6.6.17

Con dê | Đảo Của Dân Ngụ Cư | -2

Đảo của dân ngụ cư, Đạm Nhiên, Góc O

Trong đêm ra mắt “Đảo Của Dân Ngụ Cư”, khi xem đến một đoạn ở hồi 1, người bạn đi cùng có ghé tai tôi hỏi nhỏ, “Anh ơi, liệu người ta có giết con dê thiệt không?”. Với tôi, đây là một gợi ý tuyệt vời. Câu trả lời có hay không không quan trọng. Điều thú vị là thắc mắc của bạn mở ra một chủ đề rất đáng để thảo luận. Con dê. Hay đầy đủ là vai trò của những chú dê trong tác phẩm điện ảnh này.



Con dê có bị giết hay không?

Bạn tôi là một người chủ trương hạn chế ăn thịt cá. Cô ăn chay vì sức khỏe. Có thể vì vậy mà hành động cắt cổ con dê, máu bắn lên mặt, tươm khắp khung hình là một điều gì đó thật sự rất ghê rợn. Có thể là cô thấy đau xót bên trong và nhắm mắt. Lòng mến yêu sự sống bị đánh động. Cô trở nên lo lắng cho an nguy của một con dê. Bản thân tôi là một người trường chay. Quả tình tôi không muốn rêu rao đến đặc tính này. Với một kẻ đã 10 năm chỉ ăn rau củ như tôi thì chuyện ăn chay hay tránh sát sinh đã trở thành một thói quen. Nó không có gì đặc biệt cả. Nó đã là nếp sống. Như là giặt đồ phơi đồ. Và tôi không muốn đem cái lối sống có phần biệt lập đó áp đặt vào thế giới của người khác. Tôi không kêu gọi, không kích động ai đi theo đường lối này. Tự thân tôi đã là một thông điệp. Tôi không có nhu cầu gây sự ảnh hưởng. 

Khi đi xem phim thì tôi rất ý thức rằng mình đang đi vào một ngôi đền khác, đó là ngôi đền điện ảnh. Chính vì điều này cho nên tôi thích đến những nơi đặc sệt không khí điện ảnh. Và thiệt tình, tôi mong là mình phải bỏ giày dép ở bên ngoài. Tôi cần phải đi đôi chân trần, phải rửa thật sạch bàn chân để đi vào bên trong. Ở đó rất mong không có tiếng nhạc, hoặc nếu có thì vặn nhỏ và cũng chẳng cần phải buôn bán một mặt hàng gì cả. Có chăng là nên có một lớp học điện ảnh ở ngay bên trong. Ai muốn xem phim thì mua vé. Ai muốn học thì đóng tiền để được dự giờ và nghe giảng. Một rạp chiếu phim trong giấc mơ của tôi là như vậy. Nếu thực tế có khác đi thì tôi cũng chẳng buồn bã gì. Vì đời thường không như ý ta mong. Điều mà chúng ta khả dĩ có thể làm được chính là thay đổi nơi tự thân mình. 

