùng vụng về. Cách viết này sở dĩ mà có là bởi ảnh hưởng từ loạt sách điện ảnh tôi đọc trong thời điểm ấy. Chủ đề ở đây có thể tóm gọm bằng một hashtag #RauCủHayThịtCá. Ngày ấy ngọn lửa đam mê điện ảnh đã được nhen nhóm nhưng rồi phải tắt đi vì một giấc mộng khác, lớn lao hơn: Về rừng.

Nay tôi đăng trở lại như một cách kỷ niệm, nhắc nhớ thuở dại dột ngày xưa. Xưa là thế mà nay cũng không khác. Tôi vẫn đang nhìn về Đảo hay nhìn về điện ảnh bằng một đôi mắt thơ ngây. Có lẽ sẽ mãi như thế, một ánh nhìn như thế, chẳng khác đi được. Mãi mãi thơ ngây.

Nhiên.
18.6.2017

o0o


PHÒNG RIÊNG – NỘI – ĐÊM
Hai người nhìn nhau. Nét mặt trầm tư.

CHỊ
Từ ngày bắt đầu chỉ ăn rau củ, có một thắc mắc từ những người xung quanh mà chị không làm sao giải thích được. Họ nói rằng chẳng có gì mất đi hay sinh ra, ta và những loài xung quanh đều không phải hai thực thể riêng biệt và những câu đại loại như vậy… Tóm lại, nếu tất cả đều là một thì ăn rau củ để làm gì. Ăn thịt cá không khác ăn rau củ. Còn chê thịt cá, còn ưa rau củ tức là tâm phân biệt và vướng mắc…

EM
Chị biết tình huống này là gì không?

CHỊ
Là gì, em?

EM
Gậy ông đập lưng ông… Họ dùng chính những câu, chữ, lý lẽ chúng ta hay dùng để đối đáp lại với chúng ta.

CHỊ
Còn nghĩ ăn rau và ăn cá tức là còn phân biệt, còn chấp. Nghe xong thấy đom đóm bay trong đầu.

EM
Những người nói ra được câu này hẳn cũng đã đọc không ít sách. Đối phương đã đầy tràn kiến thức như vậy thì mình không cần leo thang biện luận. Em nghĩ chị có thể đưa ra một ví dụ đơn giản như vầy.

Đây là một bàn thắng rất đẹp mắt. Cầu thủ trong hình dùng tốc độ và kỹ thuật đan chân một cách nhuần nhuyễn để ghi bàn.

Còn đây là những gì ta phải tập luyện để có thể đạt được kỹ năng trên.


*Nguồn: freekickerz

EM
Mọi thứ ở trên hoa mỹ bao nhiêu thì ngay bên dưới lại nhàm chán bấy nhiêu. Nguyên tắc là ta cứ đặt 1 trái bóng và đan chân qua lại cả ngày như vậy. Không phải là ngày, là tháng mà là hằng chục năm và nên tập ngay khi còn ở lứa tuổi nhi đồng. Nhưng một khi đã thành thạo thì cũng chưa chắc là mình có thể tạo nên một bàn thắng để đời như vậy. Khi tập riêng, chỉ có mình và trái bóng. Còn khi thi đấu, sẽ có thêm khán giả, đối thủ, không khí sân bóng, áp lực thành tích, v.v… Có vô vàn thứ cản ngăn mình. Cho nên mình cần thêm rất nhiều điều kiện thuận lợi (thời tiết, chất lượng mặt sân, cảm hứng thi đấu, sự hỗ trợ của đồng đội, v.v…) và hẳn nhiên không thể thiếu một chút may mắn. Nói tóm lại từ sân tập đến giải đấu chuyên nghiệp là một con đường rất dài. Và con đường ấy bắt đầu từ những bài tập nhỏ bé, tưởng chừng rất nhàm chán.

Bây giờ trở về chuyện ăn rau củ… Mọi thứ cũng tương tự. Ăn rau củ là bài tập nhỏ bé thường ngày. Còn cái gọi là tâm vô phân biệt, không sinh không diệt, không còn không mất, vạn sự không hai là trình độ ngoại hạng. Hai khung cảnh, hai bầu trời, hai thế giới hoàn toàn khác và cách nhau rất xa. Làm sao mình có thể xóa nhòa, đánh đồng hay cào bằng những ranh giới?

Ăn rau củ có nhiều lý do. Một trong những lý do là để tập luyện sự điềm tĩnh. Có điềm tĩnh thì nhìn nhận của mình về chính mình và những gì xung quanh mới bớt đi phần nông cạn. Ăn rau củ cũng không phải là cách duy nhất để có được sự điềm tĩnh. Nhưng bài tập này là tương đối dễ dàng. Ai cũng có thể bắt đầu ngay, với thời lượng tùy chọn. Mình sẽ tập nhiều tháng, nhiều năm. Đó sẽ là sân chơi cho những người nghiệp dư như chị và em mình bắt đầu.

Trở lại với bàn thắng ở trên. Câu hỏi của mình là liệu Ronaldo có còn luyện bài tập nhàm chán đó không. Với anh, kỹ thuật đã ăn sâu vào xương óc. Thực tế là anh có thể ghi những bàn như vậy hằng tuần. Nhưng chắc chắn anh vẫn tập mỗi ngày. Nhưng cái tập của một người chuyên nghiệp sẽ khác rất xa với một người nghiệp dư. Họ tập mà không có cảm giác là tập. Tập không phải để biến một cái gì mới thành ra thân quen mà là duy trì và nâng cấp cái thân quen đó. Nếu ở trong một trạng thái sung mãn và phấn khích cao độ thì tập trở thành chơi, thi đấu trở thành trình diễn. Có những lúc bình luận viên sẽ thốt lên, “thi đấu như là đá tập” là vì vậy. Người mới bắt đầu sẽ không bao giờ đạt được trạng thái thăng hoa này.

Vậy nên để trả lời lại với những người bạn của mình chị có thể nêu ra một ví dụ tương tự như mô thức của em. Đường dây câu chuyện là nghiệp dư – chuyên nghiệp. Có thể là lĩnh vực sân khấu, điện ảnh hay bất kỳ một tấm gương thành đạt nào đó. Em nghĩ một ví dụ thực tế như vậy sẽ chấm dứt bậc tam cấp của những đối đáp về ngôn từ.

Không có sinh, không có diệt, không có gì mất, không có gì còn, không có gì cho, không có gì nhận, không có gì có, không có gì không, ta và người không hai v.v… tất cả những phát biểu này đi ra từ một trạng thái đã ở mức độ thượng thừa. Mình gọi đó là cấp độ ngoại hạng vì không thể xếp hạng. Còn với chị và em, chúng ta tự hiểu mình chỉ là thành phần nghiệp dư, chưa đáng để xếp hạng. Vậy nên mình tập những bài tập nhỏ lẻ đầu tiên.

Tâm vô phân biệt, không có chút dính mắc nào thuộc về ngoại hạng. Nếu ai có ước muốn tham gia giải đấu ngoại hạng thì một trong những bài tập thực tế mà họ có thể bắt đầu tập luyện chính là chọn lựa chỉ ăn rau củ.


18.3.2014