31.8.18

Căn phòng ánh sáng | SL#14

Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
Không phải đến lần xem thứ VI này tôi mới để tâm đến căn phòng của Dũng, căn phòng ánh sáng. Tôi đã lưu ý về nó từ lần xem thứ III, thứ IV. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu vào chủ đề chính, tôi muốn bày tỏ chút ít cảm xúc về tấm ảnh của bài đăng này.

Khi tôi giơ tay lên, giữ 3 chiếc vé và tìm một góc chụp thì tôi mới phát hiện câu chữ ở góc phải màn hình. Mục đích lưu giữ một giây phút kỷ niệm bất ngờ va phải một sang chấn. Cái gì đây và tại sao lại thế này?

Câu hát cải lương / Tình thương cha mẹ

Nỗi khó tin càng nhân lên khi tôi xét đến nơi chốn. Đây là một rạp chiếu thuộc sự quản lý của đơn vị giữ vai trò phát hành bộ phim. Tại sao họ lại cho phép câu chữ này xuất hiện? Ai là người đã sáng tác? Và ai cho phép việc in ấn?

Tôi chưa hề đọc một bài nào có liên quan đến bộ phim Song Lang dưới dạng quảng bá hay giới thiệu? Ít nhất là cho đến lần xem thứ IV. Thậm chí, tôi chỉ tìm hiểu tagline và logline của phim này trên tờ rơi sau lần sau thứ VI. Hiểu biết về bộ phim, về nội dung chủ đạo của phim là hoàn toàn dựa trên các lần trực tiếp đến rạp. Nếu có ai đó cho tôi nhiều thông tin nhất về Song Lang thì chính là đạo diễn. 1 tuần trước khi phim công chiếu, anh có một buổi trò chuyện cộng đồng và tôi là khán giả đến tham gia. Nguồn cấp thông tin về Song Lang là 2 đoạn trailer và sự chia sẻ của chính đạo diễn. Hẳn nhiên tôi cũng không hề tin lời anh hoàn toàn. Tôi nghe và đánh dấu hỏi. Các lần xem phim của tôi là sự kiểm chứng có bao nhiêu phần trăm sự thật và có bao nhiêu phần trăm dự định của đạo diễn đã thực hiện được.

Có lần tôi đã viết, “Song Lang là phim gia đình, phim dành cho gia đình”. Câu này có ý nghĩa đối tượng khán giả của Song Lang có thể là nhiều thế hệ. Phim thích hợp để ông bà, cha mẹ, con cháu cùng đi xem. Tất cả cũng chỉ là để phục vụ cho mục đích kiểm tra độ chuẩn xác về sự phục dựng Sài Gòn trên phim. Phim có hai tuyến nhân vật mà tâm lý lẫn hành động của họ xoay quanh một gánh hát. Qua đó, tình cảm đối với bộ môn cải lương, một dạng cảm thức âm thầm nơi người xem, có thể được đánh thức. Thế nên, phim xứng đáng để một gia đình có thể thử đến thăm một lần. Còn chuyện có quay lại hay không thì điều đó tùy thuộc về chất lượng thật sự của bộ phim.

Tình cảm hay là tư tưởng cốt lõi trong bộ phim này không phải là tình cảm gia đình. Linh Phụng mất cha mất mẹ. Dũng cũng mồ côi. Nhưng tác phẩm này không giải quyết vấn đề những đứa con lạc cha lạc mẹ. Phim này giải quyết một sự đi lạc khác. Ý chính của bộ phim không phải là một sự xưng tụng giá trị của gia đình. Thế nên khi gặp câu “câu hát cải lương / tình thương cha mẹ”, tôi có thể nói ngay câu này là một câu rất sai, sai hoàn toàn. Một câu như thế này không dính líu gì đến Song Lang để được in ra hay treo lên.