Nói về chuyện này thì tôi tin mình làm được. Một khi đã xỏ đôi sandal thì tức là tôi đã rời xa cái góc nhỏ của tôi cùng tất cả những nguyên tắc của tôi. Tháng 6 năm 2017, trong đầu tôi chỉ có một nơi đến. Tôi chỉ muốn thăm đúng một nơi ấy thôi. Dù tôi rất tôn trọng những nơi khác nhưng do tôi chỉ là kẻ phàm phu. Trong một thời điểm, tôi chỉ có thể làm đúng một việc. Và tôi muốn tập trung vào việc ấy. Tôi đang đến thăm Đảo. Tôi đang đến mảnh vườn, thế giới điện ảnh của Hồng Ánh. Và hẳn nhiên sẽ có một thứ vô ngôn được gọi là “luật của Ánh”. Nếu đợi chị Ánh phải chính thức lên tiếng, viết xuống rõ ràng từng câu từng chữ thì coi như tôi đã thất bại. Tự tôi phải hiểu được cái luật ấy, tự mình tôi phải tìm. Việc cậy nhờ đến chị Ánh chỉ là phương án cuối cùng nếu đã bỏ ra bao công sức mà vẫn không sao biết được. Tôi rất ý thức về điều này. Cho nên một khi đã ngồi xuống hàng ghế màu đỏ, đúng hơn là bước qua cánh cửa của rạp phim, tất cả những gì thuộc về tôi đã ở bên ngoài. Tôi trống trơn và trần trụi trong nhận thức. Tôi phải làm được điều này. Và càng xóa hết, xóa nhiều bao nhiêu thì sự tiếp nhận của tôi sẽ tốt lên bấy nhiêu. Linh hồn và thân xác của tôi phải hoàn toàn có mặt ở Đảo thì tôi mới có cơ may tiếp xúc và hòa nhập được với thế giới ấy. Sau 100 phút, bước ra khỏi quán ăn Đêm Trắng, tôi trở lại là mình.

Đoàn làm phim có giết con dê hay không tôi không bận tâm lắm. Ở đây cần phải phân định rõ ràng. Địa hạt này là khung hình của nghệ thuật thứ bảy. Dĩ nhiên chẳng ai cổ xúy cho bạo lực hay sự giết chóc. Nhưng điện ảnh là không gian để người đạo diễn dàn dựng cho nhân vật của mình hành động. Có hành động thì mới bộc lộ được tính cách. Thông qua hành động của một diễn viên người xem mới có thể hiểu được phần nào thế giới nội tâm của anh ta. Và bạo lực hay tình dục là những hoạt động trong nhiều hoạt động mà nhìn vào đó chúng ta có thể hiểu được nhân vật và diễn tiến của câu chuyện. Nói khác đi, các pha đấm đá, đâm chém, các cảnh quan hệ tình dục cũng chỉ là một thủ pháp, một kỹ thuật của người đạo diễn để từ đó họ khắc họa nên nhân vật của mình. 

Tôi tin rằng không một đạo diễn nào muốn biến bộ phim của mình thành ra một tác phẩm tuyên truyền hay minh họa cho một chủ thuyết, một niềm tin nào đó nằm ngoài tinh thần của nguyên tác kịch bản. Cũng chẳng có ai muốn biến phim của mình thành một cuộc họp của các nhà đạo đức học, xã hội học hay một tổ chức bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường. Ai cũng muốn tập trung vào chuyên môn và phát triển nghề nghiệp của mình. Chẳng ai lại muốn lấn sân. Phim là một sự mô phỏng cuộc đời. Nhưng phim là phim. Và đời là đời. Cả hai đều có những quy định và luật lệ khác nhau. Tôi, như đã viết nhiều lần, là một kẻ học trò. Tôi đang đi học và điều tôi tha thiết nhất là luật của phim, ở đây, cụ thể là “luật của Ánh”. Tôi muốn hiểu thứ luật ấy. Và tôi may mắn được biết rằng, để uống nước mới thì bạn phải đổ đi nước cũ. Cả hai đều là nước, đều quý như nhau, không có sự cao thấp hay bất kỳ một phân định nào ở đây cả. Nhưng sức chứa của tâm thức là giới hạn. Để tiếp thu một dòng chảy mới, bạn phải đổ đi, đổ sạch những gì mình đang chứa đựng. Tôi tin và làm y như vậy.


Con dê có phải là thành viên thứ 7?

Trở lại với chú dê bé bỏng, tôi trân trọng nhân vật này. Chú dê hoặc là cả đàn dê xuất hiện ngay từ đầu, có mặt trong những cảnh chính yếu nhất. Tiếng kêu của chú dê thật sự là một lời thoại đắt giá. Có không ít cảnh, dê không có mặt nhưng người xem vẫn thấy rõ hình ảnh của dê. 

