28.8.18

Truyện ngắn | CCC#3

Chiều, tôi ra Tao Đàn ngồi đọc tập truyện ngắn này.

Sách vừa mới xuất bản không bao lâu. Chẳng biết có ai thích phim này rồi như tôi không nữa. Hoặc không thích mà cũng có xu hướng này. Tìm về căn nguyên. Cả một bộ phim lớn kinh phí hằng tỉ đồng bắt nguồn từ vài hàng chữ này, hàng chữ nguyên thủy.

Chỉ có chưa tới 100 trang. Thời gian hoàn tất việc đọc vì vậy cũng chóng vánh. Có những truyện đơn sơ vô cùng. Có những chuyện dài hơn một chút. Nhưng vẫn chưa cho tôi cảm giác say mê. Điều tôi nhận thấy rõ nhất là anh, đạo diễn Lương Đình Dũng rất trân trọng giá trị của gia đình. Toàn bộ chuyện anh kể chỉ xoay quanh đề tài này. Cha Cõng Con, tên chung và cũng là tên riêng được tìm thấy ở trang 92. Đó là câu chuyện áp chót. Sau cùng là trang 96, trước đó là 85, hai câu chuyện nữa hiệp thành bộ ba khiến người đọc hình dung ra bản phác thảo ban đầu của bộ phim điện ảnh Cha Cõng Con về sau.

Ở trang bìa, tôi đọc được một hàng chữ, có lẽ là của người biên tập của NXB Kim Đồng. Biên rằng, “trong dòng văn mộc mạc và giàu chất điện ảnh của Lương Đình Dũng…”. Tôi cảm thấy thú vị lắm. Mộc mạc và giàu chất điện ảnh, đó chính là ước mơ của tôi. Vì đạt được 2 phẩm tính này thì nghĩa là điều tôi viết ra đã trở thành một kịch bản điện ảnh rồi, hoặc ít ra là đã sát gần với kỹ thuật biên chép một kịch bản điện ảnh. 

Viết văn thông thường thì như thế là chưa đủ, phải có thêm tự sự, độc thoại nội tâm, diễn bày chi li tình cảm riêng mang. Với tôi thì quyển sách bé nhỏ này có một ý nghĩa duy nhất. Đó giống là một vật dẫn, gìn giữ một tương giao âm thầm giữa tôi và đạo diễn.

Hy vọng là trong một tương lai gần hoặc theo tôi lẽ ra là đã phải sớm hơn, một ấn phẩm, không phải là văn học mà là kịch bản của bộ phim cùng tên đã ra mắt. Tương tự như trường hợp Đảo Của Dân Ngụ Cư, ngay trong thời gian công chiếu, tôi đã đọc được kịch bản từ một quyển sách của biên kịch Nguyễn Quang Lập. Có lẽ việc in ra kịch bản của một bộ phim ngay khi phim hãy còn công chiếu hoặc cách sau đó một khoảng thời gian hãy còn là một sự mới lạ, chưa tiền lệ tại Việt Nam. 

Ở thế giới Anh Ngữ thì khác. Gần đây nhất, có bộ phim Three billboards outside Ebbing Missouri, tôi không hề gặp khó khăn nào để sở hữu tập kịch bản. Hạ tải, tự in đúng khổ chuẩn kịch bản, đóng bìa cứng. Thế là vừa xem phim tại rạp, tôi đồng thời có dịp hiểu sâu hơn về cấu trúc xây dựng nên tình tiết của bộ phim này. Diễn tiến này có lợi cho cả 2 bên. Phim trở nên đáng xem hơn nhiều phần. Và tình yêu trong tôi dành cho phim cũng tăng tiến. Hẳn nhiên, khi đã có kịch bản, tôi tự hiểu mình cần viết ra điều gì để không trở thành một khán giả mất nết và thiếu văn hóa điểm phim.

Mong rằng trong tương lai không xa, các nhà làm phim Việt Nam sẽ có một cái nhìn khác về việc in ấn kịch bản và giới thiệu rộng rãi đến khán giả. Tôi nghĩ họ không mất mát gì nếu không muốn nói là sẽ có thêm nhiều khán giả hơn nữa, một lớp khán giả yêu ghét công tâm, kiên nhẫn và khát khao tri thức.

#Nhiên