Ngày mai 17.6 ngay kề Trường Sân Khấu Điện Ảnh sẽ diễn ra một buổi nói chuyện mà nhân vật trung tâm là Nhật Chiêu. Chủ đề được đặt ra là “Sự đọc như một nghệ thuật”.
Trong kho sách của Góc O có quyển Ba Nghìn Thế Giới Thơm viết bởi Nhật Chiêu. Quyển sách này cũng là hình ảnh tiêu biểu cho sự nghiệp của ông, một người chuyên sâu vào đề tài văn học Nhật Bản. Bản thân tôi, dù một chữ Nhật bẻ đôi cũng không biết, luôn cảm thấy trong âm thầm rằng dường như có những khoảnh khắc mình tư duy và hành động chẳng khác gì một người Nhật. Tôi yêu quý văn hóa Nhật, cả những đỉnh cao và vực sâu. Tôi thích nét bất toàn của nền văn hóa ấy. Vậy nên cảm tình của tôi với các quyển sách tinh tuyển về Nhật Bản là một sự không hề khó lý giải. Cũng vì vậy mà danh xưng Nhật Chiêu từ lâu đã là một quý kính chân thực.
Buổi nói chuyện của ông chỉ dành cho một số lượng giới hạn. Tôi biết thông tin hơi trễ và không kịp tham gia. Quả là đáng tiếc! Có lẽ tôi không mong chờ ông nói thêm gì về Nhật Bản. Thứ tôi trông đợi nhất là cách mà người dẫn chuyện hay nhóm tổ chức sẽ sắp đặt buổi này. Đề tài của họ rất hay, rất đáng để nghe và gửi vào lòng những người trẻ. “Sự đọc như một nghệ thuật”. Tức đọc cái gì là quan trọng nhưng đọc như thế nào, đọc với một tâm thế như thế nào cũng không kém phần hơn. Và vì vậy, người đọc cũng như một nghệ sĩ (nếu thực sự họ ý thức điều ấy).
Chẳng biết từ bao giờ tôi đã hình thành một thói quen. Đó là luôn điều tra thật kỹ lý lịch và tiểu sử của một tác giả trước khi đọc tác phẩm của họ. Tôi không bao giờ khước từ cơ hội được học hỏi. Nhưng tôi cũng tỉnh táo để không rơi vào thế giới ngôn từ của họ, một thế giới có thể sáng tươi mà cũng có thể được dựng tạo bởi rất nhiều thành quách của định kiến và kỳ thị. Chính vì vậy tôi rất dễ quý mến những ai dành riêng một phần đặc biệt trong mục lục. Đó có thể được đặt tên là “để đọc được cuốn sách này”. Họ có thể chủ động viết hẳn vài trang dặn dò người đọc cách thâu nhận kiến thức một cách tốt nhất và không quên ghi chú rõ ràng “đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi. Chúng không phải là chân lý và không phục vụ bất kỳ một mục đích tuyên truyền nào”. Bắt gặp những tác giả như thế thì tôi kính phục họ ngay tức thì. Tôi kính phục ở mặt lương tâm của một người viết bất chấp văn tài của họ.
Trên đây là một phần sự đọc của tôi được thành thật bày tỏ. Hẳn nhiên chưa thể dám gọi là “nghệ thuật”. Chỉ là một sự tôi luyện, một sự ý thức tôi luyện. Và vì đã đi vào con đường tôi luyện, nhu cầu gặp gỡ để học hỏi và lắng nghe những bạn đồng đạo, cùng đi trên một đường tự nhiên thành hình.
Không chỉ trong khung cảnh của một người đọc. Tôi còn muốn mở rộng. Sự xem cũng là một nghệ thuật. Xem cái gì thì quan trọng. Nhưng người xem cần phải tự trang bị gì để việc xem được hoàn bị cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn như xem phim. Xem phim gì rõ ràng là câu hỏi ưa được người khác tìm cầu. Nhưng xem như thế nào, cách xem ra sao, người xem phải chuẩn bị những gì… Và còn nhiều câu hỏi nữa… Đó đều là những câu hỏi trọng đại.
Thế giới có hai dạng người. Một sáng tạo. Hai thưởng thức. Một thì luôn ít hơn hai. Tôi tự hiểu mình ở nhóm đông đảo, nhóm thụ động, nhóm thứ hai. Nhưng tôi không muốn mình mãi mãi là hạng người thưởng thức kém phẩm chất.
Một buổi nói chuyện với chủ đề tương tự nhưng đặt trong địa hạt điện ảnh đối với tôi là cần thiết. Chưa bao giờ cần thiết như lúc này. Chủ đề không khác. Chỉ là đổi đi đối tượng. “Làm thế nào để đọc một bộ phim?”. Hay “Làm thế nào để nhìn như một người đạo diễn đang nhìn?”. Hoặc tương tự như đề tài mà các bạn đã đặt ra “Sự xem phim cũng là một nghệ thuật”. Tôi có nhu cầu được lắng nghe và sẵn sàng tham dự như buổi nói chuyện sáng thứ 7 này. Số lượng cũng nên giới hạn. Ít nhưng là một sự gom thâu những con người có thao thức thật sự. Cái ít nhưng chân thật sẽ tạo thành giá trị thực. Những buổi như vậy có thể tiến hành ghi hình để phục vụ cho những bạn không có điều kiện thời gian và địa lý.
Tôi đang trong tháng 6 và nhất quyết không muốn xa rời khỏi quỹ đạo của Đảo, quỹ đạo mang tên Đảo Của Dân Ngụ Cư. Vậy nên buổi nói chuyện trong tâm tưởng của tôi sẽ có những cái tên như “Hồng Ánh”, “Hồng Phước”, “Thanh Tâm”, “Hoàng Phúc”, “Ngọc Hiệp”, “Thái Dũng”, “Duy Linh”, “Đình Phong”, “Tuấn Anh”, “Mạnh Cường”.
Dĩ nhiên tôi không phải là kẻ mộng mơ. Tôi không chờ, không đợi. Tôi đã khởi đi những nhấp tay và bước chạy của mình.
Nhiên,
+7, tức 7 ngày sau công chiếu
16.6.2017