26.8.18

Thiện cảm | CCC#2

Cha Cõng Con, Đạm Nhiên, Góc Nghệ, Góc O
Ra khỏi rạp, đến hàng rào, tôi chụp lại tấm hình này. Đây cũng là hình ảnh duy nhất mà tôi có để kỷ niệm. Đây cũng là hoạt ảnh duy nhất hiện lên mỗi khi tôi nhớ về Cha Cõng Con (CCC).

Đó là đoạn một anh thanh niên bước ra khung hình. Trên vai là chiếc xe đạp. Anh cõng thêm một em bé. Cả một lũ trẻ nữa. Chúng leo trèo trên tấm thân đồ sộ của anh. Trước mặt là núi non bao la, hùng vĩ. Riêng hoạt ảnh này để lại trong tôi một ấn tượng thị giác sâu đậm. Đẹp và hữu ích. Không phải là một cái đẹp vô hồn. Tôi thấy nhiều, rất nhiều về thiên nhiên, về con người.

Tôi choáng ngợp và rung cảm thật sự. Choáng ngợp trước vẻ đẹp và cả sự bạo tàn của thiên nhiên. Rung cảm trước tình người, sự đối đãi giữa con người. Hà Giang tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Một kẻ tít tắp từ phương Nam là tôi đã phải lòng với tất cả những gì trông thấy. Đẹp và đong đầy hiện thực. Sự khắc nghiệt của thiên tai, gió mưa, sạt lở được khắc họa lẫn chen với nét tinh khôi của bé thơ và sự đùm bọc của tình cảm gia đình, tình cảm đồng loại.  

Nửa đầu của bộ phim tạo cho tôi một thiện cảm rất lớn. Cái đẹp giăng ra hàm chứa bao nhiêu vấn đề thời sự mà tôi đã từng được nghe về vùng đất này và giờ đây mới thật sự cảm thấu. Tuy nhiên nửa sau của bộ phim, khi mà nhân vật chính bắt đầu chuyển dời bước chân của mình tiến về đồng bằng, phản ứng trong tôi không thể tăng tiến sâu hơn, xa hơn.

Hai bố con từ quê ra thành thị, từ Hà Giang đến Sài Gòn. Cái hiểu của tôi giản dị là vậy. Có hai bối cảnh. Một là Hà Giang. Hai là Sài Gòn. Khi đến Sài Gòn, một chiếc xe bus lướt qua rất nhanh. Nhưng tôi có thể nhận ra đó không phải là bus Sài Gòn mà là bus Hà Nội. Đây chỉ là một điểm rất nhỏ. Tôi tin rằng dù đúng dù sai thì cũng không hề quan trọng. Nhưng rồi càng về sau, càng về sau, tôi nhận ra rằng Sài Gòn trong khung hình không phải là Sài Gòn của tôi rồi. Không có một phương ngữ Nam Bộ nào cả. Tôi có thể hiểu đây là thủ pháp của đạo diễn. Sài Gòn với anh chỉ là một ước lệ hoặc nghiêng về ước lệ nhiều hơn là hiện thực. Anh chỉ nương vào ước lệ để gửi gắm thông điệp của mình. Chất thơ có phần lấn át chất đời trong nửa sau câu chuyện tình cha con. Và đây là nguyên do chính khiến cho tôi bị dùng dằn trong sự nghe, sự nhìn, sự cảm.

Với một người nước ngoài khi xem tôi tin họ sẽ không gặp khó khăn đó. Còn với tôi, một người ít nhất đã sống ở Sài Gòn 28 năm, mong ước của tôi chỉ là một âm thanh thân thuộc, một tiếng nói thân thuộc của thành phố. Tôi chưa có mong ước khác. Mới chỉ dừng ở đó thôi! Mà cái đó tôi không được đáp ứng. 

Với một bộ phim như CCC, tôi tin rằng một lần xem là không đủ. Cần phải có lần hai, lần ba để dần dần chạm vào tâm tư người đạo diễn. Nhưng tiếc là, những ngày đó, những ngày tháng 4, tôi chưa có đủ say mê, động lực và cả tình yêu để có thể kiên nhẫn cùng tác phẩm này. Dẫu vậy tôi vẫn rất quý mến bộ phim. Phim dễ chịu và xem được đối với tôi. Phim khiến tôi yêu đất nước hơn, yêu phim Việt hơn nhưng tôi cần một phản ứng đặc biệt đủ khiến cho tôi phải quay lại. 

Sẽ có một bộ phim khác làm được điều đó. Chỉ khoảng 2 tháng sau. Ngày 9 tháng 6. 

#Nhiên
6.4.2017