9.6.17

A-X-C | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +4h

Đảo của dân ngụ cư, Đạm Nhiên, Góc O
Thứ 6 ngày 9, nghĩa là ngày chính thức ra mắt “Đảo của dân ngụ cư”, tôi đi xem thêm một lần nữa. Vì là lần thứ hai nên tôi có sự chuẩn bị tốt hơn về mặt tâm ý và cả cơ thể nữa. 

Tôi đi bộ đến rạp. Thói quen đi bộ và bus trong phần lớn các hoạt động tôi đã duy trì được gần một năm nay. Là một người thiếu định tâm, tôi chọn kỹ thuật đếm số để an tĩnh. Nhưng khi đến khoảng hơn 500 bước, tôi thấy sự dao động của mình còn to lớn hơn. An ổn đâu không hiển hiện mà chỉ thêm phần căng thẳng. Rõ ràng bây giờ và thật ra là chưa bao giờ sổ tức quán phù hợp với tâm thức của tôi. Vậy là tôi chuyển sang sự thả lỏng, tôi không chú ý nhiều đến bước chân hay tốc độ gì nữa. Đi sao cho thoải mái, không nhanh, không chậm là được.

Con đường hôm nay lại đúng nguyên con đường đến trường THCS của tôi ngày bé. Vừa có chút cảm giác xuyên không mà cũng đồng thời y đúc tâm thế của tôi khi lần dò đến tác phẩm điện ảnh này. 

Vâng, hôm nay tôi đi thăm Đảo. Tôi không phải đi để giải trí tiêu khiển hay ủng hộ ai cả. Tôi chẳng phải đi để chứng tỏ mình am hiểu dòng phim nghệ thuật nước nhà. Tôi chẳng biết gì về điện ảnh. Tôi đi như một giải cứu cho sự thiếu thốn giáo dục của mình. Hôm nay, tôi đi họcVà thứ mà tôi có thể tiếp thu nhanh nhất chính là những khuôn mặt, có sáu khuôn mặt trong bộ phim này. Tôi nhanh chóng yêu mến cả sáu. Tôi yêu mến sự đa diện, yêu mến tính đa diện, yêu mến cách thể hiện sự sống, sự tồn tại, cách thể hiện sự yêu thương và nỗi đau của họ. Tôi yêu mến sáu con người vì một chữ "yêu" mà thành ra điên đảo. Ái tình lục diện, sáu biểu hiện của tình yêu, bốn tiếng ấy đang trôi nổi trong lòng tôi.

HOÀNG NHÂN

"Cao" trong kịch bản chuyển thể là người gốc Ấn Độ, theo đạo Phật và lấy chân lý diệt khổ để cứu vớt đời mình. Ở phiên bản điện ảnh, tên của ông được đổi thành "Ahmed" (diễn viên Hoàng Nhân). Gần 100 phút bộ phim, nhân vật này hầu như không có một hành động nào nổi bật. Ông im lìm, như một kẻ tàng hình. Ông không tham gia, không góp dự vào những biến động kinh khiếp của nhà hàng Đêm Trắng. Ông như một đầy tớ trung thành, an phận, chấp nhận làm một chứng nhân kham nhẫn. Nhìn vào thế ngủ của ông, tư thế cát tường, tôi vẫn nghĩ ông là Phật tử. Tôi cứ đinh ninh rằng vai diễn này là hiện thân của tinh thần bất bạo động. Đó là lần xem thứ nhất. 

Ở lần hai, tôi suy tư nhiều hơn vào vào bộ pháp phục của ông. Rồi chiếc nón trên đầu, cái cách ông phủ phục và hướng về một phương huyễn nào đó. Kinh tụng mà miệng ông râm ran tôi không rõ là ngôn ngữ gì. Cả cuốn kinh cũng bị nhòe cũ. Xâu chuỗi lại tất cả cộng thêm cái tên Ahmed, tôi bừng tỉnh. Tôi đã sai lầm rồi. Hướng mà ông kính lạy hẳn là Mecca. Mong ước của đời ông hẳn là một lần hành hương trở về thánh địa. Còn quyển sách kia không nghi ngờ gì nữa, nó là Quran. Ông là một người Hồi chính hiệu, có thể là Huyền Hồi (Sufism), một đạo giáo mà tư tưởng và đường lối rất gần với nhà Phật. Cái bất động và nhợt nhạt của ông theo tôi là cần thiết và không dư thừa chút nào. Chính nhờ đó mà người ta mới thấy những tương phản ở năm khuôn mặt còn lại. 

