12.6.17

Biển | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +3

Đảo của dân ngụ cư, Đạm Nhiên, Góc O
Khi mà những tràng pháo tay vang dội khắp rạp trong đêm 7 tháng 6, tôi vẫn còn ngồi im. Quả là không được lịch sự cho lắm! 

Đôi mắt bấy giờ bám chặt vào những ký tự trên màn hình. Thói quen của tôi là vậy. Tôi luôn tập trung xem phim đến những phút cuối cùng. Chữ bay lên với tôi chưa phải là sự kết thúc. Tôi theo dõi từng cái tên trong nhân sự đoàn phim cứ lần lượt thay nhau xuất hiện. Tôi duy trì cảm giác chờ đợi. Biết đâu sẽ có thêm phần vĩ thanh?

Chiều 9 tháng 6, tôi thong thả tản bộ trên con đường đến rạp. Trước giờ chiếu, tôi ngồi nhìn mặt hồ yên lắng nơi công viên gần đó. Sự thong thả và mặt hồ giúp tôi tạo nên khoảng trống trong tâm trí. Nhờ vậy mà việc xem phim sẽ hiệu quả hơn. Dự định của tôi là sẽ xem cả thảy 4 lần. Bốn lần đến rạp chỉ vì một cái tên. Chưa bao giờ tôi thực hiện một điều tương tự.

Tôi mới chỉ hoàn thành nửa kế hoạch. Vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì. Nhưng tôi nghĩ rằng biển, những phân đoạn có hình ảnh biển đóng vai trò then chốt trong Đảo Của Dân Ngụ Cư. Biển hay chính xác hơn là “việc đi biển của Chu” đó là tình tiết hóa giải nút thắt lớn nhất của Đảo. Nếu được vỗ tay thì tôi muốn vỗ tay ở cảnh biển, ở cách dàn dựng cảnh biển. Tôi muốn được đứng lên để vỗ thật lớn, thật lâu. Đó là trường đoạn đẹp nhất, hay nhất và tuyệt diệu nhất đối với tôi trong toàn bộ mạch dẫn của câu chuyện. Thực tế là cứ mỗi khi nhớ lại cách dựng cảnh, cú quay đưa con sóng phủ lấp khung hình là tôi lại muốn vỗ tay. Âm vang va đập của đôi bàn tay cứ thế, cứ mãi lốp bốp trong lòng.

Ở truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến không có cảnh “đi biển”. Biên kịch Nguyễn Quang Lập đã sáng tạo diễn tiến này. Tôi đọc cả hai bản văn và bản kịch. Tôi nằm lòng tất cả. Đến khi xem, tôi chứng kiến thêm bản dựng của chị Hồng Ánh. Chị đã nhân đôi cảnh ấy. Một đặt ở đầu phim. Hai đặt ở cao trào. Điều hay nhất là chị đã tạo nên sự huyền ảo. Thực đó mà cũng là mộng đó. Có thêm cảnh chèo ghe. Chệt Liếm xuôi tay rẽ dòng đưa con gái ra khơi chừng. Hai hình hài lướt đi trên dòng sinh tử. Sinh đó mà cũng có thể tử đó. Huyền ảo là vậy. Mộng và thực. Tử và sinh. Cũng như chẵn và lẻ nơi ván bài của Miên và Phước.

Khuôn mặt, ánh mắt và hình thể của hai cha con tương phản cực độ giữa một biển trời bát ngát… Rồi một cú giật tay quay, tầm nhìn vút lên cao…Tất cả đã khác đi rất nhiều so với kịch bản ban đầu. Đó chính là “tính chất không bao giờ đoán được”, nét hấp dẫn nhất của điện ảnh, kịch nghệ hay văn chương. 

Tôi rất thích cách đạo diễn đã sử dụng hình tượng biển trong phim này. Với tôi, đó là thực là “kỳ quan” trong lần xem thứ hai. Vẫn còn có quá nhiều mỹ lệ nơi Đảo!

Nhiên.
+3 tức 3 ngày sau đêm công chiếu
12.6.2017


(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)

*Ảnh của bài được chụp từ nguồn phim của Blue Productions