Tôi không hiểu vì sao lại có cớ sự này. Nhưng thôi tôi cũng cho qua. Chuyện quảng bá hay tất cả những gì liên quan không thuộc quyền hạn và trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ là một khán giả bình thường. Mong muốn của tôi là những bộ phim hay. Mong muốn của tôi còn lại sự thật. Tôi yêu quý bộ phim này và cũng có nhiều lấn cấn với nó. Tôi muốn tìm hiểu nguyên do thật sự nằm nơi nào.

Giờ thì tôi trở lại với căn phòng của Dũng, căn phòng ánh sáng. Bắt đầu từ lần thứ III thì tôi đã có một tâm lý dành riêng cho các cảnh quay tại căn phòng này. Đó là tâm lý mai phục. Các giác quan trở nên mẫn cảm hơn, canh chừng từng giây từng phút.

Ánh sáng mà tôi nhắc tới là ánh sáng ở căn phòng sau đêm Phụng và Dũng gặp nhau. Phân đoạn sau khi Phụng rời khỏi, chỉ còn lại mình Dũng. Tôi vẫn chưa thật sự phân tích sâu vào cấu trúc 3 hồi của Song Lang. Tất cả mới dừng ở đoán định nhưng dù chỉ là một bản phác thảo rất nhanh, tôi có thể nói rằng bộ phim này có cấu trúc tương đối chặt chẽ, không sai lệch khỏi chức năng của từng chương hồi. Tuy nhiên do ánh sáng của căn phòng thu hút thị giác của tôi, tôi phân tích kỹ lưỡng hơn ở cột mốc thời gian này.

Tôi chưa chia 3. Và nếu có chia 3 thì tôi thấy vẫn chưa đủ. Phải chia nhỏ hơn thì mới thấy rõ được sự thật. Vậy nên tôi chia thành 12. Đây là thói quen. Với phim nào cũng vậy, con số 12 mới là đủ đối với tôi. Với tất cả hiểu biết điện ảnh nông cạn và 6 lần xem phim, tôi có thể nói rằng đoạn Dũng đứng trong căn phòng trống vắng là thuộc về phần 10/12. Tôi tạm gọi phần này là “Dàn Xếp”. Sau một cao trào trước đó, nhân vật đã có một đổi thay lớn lao trong tư duy hoặc trong đời sống. Họ sẽ có một loạt hành vi mang tính chất tái thiết. Tất cả là bước đệm cho một sự chuyển hóa lớn lao hơn nữa xảy ra ở phần 11. Có thể hiểu nôm na phần 10 này giống như sau một bữa tiệc vui, ngày hôm sau, chúng ta thức dậy thu dọn bàn ghế, rửa dọn chén bát. Đó là lý thuyết tôi tích lũy. Còn thực tế theo quan sát của tôi thì rất ăn khớp. Dũng dàn xếp thật. Căn phòng của Dũng có một sự biến đổi lớn sau “bữa tiệc” tối qua.

Đạo diễn đã cho nhân vật chính của mình bước từng bước trầm tư và phía trước mặt là ánh sáng ngời chiếu. Một cảnh quay cực kỳ quyến rũ và dễ dàng mê hoặc đôi mắt lẫn trái tim. Một sự sắp đặt như vậy đạt được công năng của phần 10. Đó là dự báo, dự báo cho một biến động lớn sắp xảy ra. Chiếc cửa sổ, ánh sáng, sự chói lóa, 3 yếu tố cũng rất dễ gợi người xem hình dung về ô cửa hay cánh cửa thiên đường. Nhân vật đang ở ngưỡng cửa của thiên đường. Mặt trời là một biểu trưng phổ thông cho chân lý, cho trí tuệ, cho sự tỉnh thức. Dũng đã ở một điểm ngoặc. Anh đã nhìn thấy được lối thoát. Con đường chánh đạo đã mở ra rất rõ với anh.