Nếu Đảo Của Dân Ngụ Cư có 6 nhân vật tuyệt vời là Chệt Liếm, Xiếm Hoa, Ahmed, Chu, Phước, Miên thì tôi tin rằng dê, những chú dê, đàn dê xứng đáng với con số 7, là thành viên thứ 7 tạo nên hợp chủng quốc đặc biệt ấy. Diễn viên Nhan Phúc Vinh có một trường đoạn đuổi dê. Đây là một trong những cảnh hay nhất trong phim này. Tôi không biết anh nhận được thù lao bao nhiêu khi tham gia phim này. Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh nghề nghiệp dưới góc độ của một khán giả bình thường, vai Miên là một dấu ấn sắc nét trong sự nghiệp điện ảnh của diễn viên điển trai này. Nhờ nội cảnh trước đó ở căn gác tức là nhờ vào sự dàn dựng của đạo diễn, hòa với tiết tấu, âm nhạc của người làm công tác hòa âm, ngoại cảnh ở đường phố Hội An trở thành một cái sân hình chữ nhật. Và Nhan Phúc Vinh đã như một vì sao. Bừng sáng. Diễn xuất bằng ánh mắt của anh trở thành tâm điểm. Và hẳn nhiên, độ tuyệt hảo, vẻ lấp lánh nơi hình hài đó sẽ không thể nào tròn đầy, nếu không muốn nói là sẽ trở về không, nếu thiếu đi trợ diễn đắc lực. Chú dê. 

Nhìn một đoàn làm phim, tôi thấy rõ đó là một tập hợp của những ngôi sao, một đội ngũ nhân sự của biết bao cá tính. Quản lý họ, điều động họ, giữ họ hòa điệu đương nhiên không phải là điều dễ. Trong một diễn biến khác, tình cảm giữa những con người ấy sẽ là một tình cảm phát triển từ tình đồng nghiệp đưa tới tình gia đình rồi cao hơn là tình yêu điện ảnh. Từ một kịch bản trên giấy thành một hoạt hình sống động hoàn chỉnh kéo dài 100 phút phải đánh đổi bằng bao nhiêu tâm lực, có khi là sự cạn kệt, cùng quẫn rồi mới thấy ra ánh sáng và sự vận hành. Thế nhưng, mặc dù, mặc dù có thể trải qua bao toan tính và sắp đặt, bao ước mong và hy vọng, một bộ phim lại không thể nào biết trước được phận số của nó. Còn rất nhiều điều kiện bên ngoài. Nói khác đi, không thể nào chắc chắn về sự thành công về một tác phẩm điện ảnh. Nhưng tôi lại đoan chắc một điều (dù chỉ là võ đoán), chị Hồng Ánh hẳn phải yêu mến những người đã đi cùng mình. Dù bất kỳ điều gì xảy ra đi nữa, họ đã đi cùng nhau. Và một thứ tình cảm nào đó có thể gọi tên và đôi khi cũng chẳng cần phải gọi tên gìn giữ họ, liên kết họ trong âm thầm. 

Tôi đang viết về Nhan Phúc Vinh. Tự nhiên là, khi phân tích về đôi mắt xuất thần của anh thì tôi lại thêm yêu mến chú dê đã chạy cùng anh trên đoạn đường đó. Chỉ đạo một con người đã khó. Chỉ đạo một loài vật diễn xuất chắc chắn còn khó hơn. Không thể nào điều hướng một người thành công nếu trong lòng ta không một chút thương yêu nào nảy nở. Vậy nên tôi suy ra rằng chị Ánh cũng sẽ thương yêu chú dê, sẽ thương yêu bất kỳ con dê nào trong đoàn dê đã góp dự vào Đảo Của Dân Ngụ Cư. Chị cũng thương yêu bất kỳ đạo cụ, bất kỳ vật phẩm nào liên quan. Một mặt nào đó, chị có thể thâu gom tất cả và lập nên một bảo tàng. Nếu đủ tài chính và nhân sự có thể chị cũng sẽ làm như vậy. Bằng không, bảo tàng ấy vẫn sẽ hiện hữu vô hình trong trái tim của chị. Vì đây là phim đầu tiên chị đạo diễn. Vì là đầu tiên, chị sẽ phải nhớ nó thôi. Không thể nào quên được những gì đầu tiên trong lịch sử đời mình. Việc chị yêu mến chú dê nói riêng, hay bất kỳ vật chủ nào đó liên quan đến phim này là một điều không cần phải bàn sâu hay viết ra. Hành động của tôi thiết tưởng cũng có phần bồng bột.


