19.6.17

Lời bố dạy | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +10

The Great Gatsby, Đảo của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên, Góc Không

Con đường tôi đi chắc chắn chỉ có một. Đó là con đường tự suy xét. Rất may mắn cho tôi, sau 10 năm suy tư và kiếm tìm, tôi đã thâu lãnh đầy đủ những kỹ thuật cần thiết nhất. Và suốt một năm nay, tôi an lòng tập luyện, trao dồi, có khi riêng tư, có khi cùng với những người thân tín.



Hai bộ phim

Sự xuất hiện của bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư là một sự nằm ngoài tính toán. Nhưng rồi sau khi đi qua những choáng váng trong suốt hơn 3 tuần, giờ thì tôi cũng đã bình tâm trở lại. Điện ảnh hay bất kỳ một lãnh vực yêu thích nào khác, với tôi, cũng như một chiếc gương soi. Chúng không bẻ lái hướng đi, làm đổi thay lộ trình. Một bộ phim tựa cơ hội quý mà nhìn vào đó, tôi thấy mình nhiều hơn. Đảo Của Dân Ngụ Cư là một chiếc gương giúp tôi soi mình, tự suy xét mình.

Tôi không biết một bạn trẻ hai mươi hay một người bạn ba mươi, hay những anh chị lớn hơn khi đến rạp, quyết định mua vé thì khi xem phim, họ còn xem điều gì nữa không. Ngoài việc dõi theo tất cả những thành tố cấu thành một bộ phim, họ có còn dõi theo một diễn biến nào khác không?

Trường hợp của tôi thì câu trả lời là "có". Khi xem phim tôi nhận ra khá nhiều lỗ hổng trong kiến thức điện ảnh của mình. Chúng ta là những gì chúng ta viết. Chúng ta là những gì chúng ta nói. Vậy nên càng viết nhiều, càng nói nhiều về một điều gì đó thì sẽ chạm tới ngưỡng giới hạn hiểu biết. Tôi bằng lòng, vui vẻ với sự nông cạn của bản thân. Một kế hoạch đã được đặt ra để xóa mù. Nhưng tôi hơi lo âu rằng mình sẽ thiếu thốn vài điều kiện rồi chung quy tái mù trở lại. Đó là chuyện phim, chuyện đào luyện tư duy điện ảnh, tư duy thẩm mỹ. Còn một chuyện khác, chẳng kém phần hệ trọng. Ấy chính là những tiếp xúc nơi giác quan, chủ yếu là nhãn căn, nhĩ căn và ý căn. Khi ta xem phim thì một bộ phim khác cũng đang thành hình. Và theo dõi phim ấy cũng cần kiến thức, kỹ năng tương xứng. Đây hẳn là điều không dễ dàng. Vừa phải thể nhập vào bộ phim mang tên Đảo mà cũng đồng thời ly khai để có thể canh chừng những biến đổi nơi cơ thể và tâm trí.

Bên trên là chuyện xem phim, phải xem đồng thời của hai bộ phim. Và vì đã xem phim thì không thể tránh khỏi việc bình luận, đánh giá, nhận định. Vì quá yêu thích kịch bản cũng như bộ phim Đảo Của Dân Ngụ Cư, tôi đã viết một loạt những bài theo dạng nhật ký. Đây là bài thứ 17. Tất cả đều công khai. Đột ngột một số lượng không hề nhỏ những đôi mắt xa lạ đã thâu nhận những dòng chữ này. Tôi run sợ. Điều sợ hãi lớn nhất là tôi thấy mình như đang sở hữu một thứ quyền lực vô hình. Bất kỳ cái tên nào trong thế giới giải trí, một thế giới rất xa tầm với của tôi, giờ đây nằm gọn gàng trong mười đầu ngón tay. Tôi muốn từ chối dạng quyền lực này. Đã có rất nhiều người tin rằng ngòi bút là vũ khí. Tôi kính trọng họ nhưng không may là tôi lại không nằm trong đám đông ấy. Tôi từ chối vũ khí. Cũng như tôi từ chối quyền lực. Vũ khí hay quyền lực dù ở bất kỳ dạng nào đều khiến tâm hồn bất an, sự sống náo động. Vậy nên trong những ngày này, tôi tìm thấy sự thanh tịnh và an tĩnh nơi cái tên Gatsby, The Great Gatsby.


