28.6.17

Miên Tình Ca | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +19

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên, Phạm Hồng Phước, Thời Thanh Xuân Sẽ Qua 2

“Miên” trong tiêu đề bài nhật ký này hẳn nhiên không phải là tên nhân vật trong Đảo Của Dân Ngụ Cư. Miên cùng Nhan Phúc Vinh sẽ được đào sâu vào một dịp khác. Miên mà tôi muốn nhắc tới là một âm Hán Việt với tầng nghĩa phổ thông là “ngủ”. 



1.

Phải nói là tôi yêu quý tâm sở này, tâm sở mang tên “Thụy Miên”. Cái tên ấy thực là mỏ vàng, nhất là cho những người như tôi, thích suy xét mình, thích nội soi bản chất và quy luật của những trầm tích nơi 8 tầng linh hồn.

“Một giấc ngủ dài sâu”, tôi đã nghe ai đó đã bật ra sự diễn giải ngay tức lự khi nhắc đến 2 chữ “Thụy Miên”. Với người khác có lẽ như vậy là đã đủ. Nhưng với tôi thì không! 

Thụy sánh đôi Miên, biểu hiện của gật gù, mơ màng, đờ đẫn hay bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng không tỉnh táo đều là những ấn dấu hệ trọng. Ghi nhận tất cả các trạng thái Thụy Miên là một yêu cầu bắt buộc cho tiến trình suy xét tâm hồn. Thụy Miên, theo những gì tôi được học, là một dạng tâm sở bất thiện, thuộc vào nhóm Hôn, viết đầy đủ là Tâm Sở Hôn Phần. Hiểu biết về Thụy Miên, nhận ra đường đi nước bước của Thụy Miên có ảnh hưởng rất lớn đến “sự nghiệp” của tôi, sự nghiệp TỰ SUY XÉT. Nếu buông lơi, thiếu sức canh chừng “ý trung nhân” mang tên Thụy Miên này, một nhơn tình thích chơi trò cút bắt, thì khó lòng tôi có thể tiến lên nấc thang của sự chuyên nghiệp.

Miên với tôi quan trọng như vậy đó! Miên ấy thuộc về trạng thái nơi thân và cả tâm nữa. Miên của tôi sẽ khác với Miên của Ánh, Miên của Phước. Mỗi người sẽ có một kiểu Miên, một dạng Miên khác nhau. Tôi không biết người chị ấy hay người em ấy có thích suy xét Miên của họ hay không. Tôi thì thích lắm! Tôi còn đã lỡ trót yêu công việc đó. Nhưng quá trình lao động này (quá trình theo đuổi Miên) thật sự rất là vất vả, nguy nan! Vì lẽ là rất dễ mất dấu Miên, rồi từ đó sanh ra chán nản, buông xuôi. Cuối cùng là vô vọng! Rơi tỏm vào hạng nghiệp dư, hạng phong trào. 


2.

Miên bên ngoài thì khác, khêu gợi hơn, quyến rũ hơn, dễ xuyến xao, dễ phải lòng và luôn gây nên những mộng ước huy hoàng. Tôi đang viết về một Miên khác, một Miên hoàn toàn khác, một Miên được bao nhiêu lớp người nhớ ghi và ngân xướng. Ấy là Miên Tình Ca.

"Cụm từ này có từ bao giờ?", tôi cũng chẳng biết nữa. 

Miên Tình Ca! Miên Tình Ca!

Hẳn là chỉ những ai đã rơi vào vòng xoáy yêu đương với dòng nhạc này, với những bài tình cho giai nhân của Ngô Thụy Miên mới nắm rõ! Ước ao của tôi là được gặp một trái tim như thế! Yêu Miên như yêu mình. Yêu Miên hơn cả yêu mình. Có thể họ sẽ tỏ bày cho tôi hay. Còn trong trí nhớ có phần hỗn độn mơ ngủ, dường như tôi đã từng được nghe một album hẳn hoi. Miên Tình Ca, một tuyển tập những bài hay nhất của Ngô Thụy Miên. 

Những ngày ấy, hình như thanh bình hơn bây giờ. Những ngày ấy, không có mạng xã hội. Những ngày ấy, con người khó đến với nhau hơn. Những ngày ấy, thư tay vẫn còn là một thói quen phổ biến. Tôi đã nghe Miên Tình Ca trong một chiều không thời như thế. Nghèo và cô đơn! Thiếu thốn tiện nghi lẫn ái dục! Bất hạnh gánh vai đói kém! Có lẽ vì vậy mà bao nhiêu khao khát dồn chứa vào nhĩ căn. Và tâm hồn tìm thấy một nẻo khác. Hoan Ca. Êm ấm. Sum Vầy.


3.

Tháng 6, Sài Gòn tôi xa rồi trở lại. Chút yên bình của làng quê biến tan hoàn toàn trước ồn ã mai phục. Bất ngờ lớn nhất là tôi lại gặp được Miên. Cũng tên là Miên đó. Nhưng cũng là một Miên khác, rất khác, một Miên cất lên từ cổ họng của chàng trai mang tên Phước. Phước thuộc về Đảo. Mà Đảo là tình yêu, là cơn bão lòng! Thật dễ dàng để chuyển dời tình yêu lớn sang tình yêu nhỏ, thứ cảm tình nằm trong cảm tình! Vậy nên chẳng gì do dự, đắn đo để tôi bắt đầu dõi theo Phước, Phước thuộc về Đời. 

