31.8.18

Tại sao không phải là Việt nam? | SL#13

Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Tôi hẹn với Từng Trải ở Bến Xe Chợ Lớn rồi từ đó chúng tôi đi bộ sang rạp. Trưa nay, Từng Trải đã ngồi trên chiếc xe 81 để đến đây. Gần như trọn tuyến. Quãng đường xấp xỉ 20 km. Hơn 1 giờ di chuyển. Lần gần nhất Từng Trải vào rạp để xem 1 bộ phim là trước 1975. Nghĩa là trên dưới 40 năm mới lại có thêm lần nữa.

Những con số đã thay cho ngàn dòng viết. 

Tôi không biết liệu Song Lang có thể khiến cho một người ở độ tuổi 70 xem lại lần 2 không? Không thể nào dùng ý chí cá nhân để tác động đến sự yêu thích, sự quay lại của một khán giả. Tự thân bộ phim phải tạo được phản ứng đó. Về phần mình, tôi chỉ biết cố gắng tối đa trong công việc này, công việc trợ duyên.

Khi mua vé, bạn nhân viên chủ động chọn thay tôi, “Mình ngồi hàng VIP đi anh”. Tôi thật sự bất ngờ. Lòng hân hoan. Lần đầu tiên mới để ý là có một dãy ghế đính mấy ký tự vàng. VIP. Đi một mình có lẽ cũng chẳng nhiều ý nghĩa. Nhưng là vì đi cùng, đi cùng một người đáng tuổi cha chú, ông bà thế nên nỗi vui nhân lên nhiều phần. 

Nỗi vui này lan đến tận giờ chiếu phim khi mà đèn trong phòng chiếu vẫn chưa tắt. Tôi chậm rãi đứng lên, tiến bước ra quầy vé và nhờ người bạn lúc nãy vào giúp. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình thuộc về thế giới này nhiều đến vậy. Thật sự đã có một mối gắn kết nào đó. Không đến nỗi bền chắc. Nhưng chắc chắn là... đã không còn mong manh. “Có lẽ… lẽ nào…”, tôi chợt nghĩ. Tôi vừa nghĩ tới chuyện viết đơn xin làm việc ở một rạp chiếu. “Được giấu mình trong bóng tối…” hay “được thể nhập vào một thế giới khác” là lý do lớn nhất. Chỉ e ngại là không biết có đủ phim đạt chuẩn hay không? Chưa cần phải hay, phải xuất sắc, là đại diện để đi tranh tài ở các Liên Hoan Phim quốc tế. Chỉ cần là phim xem được, một bộ phim mà người ta xem và cảm thấy muốn quay lại. Có quá ít phim Việt Nam trong lịch chiếu. Và trong suốt 1 năm quá cũng có quá ít phim khiến tôi rung động thật sự.

Trước buổi chiếu, tôi ngồi với Từng Trải trong khoảng nửa giờ. Sau buổi chiếu, tôi có thêm gần 2 tiếng đồng hồ nữa. Ý kiến của một chứng nhân thời đại, ý kiến của một người đã nhìn thấy Sài Gòn nghìn chín tám mươi bằng nhục nhãn chắc chắn là nguồn tham khảo đáng tin cậy. Có những câu hỏi mà tôi tin rằng chúng rất quan trọng. Chẳng hạn:

- Sài Gòn năm ấy có đúng những gì phim đã mô tả?

- Sân khấu và lối hát cải lương có sai khác nào không so với những năm 80?

- Mô tả về một kẻ đòi nợ thuê và một kép hát có thực sự chân thực?

- Cảm nhận về cái kết của bộ phim?

Đây là một khán giả mà nếu không có sự tác động của tôi thì có lẽ họ cũng sẽ không bao giờ đến rạp. Thế nên phản ứng của họ, cảm nhận chỉ sau một lần xem là căn cứ rất quan trọng giúp tôi kiểm nghiệm lại những cái thấy và cái cảm của mình với tác phẩm này.