Con dê nào để tế thần?

Về tính chất bạo lực trong cảnh giết dê, tôi thấy đó là một lẽ thường. Nhan Phúc Vinh vào vai một tên đồ tể. Đó là công việc của anh và nhiệm vụ của anh là phải thể hiện điều đó nhanh, gọn, tăm tắp. Với liều lượng của mình, hay nói cho dân dã là đô, đô của tôi, với đô của tôi thì những cảnh giết dê như thế này, hay những cảnh bạo lực của bộ phim là còn quá nhẹ nhàng. 

Điện ảnh Hàn Quốc có một phim vang danh thiên hạ. Phim đó tràn chứa cảnh bạo lực được đẩy đến cực trần. Nam chính là một Phật tử. Dĩ nhiên ông hiểu nhân quả là gì, bất sát là gì. Nhưng đó là đức tin cá nhân, đó là đời sống riêng. Còn ông, ông đã đồng ý tham gia vào dự án. Ký hợp đồng và là một người muốn phát triển nghề nghiệp, có ý thức chuyên nghiệp, ông quên mình, quên cái tâm linh của ông để dựng xây vũ trụ điện ảnh. Ông ngồi nhai nuốt ngấu nghiến một con vật hãy còn đang thoi thóp. Một phân cảnh kinh hoàng và hắc ám. Phim thành công rực rỡ. Người diễn viên ấy đạt được sự thừa nhận. Và khi quay về nhà, ông gục đầu khấn nguyện, sám hối giàn giụa. Ông tịnh hóa mình ra sao, ông tự cứu rỗi linh hồn mình thế nào, đó mãi mãi là câu chuyện riêng tư. Câu chuyện ấy không cần phải biết. Nhưng tôi cam đoan rằng tôi đã khóc và ghi nhớ cái tên rất khó để nhớ của người diễn viên khi tôi biết lượng thông tin giới hạn này.

Trên đây là một câu chuyện ở Hàn Quốc. Còn giờ là câu chuyện ở Việt Nam và cũng có thể xảy ra ở mọi nơi. Đó là chuyện cắt cổ dê, chuyện bắt lấy một con dê để tế thần. Nếu ai đó kinh hoàng với pha cắt cổ dê nói riêng và những pha có tính chất bạo lực “cắt cổ” trong toàn thể bộ phim “Đảo của dân ngụ cư” thì tôi muốn mời họ hãy đọc thêm những tình tiết sau đây. 

Tôi là một người yêu bóng đá. Đội tuyển U20 Việt Nam vừa tham gia World Cup, tức giải đấu cao nhất ở cấp độ đội tuyển. Dĩ nhiên, chúng ta thất bại ngay tại vòng bảng. Tôi thất vọng. Tôi trở nên một con người thiếu trách nhiệm với cảm xúc thất vọng đó. Tôi không dàn xếp được bên trong. Tôi không thể nào an ổn. Và tôi nhanh chóng điên cuồng đi tìm một cái tên. Rất nhanh tôi thấy tên người đứng đầu đội tuyển, đó là huấn luyện viên. Hoặc tôi tìm thấy một cái tên cầu thủ, người có tố chất lãnh đạo cũng như lối chơi ảnh hưởng đến toàn đội. Hoặc xa hơn, tôi tìm đến tên của một người đứng đầu liên đoàn bóng đá nước nhà. Tôi đã có “con dê” của mình. 