Về mặt thẩm mỹ, về mặt ẩn ngôn, về mặt cấu trúc, nếu xét ở cả 3 phương diện thì đây là một cảnh quay hoàn hảo. Tôi không có nhu cầu đi sâu vào chất nhiếp ảnh, chất triết học hay văn học trong phân đoạn này. Sự mai phục mà tôi nhắc ở phần viết bên trên tập trung vào hai điểm. Thứ nhất, tính logic. Thứ hai, nguồn sáng. Viết là hai mà thật là một. Có thể gộp lại là sự hợp lý của nguồn sáng.

Trước khi bàn đến vấn đề này thì tôi cũng muốn nhắc đến một đồ vật. Lẽ ra là không nên nhắc nhưng nó đã chiếm giữ mọi điểm nhìn. Nó xuất hiện cả trên tờ rơi của bộ phim. Đó là chậu cây ở bên trái khung cửa căn phòng. Có lúc chậu cây có mặt. Có lúc chậu cây biến mất. Trước khi Linh Phụng vào phòng thì không có. Nhưng sau khi Linh Phụng có mặt thì chậu cây đột ngột lại xuất hiện. Hơn nữa ở thời kỳ 80, 90, liệu người ta có cố định cây trong một dáng hình như vậy không? Hay là người ta sẽ dồn vào một bịch nylon đen hoặc là bậu trúc? Chậu câu đặt ở góc trái thoắt ẩn thoắt hiện đã đành. Nó lại có dáng vẻ rất đương đại, như là tôi vừa thấy ở một vườn ươm ngay ở thời điểm hai nghìn mười tám.

Tính logic, tính tuần hoàn, tính đồng bộ, tính chân thực của chậu cây cần phải xét tới là vì vậy. Nhưng tôi cũng không mặn mà gì với một điểm rất nhỏ này. Tôi luôn là một người dễ dàng bỏ qua mọi sự bất hợp lý miễn là những thứ chính yếu khác làm tôi say mê. Khi đã say mê, khi đã yêu, người ta dễ dàng cho qua những tiểu tiết.

Tôi rất yêu phân đoạn “đi trong ánh sáng”, "đi giữa bình minh" của Dũng. Và cũng vì yêu nên tôi muốn tìm hiểu tận gốc để thử xem tình yêu của mình nông sâu bao nhiêu và đối tượng mà mình đã dành tình yêu có xứng đáng hay không?

Phân cảnh là một cảnh nội. Nội này là nội ngày. Rõ hơn là hừng đông. Linh Phụng thức dậy, cuốn mùng chiếu. Trước đó, Dũng đã dậy trước và đi mua cà phê cho cả hai. Cà phê hay là sâm. Tôi nghĩ chắc là cà phê. Hai người mỗi người giữ một bịch đứng trò chuyện ở khung cửa. Họ có những câu thoại. Sau đó, Linh Phụng rời đi. Linh Phụng còn đứng một lúc nữa ở ngoài hành lang. Dũng lúc này ăn sáng và đọc sách. Đây là hoạt động thường ngày của anh. Anh đọc quyển “Con voi xa rừng”. Anh gạch kẽ những đoạn mà mình tâm đắc. Sau đó, Dũng đi tìm người. Thời này, dựa theo phim là chưa có điện thoại. Thế nên, tôi nghĩ Dũng phải ra ngoài mấy lượt để tìm người. Tìm để làm gì? Anh cần bán đồ đạc. Anh bán tivi, anh bán máy cassette, anh bán máy chơi điện tử. Và nhiều khả năng là anh bán cả xe máy. Nhìn chung, dựa vào cảnh trí của căn phòng, tôi và hầu như người xem nào cũng phải công nhận là anh đã bán tất cả các đồ vật có giá trị. Việc gọi người, tìm người, mua bán, mặc cả chắc chắn không thể nào gói gọn trong vòng mươi mười phút. Ít nhất cũng hơn 2 giờ. Nếu không muốn nói là một buổi. Nhanh nhất cũng phải mất một buổi sáng để thanh lý toàn bộ các vật phẩm trong căn nhà.

