20.8.18

Tiếng của Phụng | SL#6

Linh Phụng, Isaac, Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Bi (Rain) chỉ chi chưa tới 30 triệu đồng cho đám cưới của mình. Thực giả của thông tin cần phải kiểm định. Nhưng tôi đã cất trữ tấm ảnh trắng đen, khoảnh khắc anh và vợ cùng chấp tay cúi đầu. Với tôi, đó giống như một biểu tượng mà mình cần gìn giữ, biểu tượng của sự tiết kiệm.

Hai con người quyền thế và giàu có đã chọn một quyết định chi tiêu đáng kinh ngạc nếu so với ngân khoản khổng lồ đang nắm giữ. Tiết kiệm hay chính xác hơn là không phô trương. Khi mà đời sống kinh tế của số đông những người xung quanh gặp khó khăn, họ không muốn nhấn thêm sự xa cách và xoáy sâu vào lòng đố kỵ. Trong lúc đồng bào đang đói khổ, chuyện trưng trổ xa hoa và lộng lẫy có nghĩa lý gì?

Nội tâm của họ có đúng như vậy không? Tôi không biết. Nhưng văn hóa Hàn Quốc hay ít ra là những bộ phim Hàn Quốc, rõ nét hơn nữa là những nhà biên kịch trong các bộ phim Hàn Quốc đã gợi khơi cho tôi điều này. Bàng bạc trong các bộ phim truyền hình tràn ngập (đôi khi về sau tôi hay tự hỏi, “Ai? Ai phải chịu trách hiệm cho sự tràn ngập này?”) ở các khung giờ thời niên thiếu của tôi có những câu thoại nhắc nhở về trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước, về việc bảo vệ kinh tế nội địa, về ý thức chủ quyền quốc gia. Thế nên, chỉ qua một tấm hình, một hoạt động, tôi linh cảm Bi (Rain) là một người có ý thức, biết suy xét. Thiện cảm của tôi vì vậy mà nên hình.

Bi (Rain) có một sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy. Đến khi chuyển sang điện ảnh, một thế giới với những quy tắc và kỹ năng khác, anh đi theo một thông lệ được nhiều người trước đó tiến hành. Trở về với tên thật. Jung Ji Hoon. Tôi ngầm hiểu rằng, bước sang một địa hạt mới, anh muốn quên anh đi. Xóa hết hào quang đã có để gầy dựng từ con số 0. Từ truyền hình, cái tên Jung Ji Hoon xuất hiện. Rồi đến điện ảnh, trên các ảnh dán tường, vẫn là cái tên bản địa với ba tiếng gọi. Khi chuyển sang Hollywood, Rain nếu được sử dụng thì tôi vẫn thấy theo ngay sau là một chuỗi ký tự a.k.a Jung Ji Hoon. Tôi không biết anh có thực sự đạt được sự thừa nhận từ giới chuyên môn hay không. Nhưng tôi luôn dõi theo anh. Chỉ vì thiện cảm từ một bức hình. Và tôi dùng phép thắng lợi tinh thần, tin rằng, tự thuyết phục mình rằng Bi (Rain) vẫn thích được nhắc đến với cái tên Jung Ji Hoon trong các hoạt động liên quan đến điện ảnh.

Nhạc của Bi (Rain) tôi chưa thích bài nào. Phim của anh tôi chưa xem hết và cũng chưa có một ấn tượng nào sâu đậm. Nhưng thiện cảm vẫn bất biến. Thiện cảm không từ âm nhạc hay điện ảnh. Thiện cảm khơi nguồn từ đúng một quyết định “tiết kiệm – không phô trương” trong đời thực.

Có một chút cảm giác tương ứng khi ngẫm về trường hợp Isaac. Nhạc không. Và phim cũng không. Tôi không chuộng dòng nhạc của Isaac. Tôi chưa xem phim nào của Isaac. Đây có thể là điều bất lợi nhưng cũng có thể là may mắn. Tôi không có một bằng chứng nào để so sánh, trước đây và bây giờ, hôm qua và ngày nay. Mọi cảm nhận đều là lần đầu tiên. Trước khi đề cập đến vai diễn Linh Phụng của Isaac trong Song Lang tôi phải mở bài dài đến như vậy vì một lý do. 

Đêm 16, bất chợt tôi nhìn thấy dáng đi của Isaac khi từ hàng ghế khán giả tiến lên bục phỏng vấn. Chỉ trông một chớp giây, tôi linh cảm ẩn bên trong dáng đi này là một trái tim nhân hậu. Hay ít nhất cũng là một con người lành, có ý thức, biết suy xét. “Nhìn thấy hiền”, thiện cảm của tôi vì thế cũng nên hình và không hiểu sao tôi lại liên kết bạn này với Bi (Rain). Lòng tôi dấy lên một mong ước:

- Tên in trên ảnh dán tường của Song Lang phải chi là Phạm Lưu Tuấn Tài.

