15.8.18

Tôn trọng cảm xúc | Cyclo#2

Trần Anh Hùng, Đạm Nhiên, góc O, góc Nghệ
Trong 6 phim của đạo diễn Trần Anh Hùng, tôi nhớ loáng thoáng đã từng xem Mùi Đu Đủ Xanh trên truyền hình. Cuối thập niên 90 hay đầu những năm 2000. Khoảng ký ức đã mờ xa. Phim thật sự tôi chủ động theo dõi là Rừng Na Uy. Khi đó cảm giác chỉ là thinh thích. Tôi nghĩ có lẽ tình cảm lây lan từ suối nguồn văn học.

Sau khi xem xong, tôi tìm đọc thêm những bài phỏng vấn xoay quanh tác phẩm này. Lưng vốn kiến thức của tôi về Trần Anh Hùng vì vậy không nhiều lắm và cũng dừng lại từ ngày đó. Thế nên buổi sáng ngày 5.8 vừa qua tôi nghĩ mình đã đến buổi tọa đàm của anh với một sự trắng trơn, trong vắt và phẳng lặng. Biết nhiều cũng tốt và biết ít hoặc không biết gì cũng có mặt lợi. Tôi ngồi tập trung hoàn toàn vào sự lắng nghe vì tin rằng có lẽ với điều kiện như mình thì cơ hội này chỉ một và không còn lần nào nữa.

Anh bắt đầu bằng 2 mẫu chuyện về Picasso như một cách để khơi gợi cảm hứng về phía khán giả. Từ mở đề này anh dẫn đến một đúc kết khiến tôi ngạc nhiên xen lẫn hân hoan vô cùng. Vì là những lời anh trùng khớp với một điều mà tôi đã xác quyết trong những ngày đi xem vở Nửa Đời Ngơ Ngác:


Hẳn nhiên, câu chữ từ anh sẽ khác đi ít nhiều. Nhưng ý chính vẫn vậy. Là một khán giả, một người thưởng thức cũng cần phải học. Và thiết nghĩ sự học nơi một người thụ hưởng nếu thật sự nghiêm túc thì cũng không kém không hơn về mặt khối lượng và thời gian so với người sáng tạo. Đầu tiên là văn hóa ứng xử. Thứ hai là sự cảm thụ tác phẩm. Trong buổi này, Trần Anh Hùng, dĩ nhiên, tập trung hoàn toàn vào chuyên môn của anh, gieo vào lòng người những khát khao thầm kín về một ngân vang được gọi rất khẽ, “ngôn ngữ điện ảnh”.

Trong thời gian trước đó, thời gian ngồi chờ anh đến, tôi đã đoán rằng hôm nay thể nào cũng nhắc đến Murakami. Chẳng ngờ diễn tiến không khác sự tiên liệu. Câu hỏi đầu tiên của một khán giả đã đề cập đến nhà văn người Nhật này. Lần lượt sau đó trong các phần giảng giải của mình, Trần Anh Hùng nhắc đến các bộ phim của mình. Tôi không chắc anh có kể hết cả 6 phim hay không. Nhưng theo trí nhớ có thể sai sót của mình thì số lần từ khóa #Cyclo và #MùiĐuĐủXanh xuất hiện là nhiều hơn cả. 

Cách đó 2 ngày, tôi cũng ngồi nghe một đạo diễn khác là anh Leon Quang Le. Đó cũng là một buổi, với tôi, là tràn đầy sự sảng khoái và ích lợi. Nhưng không hiểu sao trong đêm đó, tôi lại không ghi âm. Còn ở buổi này, trực giác khiến tôi phải nhanh nhẩu bấm ngay nút “Record” khi chương trình vừa bắt đầu. Tôi chưa từng nghe bất kỳ một buổi nói chuyện nào của Trần Anh Hùng. Nhưng trực giác đã đến, choàng tới, lấn lướt mọi lý lẽ của trí óc. Và chỉ ngay trong những ê a đầu tiên, chất giọng mềm, thanh và nhẹ nhàng của anh đã thuần dưỡng tôi. Hoàn toàn. 

Diện mạo của anh không hiểu sao lại khiến tôi liên tưởng đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Nói riêng là vậy và nói chung là một nhắc nhớ đến những người con trai gốc Thăng Long của những năm 20, 30 thế kỷ trước.

Trong toàn bộ dòng âm thanh từ vị đạo diễn Pháp gốc Việt này, hầu như ở mọi ngắt khúc bất kỳ nào cũng đều có những thông tin xứng đáng để tôi phải gìn giữ và chiêm nghiệm. Nhưng nếu được chọn và biểu đạt thành lời một trích đoạn khiến tôi nhung nhớ nhiều nhất thì sẽ là...

..."Tôn trọng cảm xúc".

Đó là nguyên văn lời của anh. Tôn trọng cảm xúc mà cảm xúc ở đây chính là cảm xúc của chính mình. 