Chi tiết buổi bàn luận giữa hai thế hệ sẽ không bao giờ được tường thuật. Hoặc có lẽ tôi sẽ chỉ nói ra, chỉ viết xuống trong một cách khoảng thời gian mãi về sau. Mà tốt hơn, tốt nhất là nên giữ gìn. Lời mời xem phim của tôi không phải là để khai thác cảm xúc của người khác. Tâm ý khai thác là có. Nhưng mạnh hơn, sắc nét hơn là tôi mong tạo ra một lần đến rạp, tạo ra một cơ duyên cho một thân nghiệp, cho một hành vi tìm tới rạp để thưởng thức một bộ phim. Tôi tin rằng một nền điện ảnh chỉ phục vụ cho đối tượng khán giả trong độ tuổi từ 16 đến 30 thì đó là một sự chẳng lành và dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Tôi chỉ là một cá nhân lẻ loi, không muốn nhìn theo khía cạnh vĩ mô của vấn đề. Đơn giản chỉ là sau một cảm giác “chẳng lành” tôi nghĩ mình cần phải hành động để cải đổi, dù tự biết năng lực bản thân là vô cùng hữu hạn.

Vừa rồi là cảm giác "chẳng lành" về tình hình chung. Còn với riêng tác phẩm Song Lang, tôi cũng có những niềm riêng "chẳng lành". Chúng được hình thành từ rất nhiều nguồn cấp. Một trong số đó là các bài cảm nhận về bộ phim. Khi tôi say mê với Đảo Của Dân Ngụ Cư tôi sống trong trạng thái vui thỏa riêng mình. Tôi không có nhu cầu đọc thêm một bài cảm nhận nào. 1 năm sau, khi tiếp cận Song Lang, tâm thức tôi đổi khác. Tôi lại có xu hướng muốn biết những người khác cảm nhận gì về tác phẩm này. Và tôi rất ngạc nhiên là Song Lang thu hút một lượng lớn các bài bình phẩm với đầy đủ mọi đối tượng và nghề nghiệp. Tôi thích đọc cả 2 dạng bài. Một, theo xu hướng ca ngợi. Và hai, theo xu hướng chỉ trích. Nhìn vào cả hai giúp cái nhìn của tôi rộng rãi và khoáng đạt hơn. Tôi học từ cả hai tâm lý yêu ghét.

Có lẽ tôi sẽ đề cập đến những bài cảm nhận mà theo tôi là tiêu biểu trong một dịp khác. Trong trang nhật ký này tôi muốn nói kỹ về cảm giác “chẳng lành” của mình đối với những bình luận mà tôi đã đọc được dưới mỗi bài cảm nhận.

Bình luận hay nhận xét và cảm nhận là khác nhau. Ví như chỉ vài gạch đầu dòng, chỉ vài hàng chữ thì với tôi không thể gọi đó là một bài cảm nhận. Một bài cảm nhận không thể nào chỉ là một bài viết không đúng theo trật tự mở bài, thân bài, kết bài. Cảm nhận theo tôi cũng giống như một bài tập làm văn. Độ dài ít nhất phải là một cỡ trang A5 và có đủ mở  thân – kết. Cảm nhận về một bộ phim điện ảnh thì phần nội dung viết cũng phải đúng chuẩn mực. Ít nhất, người viết phải hiểu rõ mình đang bàn về khía cạnh nào của bộ phim. Họ đang nói về tư tưởng tác phẩm (chất ẩn ngôn, triết học). Họ đang nói về màu sắc của phim, ấn tượng trong những khung hình (nhiếp ảnh, hội họa). Họ đang nói về tình tiết và tính tuần hoàn của câu chuyện (chất văn học, cấu trúc 3 hồi, kịch bản). Họ đang nói về phương diện nào? Họ chỉ đang chia chẻ, ngợi ca một mảnh rời rạc? Hay họ đang trầm tĩnh nhìn vào khối chuyển động toàn thể của bánh xe câu chuyện? Nếu chính họ cũng không rõ thì người viết đã lạc. Điều này vô cùng nguy hiểm. Vì họ lạc sẽ khiến cho những người đọc, những người yêu mến và theo dõi họ cũng lạc. Một người lạc kéo theo một đoàn người lạc.

Bình luận và nhận xét thì đơn giản hơn. Chúng không đòi hỏi sự tự suy xét dài lâu nơi người viết. Chúng cũng không cần phải tốn kém thời gian và bút lực. Chúng là những phản ứng tức thời. Và dĩ nhiên nhìn vào chúng, tôi cũng sàng lọc được rất nhiều thông tin.

Tôi sàng lọc được điều gì?

