Tôi chẳng biết Đường Sách ở đâu và cũng không biết nó có từ bao giờ. Lý do giản dị là đã có nhiều hơn một con đường sách trong lòng tôi tại đất Sài Gòn này. Chúng không có danh xưng hay danh phận nào cả nhưng bản chất thì đích thực là một con đường sách. Vậy nên cho đến tận ngày 4 tháng 4 năm này tôi mới lần mò đến đường Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên. Chốn ấy cũng không phải đích đến. Nó chẳng quả chỉ là một trạm dừng, một nơi ghé tạm. Tôi có một người em 9x từ miền Trung vào chơi. Em muốn xuống phố với cái mong muốn cỏn con là “uống một ly cà phê Sài Gòn”. Chúng tôi nhanh chóng thống nhất: Đi bộ vòng quanh quận 1 là cách tốt nhất để nếm được thứ hương thơm ngọt đắng. Đó là nguyên cớ của tôi với cuốn sách này. Phải dài dòng như vậy để thấy tính chất không toan tính trong sự gặp gỡ giữa hai bên.
Tôi hững hờ bước qua các thương hiệu. Cuối cùng cũng phải bước vào một gian hàng. Đôi mắt lướt qua rồi neo đậu vào một cái tên. Đó cũng là cuốn sách duy nhất tôi cầm lên trong ngày hôm đó. Khoảnh khắc tương phùng có ý nghĩa đặc biệt. Trong hàng trăm cuốn sách, tại sao mắt ta chỉ thấy mỗi một? Trong hàng ngàn cô gái, tại sao lòng ta chỉ nhớ nhung một dáng hình? Trong hàng vạn bài hát và muôn vàn khác nữa, tại sao và tại sao… Không thể lý giải, không thể nào lý giải. Định mệnh là 2 tiếng thốt lên bởi một trí óc biếng lười.
Tôi luôn tin vào điềm báo. Trực giác mách bảo phải khuân vác tác phẩm này về Góc O. Nhưng con tim mềm yếu mà tư duy thì lạnh lùng và tàn nhẫn. Dù tôn trọng tác giả và trong ký ức mơ hồ có xuất hiện cái tên này nhưng khi đứng đọc vài trang thì nội dung vẫn chưa đủ thuyết phục được tôi. (Tôi đọc sách không nhiều. Phần lớn sách Văn học Việt Nam, tôi chỉ đọc một cách chủ động những trước tác nổi danh từ 1954 trở về trước). Dĩ nhiên dù nông cạn trong kiến thức về mảng sách biên kịch nhưng tôi biết rõ sách về điện ảnh rất thiếu thốn ở Việt Nam. Quyển này có chất lượng. Nhưng vấn đề là tôi đã đọc qua một số quyển ở nước ngoài, những nơi có nền điện ảnh phát triển hơn Việt Nam. Vậy nên trái tim bảo “có” còn lý trí thì “không”.
Đó là lần đầu tiên, một sự tình cờ, không hoạch định. Còn lần hai thì khác. Lần đầu, 5 tiếng “Đảo Của Dân Ngụ Cư” còn dạt trôi nơi xa nào đó. Còn lần hai, tức 53 ngày sau. Như một cú nổ lớn, như một cơn phun trào. Đảo…Của…Dân…Ngụ…Cư, cái hòn đảo ấy chỉ trong vòng 53 ngày thần kỳ đã trồi lên đại dương, tràn chiếm dung chứa tâm hồn. Vẫn là một chuyến xe, vẫn là những bước chân, vẫn là đường xưa lối cũ. Vẫn là ngã rẽ ấy, gian hàng ấy và sách thì nằm im đó. Như chờ như đợi hơi ấm của một tay quen. Tôi lật trang đến những số cuối cùng. 204 và kho báu hiện ra. Đảo Của Dân Ngụ Cư được in đậm, viết hoa tất cả các ký tự. Bên dưới là co chữ thường, nhỏ hơn: Kịch bản điện ảnh.
Trước đó ở trang 192, biên kịch có chú một câu. “Đây là kịch bản tốt nhất của tôi, nói khác đi đây là kịch bản ưng ý nhất của tôi”.
Ông còn đặt nguyên văn truyện ngắn của tác giả nữa. Tôi nhận ra bên dưới từng câu chữ có sự trân trọng nguồn cấp dữ liệu. Với tôi đó là một sự lạ. Vì văn đàn Việt Nam gây cho tôi một ấn tượng không hề đẹp về sự tôn trọng tác quyền. Dù tôi chỉ là một kẻ đứng ngoài nhưng cứ mỗi khi nghe đến sự so sánh một nhà văn ở xứ này như là một kẻ cắp thì tôi đau đớn. Những dạng tin tức như vậy gây thương tổn còn hơn một tin giết người. Tôi bỏ đọc báo mạng là vì vậy. Rồi tôi dần mất luôn thứ niềm tin mong manh vào đạo đức của những người được gọi bằng 2 tiếng thiêng liêng “nhà văn”, như Phùng Quán đã viết trong Lời Mẹ Dặn.
Giờ thì mọi sự đã khác. Có một thứ năng lượng cuồng si nào đó. Hẳn là tình yêu? Tôi chắc vậy. Thứ năng lượng ấy đang hiện hữu rõ rệt trong mười ngón tay, trong ánh nhìn, qua chiếc kính chắn chuyến xe 14 này. Lòng tôi thấy vui. Tôi giơ sách lên để hứng lấy hơi ấm của nắng chiều.
Thứ ánh sáng ấy (dường như là màu hồng, mắt tôi dường đã nhuộm hồng tất cả), thứ ánh sáng ấy xuyên qua kính và đang…ánh lên…ánh lên.
Nhiên
-12, tức còn 12 ngày nữa đến công chiếu