Đêm 7.6 là lần đầu tôi xem Đảo Của Dân Ngụ Cư. Một thoáng lướt qua đạo diễn Hồng Ánh cũng đủ gợi lên trong tôi hình ảnh Lệ Liễu hay “chị Phụng”. Đó là bóng dáng của một bà chủ đoàn hát. Có khi hiện thân như một người phụ nữ mà cũng có khi hóa thành một người đàn ông. Vai trò của người đứng đầu là vậy. Khi núi khi sông.
Đằng sau sự thành công của hình tượng Lệ Liễu chính là diễn xuất của NSƯT Hữu Châu. Anh cũng là lý do chính yếu cho quyết định đến rạp của tôi. Một quyết định chóng vánh, không đắn đo suy tính, dù tôi thật lòng không mấy mặn mà những kịch bản như Lô Tô. Vai chính là anh cho nên điều tôi mong chờ nhất chính là những khoảnh khắc bùng nổ, những màn thể hiện đỉnh cao mang đúng thương hiệu cá nhân. Thật bất ngờ khi thăm Đảo đêm 7.6.2017, tôi lại bắt gặp một lần nữa diện mục người nghệ sĩ mà tôi nể phục. Dù chỉ là vai khách mời, dù chỉ là một phân cảnh và vài phút giây ngắn ngủi nhưng sự xuất hiện của anh đóng vai trò rất lớn trong việc khắc họa hình tượng của Chệt Liếm, ông chủ của quán Đêm Trắng.
Lời thoại của anh Hữu Châu tạo nên khoái cảm âm thanh bằng cách điệp lại chữ “móc”, “móc họng móc hầu”. Vai của anh là khách của quán ăn. Bức xúc trước giá thành mà theo anh là cắt cổ, anh mắng nhiếc Chệt Liếm và quẳng tiền vào mặt người đàn ông gốc Trung Hoa này. Anh cũng không quên lặp lại điệp ngữ “cắt cổ”. Diễn tiến ấy ăn nhập với hình ảnh con dê xuất hiện từ đầu và thường trực ẩn rồi lại hiện trong bộ phim. Đó như một ấn dấu về thế giới Đêm Trắng, về lề lối và thái độ kinh doanh lẫn ứng xử của Chệt Liếm với khách hàng lẫn nhân viên và gia đình mình. Một phân cảnh thật tuyệt diệu! Vẻ mặt trơ tráo, bất chấp sự nhục mạ, mỉm cười và cúi đầu nhặt hết những tờ tiền rơi vãi là một dạng ngôn ngữ không lời đặc sắc. Đó là thuật dùng hình, thuật dùng sự vận động của hình để gửi vào rất nhiều diễn giải về nhân cách Chệt Liếm.
Đó là điện ảnh, là Đảo trên phim. Còn nơi đời sống, trong tất cả các câu chuyện tôi được biết về Hữu Châu thì có một và chỉ một làm tôi ghi khắc mãi mãi. Khi diễn viên Thái Hòa vẫn còn trong những ngày gian khó buổi đầu tạo lập thế đứng, anh đã gọi Thái Hòa đến nhà của mình. Đó là một lời mời đến “Đảo”, “Đảo” của anh. Một nơi che nắng che mưa, cùng những bữa cơm cứu đói. Nhưng quan trọng hơn hết, anh muốn cho diễn viên Thái Hòa một cơ hội để được sống trong không khí làm nghề, được hít thở không khí nghệ thuật.
Khi biết được thông tin này, ngay lập tức trong tôi dấy lên hai câu thơ của nhà thơ Trần Dần:
“tôi khóc những chân trời không có người bay
lại khóc những người bay không có chân trời”
Trong liên hệ này, Hữu Châu là chân trời hay đúng hơn là anh tạo ra chân trời. Và Thái Hòa được là một người bay, một người bay có chân trời. Diễn tiến ấy hay một điều gì tương tự thế nơi đời sống hữu hạn này luôn khiến tôi cảm động.
Và trong Đảo Của Dân Ngụ Cư, anh Hữu Châu lại tiếp tục là chân trời để cho diễn viên Hoàng Phúc được làm một người bay. Phía sau những khung hình là Hồng Ánh và còn nhiều người khác nữa, những người tôi không thể thấy rõ hay nhớ tên. Tất cả họ, trong đó có chị Hồng Ánh cũng như anh Hữu Châu, tôi gọi tất cả bằng cái tên trìu mến, “Người dựng tạo chân trời”.