Đầu tiên là sự bất ngờ. Tôi rất bất ngờ. Bất ngờ vì thấy tần suất xuất hiện rất nhiều lần. Tựa như một điệp khúc. Láy đi láy lại. Vô cùng nhiều. Đó là tên của một bộ phim Trung Quốc. Tiếp theo là tên của một đạo diễn Hương Cảng. Rất nhiều lần trong những dòng nhận xét, bình luận, người ta lập lại 2 chuỗi từ khóa vừa kể. Khi xem phim, người ta dễ có một phản ứng liên tưởng. Xem cái này nhớ cái kia. Xem cái này và nhớ tới một cái tương tự mình đã xem trước đó.

Tôi xem phim hơi muộn và cũng không xem nhiều. Tôi chưa từng xem bộ phim mà đám đông liên tục nhắc tới. Tôi cũng chưa xem nhiều phim của đạo diễn kia. Tôi chỉ mới xem đúng 1 phim của ông. Rất thành thực, khi xem Song Lang, ở trong tôi không hề có một sự liên tưởng nào như trên. Nếu có xảy ra phản ứng liên tưởng so sánh thì chỉ là sau lần xem phim thứ 2 hoặc thứ 3. Và tôi cũng chỉ liên tưởng đến một bộ phim Việt Nam. 

Có 2 câu hỏi mà tôi tự đặt ra.

Họ nói giống. Vậy thì giống ở đâu? Tôi hy vọng những ai đã viết lên nhận xét, bình luận thì hãy thật sự tôn trọng và trân quý những liên tưởng của mình. Trọng và quý để dẫn đến hành vi suy ngẫm, đào sâu để thấy rõ vì sao mình lại có liên tưởng đó.

Chẳng hạn như với tôi, nếu tôi liên tưởng thì tôi có thể tóm tắt. Song Lang có bối cảnh Sài Gòn những năm 80, 90. Song Lang có một vai chính là anh giang hồ muốn hoàn lương. 2 điểm này khiến tôi nảy ra cái tên Cyclo. Tức là 2 bộ phim có chung bối cảnh và chung một tuyến truyện. Song Lang có lối dựng cắt đan xen quá khứ hiện tại. Kỹ thuật biên tập hình ảnh này khiến tôi nghĩ đến Thị Xã Trong Tầm Tay, một tác phẩm cũng có lối dựng phim phi tuyến tính. Hẳn nhiên, tôi không muốn dừng lại với những liên tưởng vắn tắt này. Tôi muốn chưng cất cảm xúc và sẽ tiếp tục dành thời gian để phân tích sâu hơn.

Tuy vậy, câu hỏi 1, "Giống, giống ở đâu?", với tôi không quan trọng bằng thắc mắc tiếp theo sau.

Khi nhìn thấy các lời bình luận và nhận xét tràn ngập, trong tôi có một sự phản biện:

- Tại sao không phải là Việt Nam?

Tôi tiếp tục tự hỏi:

- Điều gì, nguyên cớ nào đã tạo ra tình trạng này? Khi xem một bộ phim Việt Nam, khán giả có phản ứng liên tưởng. Vậy tại sao không liên tưởng đến một tác phẩm Việt Nam mà lại là một tác phẩm khác của nước ngoài?

Với tôi, tôi muốn gọi rõ tên của suy nghĩ bên trong mình. Là gì? Là sự phụ thuộc. Đây là sự phụ thuộc, sự lệ thuộc về mặt tư tưởng. Và ai phải chịu trách nhiệm về sự lệ thuộc này? 

Song Lang tôi chưa biết có bao nhiêu người thật sự đã mua vé đến rạp. Nhưng tôi công nhận tác phẩm đã đạt được một thành công, một thành công không hề nhỏ. Đó là tạo được sự quan tâm lớn của giới hâm mộ điện ảnh. Có vô số những bài khen chê về tác phẩm này. Không quá khó để tìm ra nguồn cấp của tất cả các bài đăng. Tôi nghĩ rằng phân tích sâu vào từng bài cảm nhận, chú ý kỹ lưỡng toàn bộ các nhận xét sẽ giúp ích rất nhiều cho một hiểu biết về thực trạng của việc phát hành phim, tình hình phòng chiếu và năng lực cảm thụ của giới chuyên môn lẫn số đông khán giả. 

Liệu bộ phận nhân sự trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay trong Cục Điện Ảnh có lưu tâm đến tất cả những diễn biến đi cùng Song Lang?

#Nhiên