Về mặt tình yêu, thân thể vật lý của ông hóa hiện nơi cõi tạm, còn phần tinh anh linh hồn đã dâng hiến cho một khung trời thẳm xa nào đó. Tình yêu của ông là thứ tình yêu với bậc tiên tri. Đó là điểm tựa tâm linh, là nguồn sống. Quy y nơi ấy, ông vượt thoát khỏi cái thực tại bất nhân, điêu tàn.


NGỌC HIỆP

"Xiếm Hoa" được thể hiện bởi NSƯT Ngọc Hiệp. Khi nghe đến tên gọi “Xiếm Hoa”, tôi tập trung ngay vào “Xiếm”. Tôi không hiểu nó là gì. Chẳng tìm được manh mối, tôi phỏng đoán đó giống như là “mụ” hay “cô”, cách gọi một người phụ nữ đứng tuổi. 

Khi lần đầu tiếp cận thông tin về dàn diễn viên, đọc thấy cái tên Ngọc Hiệp thì tôi không có chút băn khoăn nào. Chị là ước mơ, là thần tượng một thời của muôn ngàn cặp mắt. Giờ đây, chị đã thuộc vào nhóm thực lực. Tôi đoan chắc với sự dày dặn và đẳng cấp, chị sẽ hoàn thành phần việc của mình. Thực tế là chị đã hóa thân tuyệt vời. Sự khúm núm, cam chịu trong sống lưng, trong ánh mắt, dáng nằm co quắp như con tôm luộc và tiếng hát đứt quãng từ một cổ họng khều khào. Mọi thứ thuộc về chị vẫn đang in hằn trong trí óc của tôi lúc này.

Về danh hiệu, Xiếm Hoa là vợ. Còn thực tế những khuôn hình hiện lên phận số của một kẻ tôi đòi. Xiếm Hoa bao thầu hết mọi công việc, chăm sóc thân thể, chăm sóc giấc ngủ của ông chồng hờ và đứa con khuyết tật. Người phụ nữ ấy quán xuyến cả phần tính toán thu chi, kiểm kê thực phẩm. Từ bao quát đến những gì li ti, không nơi đâu thiếu đi bóng dáy ốm o gầy gò của cô. Và sức nặng kim tài của cái quán ăn chỉ huyên náo về đêm này thực chất là do một tay Xiếm Hoa chống đỡ. Ấy vậy mà cô không có gì. Không tiền, không tình. Cô là con số không lạnh lẽo. 

Tình yêu của nhân vậy này chỉ còn lại chữ “nghĩa”, nghĩa vợ chồng. Chính giềng mối ấy mới đủ khiến cho Xiếm Hoa kiên trung chịu đựng qua bao đêm. Mà đêm ở Đảo là đêm trắng. Đúng như tên gọi của quán ăn và cũng đúng như bản chất tiềm ẩn bên trong cái lồng gỗ ấy. Đêm trắng là đêm không ngủ, là đêm chờ sáng, chờ một bình minh rực rỡ, thứ bình minh dường chẳng bao giờ hiển lộ. Bất hạnh thay, Xiếm Hoa đã quên mất mình chờ đợi cái gì. Cô chẳng đợi cái gì, chẳng còn ý thức là mình đang đợi một cái gì.

