Dự định chỉ viết 5 bài về Song Lang. Đến nay đã là 8. Có lẽ sẽ còn thêm và vượt qua con số 10. Sau bài số 5 thì tôi không còn chép tay nữa. Quay lại cách đánh máy trên bàn phím.
Trong 7 bài, trừ 2 bài đầu có tính chất mở đề, 5 bài sau, tôi đều nỗ lực tập trung vào một khía cạnh, một nội dung chủ đạo. Chẳng hạn như là về mặt cấu trúc kịch bản (bài #4), về mặt diễn xuất (bài #6), âm nhạc cụ thể là nhạc nền, tiếng ngoài hình (bài #7). Một bài như bài #3 với tôi luôn là một thử thách thật sự. Vì đó là một bài cảm nhận tổng thể. Viết về phim bằng một cái nhìn bao quát là vô cùng khó, vì quá nhiều phương diện. Bài #4 là bài muốn đào sâu vào bối cảnh của phim. Theo tôi, đây chính là điểm khuyết của tác phẩm Song Lang. Nhưng vì chưa chắc cho nên tôi chuyển thành dạng nghi vấn.
Hẳn nhiên, sau 7 bài, tôi không khám phá ra nhiều điều ở Song Lang mà thay vào đó là tôi thấy được tôi khá nhiều. Rất nhiều lỗ hổng trong kiến thức về lịch sử, hội họa, văn chương, triết học và nhiếp ảnh.
Bài #8, tôi viết rất chóng vánh, chỉ trong khoảng 5 phút. Tôi có thể tóm lược đại ý của bài này. À, thật ra cũng chẳng thể gọi là "đại ý". Bài #8, Tìm Chân, chỉ là một trạng thái cảm xúc trên đường ra rạp lần thứ tư.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi cho phép mình chỉnh sửa lại câu chữ và thêm vào phần tái bút bên dưới.
Nhiên
23.8.2018
***
TÌM CHÂN
Tôi đi xem #SongLang lần IV.
Lần I xem cùng ĐỒNG MINH.
Lần II xem cùng LINH ÂM.
Lần III xem cùng GIA ĐÌNH.
Lần IV tôi xem cùng BẢN NGÃ. Nghĩa là đơn độc.
Tự thân số lần xem cũng đã nói lên tất cả. Không biết có còn lần nào nữa không? Phim có hay không? Phim có xứng đáng không? Tôi KHÔNG trả lời câu hỏi này. Tôi vẫn đang cố gắng trả lời 1 câu quan trọng hơn. "Tôi có xứng đáng với bộ phim không?"
Hay là "Tôi có phải là 1 khán giả với đúng ý nghĩa của 2 tiếng khán giả?"
"Tôi có hiểu văn hóa xem phim không?", "Tôi có hiểu rằng để viết 1 bài cảm nhận thì đó cũng là 1 quá trình phải học và học không ngừng không?".
Những câu như trên đáng để tôi đi tìm lời giải hơn. Song Lang như đã viết hôm qua là bộ phim gia đình, thích hợp để xem cùng gia đình. Vì sao? Vì đây là bộ phim nói về tính THIỆN, nói về 1 nhân vật phục THIỆN, đi tìm lại cái THIỆN vốn dĩ nằm sẵn nơi mình. Vì thế nên phim không có gì khó hiểu hay thách đố tâm trí. Vấn đề là người xem có tập trung và chỉ chuyên chú vào việc xem phim hay không.
Phim xoáy vào tính THIỆN. Còn đạo diễn, tôi không biết, nhưng có lẽ anh muốn tìm về tính MỸ. Anh, cũng như bao người, muốn đi tìm cái ĐẸP.
Sau lần xem thứ IV này, tôi sẽ bắt đầu đọc các bài cảm nhận từ người có chuyên môn đến người đơn thuần giống như tôi, tức là những người muốn được là 1 khán giả với đúng ý nghĩa của 2 tiếng khán giả. Đọc hết một loạt bài tôi sẽ có một hình dung về dư ba của phim này trong lòng người hay ít nhất tôi cũng biết phần nào nội tâm của những người đã xem phim. Họ có THÀNH THẬT với cảm nhận của họ không, hay là họ muốn thể hiện một điều gì khác.
Dũng đi tìm cái LÀNH. Leon đi tìm cái ĐẸP. Còn tôi, như Phùng Quán, "muốn trọn đời đi mãi không thôi, trên con đường của lòng chân thật".
Tôi đi tìm CHÂN.
#Nhiên
22.8.2018
T/B:
Tôi không hề ưa thích trích dẫn câu chữ của người khác. Không phải là mình muốn che dấu đi sự ngưỡng mộ của mình hay là mình không thích phải thừa nhận sự ảnh hưởng của ai đó trong đời mình. Nhưng một khi đã trích dẫn thì rất dễ dẫn đến sự xao nhãng. Nghĩa là phân tách tâm trí vào một chủ đề khác. Giống như đang viết về Song Lang thì tôi chỉ muốn tập trung vào Song Lang. Tôi không muốn tự mình phải tách mình ra. Nguồn yêu phải chảy trôi về một hướng thì nguồn yêu mới nồng nàn.
Thế nên, dù chỉ là một câu ngắn nhưng tôi cũng đắn đo lắm, mà lỡ rồi. Trích dẫn còn kèm theo một mối nguy khác là mình trích dẫn không chuẩn xác hay không phù hợp. Không phù hợp hay không thì tôi không biết. Còn chuẩn xác thì tôi cũng không chắc. Tôi không thuộc bài Lời Mẹ Dặn. Tôi chỉ nhớ tiếng hát của Duy Quang thôi. Người ca sĩ đã hát bài mà cha mình phổ từ thơ của Phùng Quán. Ca từ chinh phục tôi hoàn toàn. Ngay từ lần nghe đầu tiên. Trí nhớ mãi khắc ghi câu chữ ấy, câu chữ về sự xác quyết của một người muốn đi mãi trên một con đường mang tên CHÂN THẬT.