Nếu muốn tránh con số 4, lấy một số lẻ với hàm ý sinh sôi, phát triển, tăng tiến thì có thể rút gọn thành Phạm Tuấn Tài. Với âm nhạc, đã là gì thì bỏ hết. Đến điện ảnh là làm lại từ đầu, là tái sinh, là sống một đời sống mới, là viết lại tiểu sử bằng những vai diễn, bằng những lần hóa thân. Tôi tự cho phép tư duy tự do bước trong đôi giày của Isaac trong vài khoảnh khắc ngắn ngủi.

Đêm nay là đêm 20, 4 ngày đã qua đi. 2 lần xem phim và sẽ còn thêm vài lần xem nữa. Ảo giác đã không còn. Bình tâm hồi phục, nhìn ngắm thật kỹ tấm ảnh giới thiệu phim. Thật quá rõ ràng! Không một danh xưng nào có thể tạo ra một sự nhận diện thương hiệu. Ngoại trừ Isaac.

Một bộ phim có thành công hay không tôi cạn nghĩ nội dung câu chuyện là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, trước khi một ai đó chịu ngồi xuống, kiên nhẫn, tập trung thưởng thức và để cho cái phản ứng quyết định ấy xảy ra thì cần một ấn tượng, một ấn tượng ngay tức thì. Cần một cái tên, cần một ấn tượng thị giác ngay giây đầu tiên. Thế nên, Phạm Lưu Tuấn Tài thật chỉ là mong ước chủ quan, cảm tính của người khán giả. Mong ước bị đánh bật bởi những phép tính liên quan đến vòng quay vốn. Nếu là một người sản xuất, dù cho có yêu Phạm Lưu Tuấn Tài đến độ nào thì có lẽ Isaac vẫn mãi mãi là lựa chọn sau cùng. Có một câu chuyện được kể. Cần một số đông tìm đến. Chuyện hay, chuyện hấp dẫn, chuyện sâu sắc nhưng không ai nghe, ai thấu thì vô nghĩa. Cần đám đông. Phải có một đám đông. Và phải có một cái tên thân quen, dẫn đường.

Isaac chỉ có 5 ký tự thôi. Nhưng thanh âm phát ra từ đó có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng. 

Dẫn đường.

Nhưng một khi đã bước qua quầy soát vé, kiên nhẫn, tập trung trong suốt hơn 100 phút, chấp nhận diễn tiến của một câu chuyện trôi chảy trong tâm tư, tôi có thể nói rằng Isaac không chỉ dừng lại ở vai trò tiên phong trong một chiến dịch truyền thông. Trong cấu trúc của bộ phim Song Lang, Isaac biến thành Linh Phụng, là Linh Âm. Và vai trò vẫn vậy. Không đổi. Cực kỳ hệ trọng. Dẫn đường. Là ánh sáng, là nguồn sáng, soi lối cho hành trình của Dũng, trái tim của tác phẩm.

Như đã viết ở trên, tôi chưa xem một phim nào của Isaac. Thế nên mọi cảm xúc của tôi với vai diễn Linh Phụng là lần đầu tiên. Tôi có thể tóm tắt ngay bằng một tính từ:

- Ngọt

Cách Linh Phụng nói, cách Linh Phung nhả ra một câu thoại cho tôi một cảm giác vô cùng dễ chịu. Một điều tối kỵ ở điện ảnh là diễn ngôn. Tôi vẫn chưa thoát ra khỏi sự tiếc nuối với phần đối thoại lê thê trên sân thượng của Dũng và Phụng. Nhưng tiếc nuối ở đây là tiếc nuối về mặt đặt để tình huống. Tiếc nuối thuộc về phạm vi kịch bản. Còn với diễn xuất, tôi không có một điểm chê trách nào. Mặc dù Phụng có một đoạn thuật tả tiểu sử rất dài nhưng không tạo ra cảm giác mệt mỏi hay nhàm chán. 

Có lẽ tôi đã hơi vội vàng và nông nổi. Nhưng tôi mạnh dạn kết luận, “đây mới thật sự là thoại trong phim. Đây mới thật sự là diễn xuất điện ảnh”. Không chỉ là phân đoạn này. Toàn bộ những lần xuất hiện của Linh Phụng. Tiếng của Phụng. Tiếng của Phụng luôn đưa tới cho tôi cảm giác ngọt, mượt và thư giãn. Xem Phụng, hay là xem Isaac diễn, tôi, một người khán giả bình thường không hiểu biết nhiều về thuật diễn xuất, cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Triết lý chủ đạo hay ẩn ngôn trong tác phẩm này trôi theo lời của Phụng nhẹ tênh và thong thả. Người xem không ở trong trạng thái cảnh giác bị tuyên truyền hay nhồi nhét tư tưởng. Một thanh niên chưa trải đời nhiều, ở Phụng còn giữ được những nét trong sáng và hồn nhiên. Một nghệ sĩ đạt tới độ cao về kỹ thuật nhưng ở cái tình sâu thì chưa lắng. Cái hát lấn át cái diễn, vì chưa va chạm, vì chưa yêu. Tất cả nết dáng đó hiện ra chân thật ở Phụng. Điều này có nghĩa Isaac đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. 