Thương cảm tột độ của tôi rơi hết vào Xiếm Hoa. Tôi tin rằng bên ngoài hiện thực xã hội có rất nhiều những Xiếm Hoa như thế. Cả xưa và nay. Vẫn còn đầy rẫy những Xiếm Hoa như thế. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biết thêm một người phụ nữ mà đời họ chỉ là để tảo tần nuôi con, nuôi chồng. Tôi sẽ không có gì bất ngờ nếu khám phá thêm một trường hợp cột trụ kinh tế cho cả một gia đình hay dòng họ là một người đàn bà. Có thể họ không trực tiếp tạo ra dòng tiền nhưng chính họ, chẳng biết học hỏi từ đâu, lại tự đào luyện cho mình cái năng lực phân bổ dòng lưu kim, dệt tạo sự lành mạnh cho đời sống tài chính của gia tộc. Không có những Xiếm Hoa như thế, không có những âm thầm thu vén, âm thầm lo toan thì làm sao nền kinh tế vĩ mô ngoài kia có thể đứng vững. Tôi kính trọng vai diễn này vô cùng.

HOÀNG PHÚC

"Chệt Liếm" (diễn viên Hoàng Phúc) là lão gia, là ông trùm, là bố già của Đêm Trắng. Với tôi, đây là vai diễn nặng ký nhất. 

Chữ “Chệt” trong tên gọi của nhân vật này để lại một thắc mắc không hề nhỏ. Dò theo nguồn gốc Hạ Môn, tôi hiểu ra trong tiếng Phúc Kiến, “Chệt” là phát âm đọc trại đi từ “a chệt” nghĩa là thúc (叔), tức chú. Cái tên với địa lý mà nó thuộc về là dự báo cho cách sống, cách quản lý tài sản và cách yêu thương của nhân vật này. 

Về điều hành công cuộc kinh doanh, thật ra ông chẳng làm gì. Vợ ông đã làm tất cả. Ông chỉ là kẻ giữ chiếc chìa khóa, là khuôn mặt đại diện cho thương hiệu Đêm Trắng. Hay nói khác đi, không gian ấy chỉ là sàn diễn chữ T để ông canh giờ, đến hẹn thì lại tới lui mấy lượt. 

Về cách sống, ông là giống nòi thượng đẳng nhưng sự thực sự thì ông chỉ là cái xác khô. Hồn đã hoại tử. Tình yêu đã biến mất trong trái tim gã đàn ông Trung Hoa này. Ám ảnh, dằn vặt, bi ai, muôn nỗi hoài vọng không thành đã thêu đốt Chệt Liếm. Người không phải người. Bước đi và hít thở như một loài ác quỷ. Biểu cảm trong ánh mắt của Hoàng Phúc gây nên ấn tượng kinh khiếp. Đó là một ánh mắt băng giá, vô hồn, ánh mắt của thú ma. Bên trong ông gãy vụn, đã bại liệt. Kẻ tật nguyền thực sự trong “Đảo của dân ngụ cư” chính là con người này.

Trường đoạn cuối cùng ở nhân vậy Chệt Liếm là đỉnh điểm trong ngôn ngữ điện ảnh. Chệt Liếm ngồi bất động, hóa đá trên chiếc xe lăn của con gái mình. Với tôi đó là một kết thúc thần sầu, một sự dàn dựng hoàn mỹ. Chỗ ấy quả là dành cho ông. Người xứng đáng nhất với chiếc xe ấy không phải Chu mà chính là ông. Viết về vai diễn này còn có bao điều tâm đắc nhưng như vậy thì phải bắt buộc tiết lộ thêm tình tiết. Đây là việc không nên chút nào. Phim vẫn đang công chiếu, dù không phải nhà báo, nhà văn, nhà phê bình điện ảnh nhưng tôi hiểu rõ văn hóa chia sẻ, văn hóa viết những bài được gọi là “nhìn lại”. 

Xin được tóm gọn về diễn xuất cho vai này, “Đỉnh cao”. 

Tôi sẽ viết về 3 nhân vật còn lại trong một bài khác.

Nhiên, 
+4h, nghĩa là 4 giờ đồng hồ sau khi tôi xem phim lần thứ 2
9.6.2017


::: ::: ::: Trở về mục lục ::: ::: :::
(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)