Lời bố dạy

Tôi vẫn chưa đọc hết tác phẩm ấy. Mà tôi cũng băn khoăn không hiểu mình có đủ sức để cảm thụ hết vẻ đẹp nơi người đàn ông xứ cờ hoa ấy không. Thực tế là tôi vẫn dậm chân trong nhiều năm nay. Trang đầu tiên, chương một như một thành quách kiên cố. Tôi không thể nào vượt qua. Đoạn văn ấy, dòng hồi tưởng của nhân vật Nick về người cha của mình luôn luôn là một sự cứu rỗi linh hồn bất kể khi nào tôi buộc lòng phải nhận xét hay đánh giá về một đối tượng nào đó bên ngoài mình.

---trích từ The Great Gatsby - Francis Scott Key Fitzgerald ---

Trong những năm tháng xa xưa, cái thuở mà tôi trẻ trung hơn bây giờ, dễ tổn thương hơn bây giờ, cha tôi đã cho tôi vài lời khuyên dạy mà mãi về sau vẫn in hằn trong tâm trí.

"Mỗi khi có ý định phê phán người khác", ông bảo tôi, "hãy nhớ rằng không phải ai cũng hưởng được nhiều thuận lợi như con đâu."

---hết trích---


Ông bố và đứa con là sáng tạo phẩm của F.S.Fitzgerald. Cho nên câu nói trên hẳn là thuộc sở hữu trí tuệ văn hào của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Diễn giải khác đi, tôi chính là Nick và cha tôi không ai khác hơn chính là tác giả. Tôi đã lắng nghe lời khuyên ấy, khắc ghi và thường xuyên ôn tụng. Với tôi, chúng cũng không khác gì một câu kinh. Có phần hơn cả kinh. Bởi vì không sử dụng bất kỳ danh từ tôn giáo nào. Câu nói ấy được đặt trang trọng trong cuốn sổ tay văn học của tôi. Câu nói ấy còn hơn thế, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một tiểu thuyết. Nó đã thành ra tư duy và lề lối ứng xử hàng ngày.

Tôi sẽ không bao giờ quên lời răn dạy của người cha tinh thần. Ông đích thực là một người bố với đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn của một người bố. Không ngăn cấm chuyện chỉ trích, bình phẩm, nhận xét về người khác. Không dạy bảo phải nói lời hay đẹp. Cũng không răn đe chuyện xúc phạm người khác. Chỉ đơn giản là NHỚ, phải nhớ những lợi thế của mình. Phải suy tư về lợi thế của mình. Trước khi đưa ra một lời đánh giá về một đối tượng nào đó, hãy dành ra một thời lượng nhất định để nhớ lại những lợi thế của mình. Lợi thế của một người đi sau, lợi thế của một kẻ đứng ngoài và muôn ngàn lợi thế khác nữa.... Thật tuyệt diệu! Tôi chưa từng đọc được một nguồn tuệ giác nào tương tự.

Trong những ngày tháng 6 này, khi phải viết ra những suy nghĩ của mình về Đảo Của Dân Ngụ Cư, lời bố dặn lai vãng trong trí tâm. Tựa như một bài hát thiêng nơi khe suối chốn mây ngàn.

"Con à, mỗi khi phải nhận xét về ai đó, hãy nhớ, nhớ cho thật kỹ, thật sâu. Không phải ai trên đời cũng có những lợi thế như con đâu..."

-Đạm Nhiên-
19.6.2017


T/B: Tôi tạo thêm tấm ảnh này để có thêm một ấn dấu cho sức ảnh hưởng của Gatsby trong đời sống mình. Trong chuỗi bài về Đảo Của Dân Ngụ Cư, đây là bài thứ 17 và cũng là bài quan trọng nhất. Về sau, không biết kiến thức điện ảnh của tôi có khá lên không. Dù có nông bây giờ hay sâu về sau thì chắc chắn đường lối tư duy của tôi sẽ không đổi, sẽ vẫn mãi in hằn lời dặn dò của người bố, mỗi khi đánh giá hay nhận xét về người khác.

The Great Gatsby, Đạm Nhiên, Đảo Của Dân Ngụ Cư