Isaac không cho tôi, một người xem, cảm giác rằng bạn đang phải gắng cố, phải gồng mình sao cho vừa vặn với vai diễn. Isaac giúp cho tôi không rơi vào một trải nghiệm tệ hại, “nhìn như kịch, nghe như kịch”. Tôi rất sợ khi đã bước qua rất nhiều đắn đo để vào rạp để rồi cuối cùng phải lãnh đủ một kết quả như thế trên màn hình. Một lối diễn khoa trương, gian dối, sao chép từ những lối diễn ngoại lai, sao chép những thứ không xứng đáng phải sao chép, một lối diễn thiếu tôn trọng khung hình điện ảnh, thiếu tôn trọng chính mình và cả khán giả. May mắn làm sao khi đến với Song Lang tôi nhận được một món quà đặc biệt! Diễn xuất của Isaac.

Tôi không hiểu những vai diễn trước đó của Isaac như thế nào. Nhưng tôi mong bạn hãy tiếp tục phong độ này. Phụng trong phim là bay lên. Isaac ngoài đời cầm tinh con Rồng. Phụng và Long. Long hay Phụng đều là bay lên cả. Tôi ngưỡng vọng và chờ những lần cất cánh tiếp theo nữa của diễn viên này. Hãy tiếp tục với những bộ phim khác, những bộ phim như-là-Song-Lang!

Vừa rồi là phần thoại, phần diễn. Về hát, vẫn là một cảm giác dễ chịu, thư giãn đã có, từ thoại giờ lại tiếp tục lan sang phần hát. Nếu đã là một nghệ sĩ cải lương bên ngoài thì không việc gì phải khen. Xuất phát điểm là một ca sĩ của dòng nhạc Pop chỉ trong vài tháng không thể yêu cầu Isaac hát như một người được chân truyền. Tôi không có một trông đợi lớn lao nào trước những bài hát đã được dự báo. Và rồi giai điệu cất lên, không thất vọng, không có một nỗi thất vọng nào. Những lời ca của Linh Phụng khiến tôi cảm động, có lúc thẫn thờ. Tôi quên mất mình. Con người (tiếng hát của Linh Phụng), đồ vật (chiếc vé xem Song Lang) và nơi chốn (rạp chiếu). Tôi có tin vào chuyện du hành vượt thời gian không? Thưa, có! Tôi đã vượt thật. Chỉ là về đâu, về năm tháng nào thì tôi không rõ (do không có kiến thức cải lương và cũng vì có 2 câu hỏi chắn ngang đường bay).

Với một người có trình độ, hẳn là cách hát của Linh Phụng sẽ có ưu khuyết. Còn với tôi, một kẻ trắng trơn, tôi chỉ nhận định là “Hay!”. Nếu ai hỏi, “Hay rao sao? Hay ở mức nào?” thì tôi không trả lời được. Tôi chỉ biết rằng độ hay đủ thuyết phục tôi. Linh Phụng với tất cả phần thoại, hát, phục trang, biểu cảm hoàn toàn thuyết phục tôi rằng con người này đã đánh thức tình yêu đàn hát trong lòng Dũng. Và từ đó Linh Phụng đổi thay cuộc đời gã đầu lĩnh giang hồ mãi mãi.

Song lang xuất hiện ở đầu phim trên tay cầm của Dũng. Càng về sau, tôi bỗng giật mình không thấy song lang đâu nữa. Phải chăng song lang đã hóa hiện trong một biến trạng khác? Linh Phụng đã đến trong ánh nhìn buộc người ta lúc nào cũng phải ngước lên. Linh Phụng phải chăng là song lang đó? Là nhịp điệu, là tiếng gọi chánh đạo đánh thức Dũng xa lìa cõi tăm tối u minh?

“Anh ơi!... Anh kiếm ai dzậy?”, 

Phụng đã hỏi Dũng trong lần đầu tiên gặp gỡ, khi mà Dũng hãy còn đang lạc giữa ảo ảnh và mê mộng của quá khứ. Dũng tìm ai? Cũng như bao linh hồn lạc lối khác, Dũng tìm mình. Dũng tìm lại em bé năm xưa, tìm lại tiếng cười, tìm lại tình yêu, tìm lại khí trời. Tiếng của Phụng, tiếng nói ấy, câu nói ấy như một tiếng chuông, khác nào một điềm báo, là khởi đầu cho một hành trình kỳ ảo…

… từ âm phủ, 
lên luyện ngục, 
… đến thiên đàng.

#Nhiên