Dũng di chuyển. Đồ vật di chuyển. Nhưng có một thứ vẫn đứng yên. Và đó cũng là yếu tố quyết định của cảnh quay.  Hay là "người nói thay nhân vật", "người nói thay ngữ nghĩa của phần thứ 10". Đó là mặt trời, nguồn sáng.

Từ khi Linh Phụng đứng cùng Dũng thì tôi xác định đây phải là khoảng tầm 6 giờ đến 7 giờ sáng. Mặt trời đã lên. Theo quy luật thời gian, ánh sáng rọi vào căn phòng ở phía sau lưng 2 nhân vật. Họ đứng cạnh nhau, nhìn về phía trước. Vậy hướng nhìn của Dũng và Phụng là chánh Tây. Nguồn sáng rọi phía sau là bình minh, tức là chánh Đông. Cửa sổ nơi nguồn sáng đi vào ở hướng chánh Đông. Nguồn sáng này là tự nhiên hay là do đèn chiếu là yếu tố tôi chưa bàn đến. Nhưng thắc mắc của tôi là làm sao ánh sáng mặt trời lại có thể chói lóa cố định như vậy trong khi nhân vật đã có bao nhiêu hoạt động. Theo kinh nghiệm của tôi, khi mặt trời lên, ở những căn nhà có hướng chánh Đông, mặt trời chỉ rọi qua khung cửa cố định trong khoảng trên dưới nửa giờ, thậm chí ngắn hơn nữa.

Tôi không muốn truy xét vào sự chuẩn xác của từng con số. Nhưng việc đặt nguồn sáng đứng yên trong khi có quá nhiều diễn biến đã xảy ra trong căn phòng thì rõ ràng đã tiêu tán sự say mê trong tôi ít nhiều. Cái đẹp của cảnh, cái ý của sự dàn dựng tôi hiểu và trân trọng. Nhưng cái chân thực thì tôi chưa dám khẳng định. Tôi vẫn rất yêu phần thứ 10 trên 12 này. Tôi yêu thích sự xuất hiện lần lượt của trăng và trời trong cùng bộ phim này. Gieo một vầng nhật nguyệt trên mái đầu của 2 tâm hồn son trẻ. Đó hẳn là một nước đi rất tinh tế và lãng mạn.

Tôi trân trọng cảnh quay này vì đã là một bài học hay đối với tôi. Tình thêm sâu và trí bớt vơi cạn là nhờ những chứng kiến này và tôi cực kỳ nghiêm túc trong sự chứng kiến. 

Trên đây là những phân tích của tôi về phần thứ 10. Dù đào sâu đến bao nhiêu nữa thì tôi chỉ đang làm công việc chia chẻ, tách rời một mảnh thực tại. Tôi nhìn thấy có tất cả 12 mảnh. Nếu phân ly rồi nhìn sâu vào chúng và đi cho tới cùng công việc nhìn sâu thì với tôi chỉ là bước một. Tiến hành bước một ấy với từng mảnh trong 12 mảnh chỉ là giai đoạn đầu. Giai đoạn tiếp sau, bước thứ hai là tìm ra "sợi chỉ đỏ", một cách gọi phổ thông ám chỉ đến nội dung chủ đạo của tác phẩm, sợi chỉ nối liền giữa 12 mảnh, 12 phần. 

Điều vừa viết ra cũng thể dùng một lối so sánh khác. Giống như lấy một hạt ngọc ra khỏi một xâu chuỗi vậy. Một chuỗi ngọc có tất cả 12 viên. Cái cốt yếu không nằm ở từng hạt riêng rẽ. Cái cốt yếu là sợi dây đã thấu xuyên, nối liền. Cốt yếu nằm ở tính toàn vẹn. Thế nên, từng viên có thể có tỳ vết. Nhưng xâu chuỗi thì không. 

Câu hỏi còn lại:

- Song Lang liệu có phải là một tràng hạt vẹn tròn, chắc tay và liền mạch?

#Nhiên