Và cũng không khác gì Miên do Nhan Phúc Vinh thủ vai xuất sắc, tôi thuần thục với công việc bắt dê, làm dê. Động tác của tôi mau lẹ. Con dao của tôi luôn sắc lịm. Con dao ấy là lời nói của tôi. Nếu gần nhà những cái tên trên, tôi có thể tiến hành phóng uế, chọi mắm tôm, liệng đá xanh. Không gần nhà thì tôi dùng mạng xã hội. Tôi có thể dùng những câu chữ cay nghiệt, có tính sát thương cao của mình để triệt hạ con mồi ưa thích. Hoặc nếu tôi là người có uy tín, tiếng nói của tôi thâu phục được một cơ số đông đảo, tôi tận dụng ngay tất cả những nguồn lực ấy. Tôi dùng hết mọi mối quan hệ của mình để bắt đầu kế hoạch đại khai sát giới. Thú tính hơn, tôi lập thành một hội, một nhóm. Thứ băng đảng giang hồ ấy mà tôi là đầu lĩnh sẽ đính tên “con dê” của tôi làm danh xưng. Rồi đêm cũng như ngày, tôi hành hạ, tôi tra tấn con dê ấy. Có khi nó đã chết gục mà tôi vẫn tiếp tục sung sướng trong vai của một kẻ khát máu. Sự hung tàn và vô nhân của tôi lúc này đã vượt xa Miên trong Đảo. Khoảng cách giữa chúng tôi là trăm lần, là ngàn lần hay có thể là một dòng sông. Thế cho nên, như đã viết bên trên, với tôi, với đô của tôi, những cảnh bạo lực, cảnh giết dê do Hồng Ánh dàn dựng vẫn còn quá nhẹ.

Nếu đôi mắt bạn vẫn còn neo đậu đến tận dòng này thì tôi chân thành mong bạn hãy cẩn thận với tôi. Bạn có thể sợ hãi với Miên, với cách giết dê của anh ta. Nhưng bạn hãy cảnh giác thêm với những kẻ giết dê như tôi trong đời thực. Điện ảnh ngắn ngủi lắm. Chỉ dài trên dưới 100 phút. Yêu thương thì bạn hãy đến dự phần. Những chú dê trong Đảo đáng thương lắm. Khi xem, tôi tin lòng thương của bạn sẽ được tăng trưởng. Và vì chỉ là phim nên bạn chẳng phải đương đầu với tên sát nhân nào. Tất cả chỉ là ảnh, chỉ là một ánh chớp. Tất cả chỉ là một xuất phẩm của màu xanh, Blue Productions và một vài cái tên khác. Còn khi rời khỏi rạp, hãy canh chừng cuộc đời và canh chừng tôi, kẻ có thể đang say sưa tìm những con dê để tế thần mỗi ngày.

Nhiên
10.6.2017

*t/b: 
- Tôi rất muốn tìm một bức ảnh có liên quan đến chú dê trong Đảo của dân ngụ cư. Nhưng tìm không thấy. Vậy nên tôi đành phải dùng một nguồn ảnh bên ngoài. Tác giả bức ảnh là Andrew Branch. Đây là ảnh miễn phí. Dù tôi không bao giờ thích thú việc dùng một thứ gì đó miễn phí nhưng đây là một bức ảnh đẹp và phù hợp. Vậy nên tôi sử dụng như một cách để minh họa cho bài này. Nguồn cấp của bức ảnh có tại đây.

- để đặt bài theo trình tự thời gian nên tôi xếp bài này ở thời điểm -2 (tức cách 2 ngày công chiếu chính thức)


(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)