Tôi đã từng quan sát và chứng kiến không biết bao nhiêu lần một diễn tiến sau đây. Một khán giả khi xem xong một bộ phim hay thụ hưởng một hình thức nghệ thuật nào đó. Nếu họ không hiểu được, không hấp thụ được thì họ rất dễ dàng bộc lộc những nhận định của mình. Ví như, “Tôi là người đơn giản. Và tôi cần sự giải trí. Cái gì làm tôi cười là được”… Đó là một dạng biểu đạt nhẹ nhàng nhưng là một cú đánh sập hoàn toàn, một sự ngăn lối kiên cố cho bất kỳ điều gì không làm cho họ giải khuây ngay tức khắc. Nghĩa là điều gì không khiến cho họ thoải mái, khóc ngay, cười ngay, cái gì bắt ép họ phải động não thì lập tức có sự chống đối. Tâm lý phòng thủ ngay lập tức được dựng lên. Và có khi rất nhiều ngôn ngữ khó nghe sẽ được họ thốt ra. Họ quay sang công kích vào tác phẩm, vào những con người đã tạo ra tác phẩm khiến cho tư duy của họ phải làm việc và rối bời trong suy nghĩ. Có khi bỏ qua luôn cả tác phẩm, họ quay sang tấn công vào cuộc đời của những người đã tạo ra tác phẩm. Tâm lý phòng thủ này cộng thêm tính bầy đàn làm nên một cơn lốc, một dạng cuồng phong ngôn từ thật sự. Tất cả những điều này không cho thấy thông tin gì về tác phẩm hay người sáng tạo mà lại mô tả rất chân thật bộ óc và trái tim của người thưởng thức.

Thay vì ngay lập tức rủa sả, phóng thích năng lượng chống đối, cần thiết làm sao (cần lắm) một thái độ kiên nhẫn, bình tâm và cầu thị. Cái ta đang nói là sự mô tả rõ ràng nhất về ta. Hay thật ngắn gọn, “mình là những gì mình nói”, “mình chính là bình luận của mình”.

Tôi đã quan sát và chứng kiến bao nhiêu lần diễn tiến vừa kể. Làm sao để tìm được một phát ngôn khác, một tâm tư khác, một cách tiếp cận khác khi đứng trước một tác phẩm hay một hình thức diễn đạt mà ta không hiểu, không cảm được ngay tức thời? Làm sao tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, một lối rẽ của tư duy khác với những gào rú và điên loạn của tâm lý phòng thủ và tâm lý bầy đàn?

Những thắc mắc đó của tôi đã tìm thấy ánh sáng trong ngày chủ nhật của tháng 8. Bình minh đã về trong chỉ 4 tiếng gọi:

- Tôn trọng cảm xúc.

Đó là lối diễn ngôn khúc chiết và tối giản của đạo diễn Trần Anh Hùng trong phần trả lời cho một thính giả. 

Tôi xin đánh máy lại toàn bộ mẫu đối thoại giữa 2 người và giữ làm phần kết cho bài nhật ký này.

Câu hỏi của người bạn tuổi nhỏ có thể tóm tắt như sau. Khi mình chỉ là một khán giả bình thường. Mình không có tham vọng trở thành chuyên gia. Nhưng khi mình xem phim mình muốn có một sự cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, ít nhất là bằng với những ẩn ý của người đạo diễn thì mình nên học những cái gì? Nói riêng về điện ảnh và nói chung về nghệ thuật thì như thế nào?

Đạo diễn Trần Anh Hùng trả lời:

“Khi mình đứng trước một bức tranh hay mình xem một cuốn phim, cái quan trọng nhất là mình đừng nói ra tiếng. Mình đừng nói ra lời ngay lập tức. Mình phải để một khoảng thời gian. Mình phải quý những cái mà mình cảm được. Tuy (có thể) là mình không hiểu. Tại vì nghệ thuật là thế. Nghệ thuật đánh vào sự nhạy cảm của mình. Chứ nghệ thuật nhiều lúc không đi qua trí tuệ, không đi qua sự hiểu biết của mình.

Cái mà mình cảm được mình phải giữ nó trong người. Và mình dần dần nuôi nó để mình hiểu tại sao mình lại cảm được cái đó vào lúc đó. Và dần dần lời mới hiện ra để mình nói ra được cảm xúc của mình, nói được vì sao như thế. 

Quá nhiều người, khi họ thấy một cái gì, họ cảm một cái gì mà họ không hiểu. Nhiều lúc họ tức giận. Họ tức xong họ nói ra lời ngay…thì (như vậy) là hỏng. Nghĩa là họ không tôn trọng cảm xúc của họ. Họ đánh phá vỡ cảm xúc của họ ngay từ lúc ban đầu, ngay từ lúc họ cảm cái đó. Thì điều đó rất là tiếc!

[…]

Còn có nhiều người thì để nó đến rồi xem như thế nào. Mình nuôi nó một chút. Mình để một khoảng thời gian để nó tự nảy nở, như thế nào đó trong người mình. Thì lúc đó mình mới nói ra được thành lời. Những cái mà mình nói ra được thành lời là những cái rất là quý. Tại vì nó xây dựng sự nhạy cảm của mình và nó ở bên trong mình mãi mãi. Mình không thể nào quên. Nghĩa là khi nào mình cần đến nó thì nó sẽ hiện lên…thì cái này là cái mà tất cả những người làm nghệ thuật họ cần phải có.

[…]

Điều quan trọng là mình phải luyện tập, giống như mình phải chơi thể thao. Mình phải cho sự nhạy cảm của mình được tập thể thao. Giống như người chơi nhạc, ngày nào họ cũng phải tập…”

#Nhiên