"Bài hát hay!", tôi có thể không ngại mà nói to điều ấy. Dù mù điếc về âm nhạc nhưng những hình ảnh của một mối tình già làm tôi rung động. Tôi nhớ đến Hoàng Cầm của tôi, nhớ đến “Nếu anh còn trẻ như năm ấy”. Tôi nhớ đến Quang Dũng của tôi, “có những vợ chồng không là trăm năm”. Tôi nhớ đến Phạm Duy với “Nắng chiều rực rỡ”, với lời hứa “đưa em về nhà”. 

“Tình già” có lẽ không phải là một cái tên hay về mặt ý từ. “Tình Cầm” hay “Hoàng Cầm Ca” có vẻ xứng tầm hơn. Nhưng cái tên nào cũng vậy thôi! Giờ thì tâm trí tôi đã nhớ mong nơi ấy, thuở ấy mất rồi. Còn trái tim thì dậy sóng, dậy sóng trong cơn viễn mộng được xuyên không. Tiếng hát của Phước thực là phép màu… để tôi vượt trùng dương… vượt mây ngàn…về với mùa xanh xưa.


4.

“Trà, hoa, tình ca Ngô Thụy Miên
Đôi ta từng nghe, những ngày hè vô tư”

Mùa hè năm ấy, những ngày hè vô tư hẳn phải là mùa mưa tháng 5, tháng 6. Ở miền Nam, chỉ có hai mùa. Vậy nên nói hè tức là nói đến mùa mưa. Có lẽ cặp đôi Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau hát ca, xoay mình dưới cơn mưa hè tháng sáu. Miên Tình Ca thuộc về không gian của những đô thị miền Nam. Hẳn là dòng nhạc ấy đã càn lướt đôi tai của bao nhiêu nam thanh nữ tú qua "công nghệ không dây". Ngày đó, phát thanh vô tuyến là kênh dẫn truyền vô địch. Chắc chắn thứ sóng âm ấy đã là đường bay cho Miên Tình Ca. Còn một lối khác nữa, vững chắc không kém, ấy là những phòng trà khắp trung tâm Sài Gòn. Cuối thập niên 60, và nhất là đầu những năm 70 của thế kỷ XX là mùa xuân của Miên, là thuở hoàng kim rực rỡ.

Thế cho nên, dù đã nghe đến thuộc lòng, dù đã thử ngồi hát lại “Thời Thanh Xuân Sẽ Qua 2” của Phước, dù đã lỡ yêu khúc ca này, trong tôi không thoát khỏi một niềm lấn cấn.

Câu chuyện tình mà Phước, vì sự quý kính mà đã sửa lại lời bài hát gốc của mình cho phù hợp, lại diễn ra trong thập niên khác. Nếu tôi không lầm thì quân nhân người Nhật đã yêu cô gái Việt vào cuối thập niên 40. Tình yêu của họ chín tới trong thập niên 50. Bối cảnh lúc bấy giờ là miền Bắc. Miên Tình Ca không thể như ước nghĩ nội tại. Miên Tình Ca không thể vượt qua biên giới không gian và thời gian trong thời kỳ chia hai Quốc-Cộng. 

Những bài tình cho lứa đôi trong bối cảnh thập niên 40, 50 tại miền Bắc có lẽ không thể nào khác ngoài Đoàn Chuẩn. Vẫn là trà, vẫn là hoa, còn tình ca được bật lên trong những ngày hè có lẽ phải là Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, là Lá Thư, là Chuyển Bến …


5.

Viết ra vậy thôi…chứ tôi không muốn gây phiền nhiễu đến Phước. Chút lấn cấn này là quá nhỏ nhoi so với một niềm ước khác. Đó là Phước sẽ tiếp tục với hướng đi mà vô tình hay hữu ý nhạc sĩ Đức Trí đã khẳng định. Người phổ nhạc cho văn xuôi và thơ phú.

Đừng rời chân khỏi Trạm Dừng này! Đảo của Phước chính là đây. Đừng đi đâu khác nữa. Hãy nối tiếp theo những “Truyện Ca”!...

Như Phạm Duy đã từng...

Tôi còn muốn nhắc đến Thạch Lam. Tôi còn chờ mong tất cả những áng văn ấy được Phước phục dựng bằng những tang tình. 

Phước có thể gọi Chu nơi Đảo. 
Còn tôi...
...tôi đang gọi Phước đây.

Đạm Nhiên
28.6.2017

~~~

*nguồn ảnh đầu trang: trích từ Trailer "Đảo Của Dân Ngụ Cư"

*bản demo bài "Thời Thanh Xuân Sẽ Qua 2" được ghi âm đúng một lần duy nhất trong thời điểm trước bài nhật ký trực tuyến này. Chất giọng phô chênh, thiếu thốn phẩm chất nhưng lại riêng mang niềm yêu thích thành thực hướng về tác giả.