26.8.18

Mồng mười tháng ba | CCC#1

Đạm Nhiên, Cha Cõng Con, Góc O, Góc Nghệ
Hôm nay 6 tháng 4. Con số 6 và 4 về sau tôi có thể quên. Nhưng với dãy số nằm dưới thì không dễ đâu.Trái lại. Muôn đời nhớ. 

Mồng 10 tháng 3. 

Rạp đông. Có thể vài khoảng trống chưa lấp đầy. Nhưng hẳn là gần kín, vượt xa khỏi 2/3 và gần chạm 3/3 lượng ghế. Tôi vui vì điều này lắm! 

Suất chiếu hôm nay là 11:25. Tôi không bao giờ đi coi phim vào cái giờ ngang trái này. Nhưng hôm nay là lễ của quốc gia. Cách rạp không xa, ước chừng 1777 bước (nếu cái ước chừng đó sai lạc thì là trong khoảng chưa tới 10 phút tản bộ), có một đền thờ không lớn nhưng đủ để thành kính quy nguyện. Có tất cả 3 đền thờ vua Hùng trong thành phố này. Một ở quận 9. To lớn nhất. Một ở Thảo Cầm Viên. Lâu đời nhất. Và thứ ba là cách tôi 10 phút đi bộ. (Đúc kết ngắn gọn về đặc tính về từng nơi tôi nghĩ phải kiểm tra lại vì tôi rất dốt lịch sử).

Điểm cộng nữa là có một công viên lớn kề bên. Điểm cộng nữa. Các tuyến xe bus dọc ngang tiện lợi. Tôi yêu rạp này là vì thế dẫu cho rạp cách rất xa nhà. 

Trong ngày đặc biệt này, tôi có thể thảnh thơi rảo bước đến đền thờ. Chấp tay cúi lại, một nén tâm hương không khói. Mang hết dư ba này vào rạp hẳn là sẽ giúp ích rất nhiều cho năng lực cảm thụ. Sau buổi chiếu tôi có thể dùng bữa cùng Linh Âm. Tiếp nữa, cả hai hoàn toàn có thể lòng vòng khắp cả Quận Nhứt. Mà Quận Nhứt chính là Sài Gòn. Sài Gòn trong bước chân. Trong bước chân, Sài Gòn mới thực là Sài Gòn.

Viết ra như vậy thì mới thấy suất chiếu vào lúc 11:23 cũng đâu có trái ngang nào. Hợp lý. Hợp tình. Hợp đạo. 

Trước đó, khi xếp hàng, trông thấy dòng người đông đảo, tôi có phần sợ hãi. Nghĩ rằng sẽ không mua được vé. Đến sát giờ mới mua thì nguy cơ không có ghế tốt đã đành mà coi chừng còn không mua được cả vé. Nhưng may quá vẫn giữ được một cặp ghế đẹp. Lựa chọn của tôi là một bộ phim Việt Nam. Dĩ nhiên rồi! Lúc nào cũng vậy! Trên tường dán đầy các tấm ảnh cũa những khuôn mặt Mỹ Châu, Á Châu. Tôi rất tiếc vì nói không với họ. Nếu không có phim Việt nào thì tiếp tục cái thú lang thang phố phường. 

“Việt Nam hay là không!”. 

Đây không phải khẩu hiệu mà đã là hành động. Không đến mức tuyệt đối nhưng tôi luôn ưu tiên cho những cái tên Việt. Tôi nghĩ hành động này của tôi là kết quả từ một tư duy độc lập. Không một bàn tay nào đã tác động. Tôi dựa trên trực giác. Xem một đoạn phim ngắn. Nếu có thời gian, tôi đọc thêm về đạo diễn và dự những buổi nói chuyện của họ. Đó là 2 nguồn cấp thông tin của tôi cho một quyết định xem phim. Cũng có lúc tôi sai bét nhè. Nhưng trực giác đâu phải tự nhiên mà có. Nhờ vài lần kinh qua một thảm họa nghe nhìn tôi tự rút cho mình những đúc kết. Và tôi cảm ơn cái gọi là thảm họa. Không một chút miệt thị, mỉa mai nào. Tất cả đều là bài học thưởng thức. Và mình cảm ơn tất cả những trải nghiệm.

Tuy vậy, tôi muốn thành thật. “Không dễ gặp được một bộ phim Việt hay đâu!”. Tôi khẳng định như thế. À, nhắc đến “hay” thì có lẽ cũng đã hơi quá rồi. Tôi chỉnh lại, “xem được”. Gặp được một bộ phim mà mình xem và cảm thấy việc đến rạp của mình không phải là một sự lãng phí thì với tôi đó là phần thưởng. Phim ở đây phải nói rõ là phim điện ảnh, đúng chuẩn điện ảnh, thuần túy điện ảnh. Nhưng mà ít lắm! Và tôi không biết là thông tin về bộ phim tôi xem hôm nay có đến được với nhiều người hay không nữa. Về sau, mãi về sau, tôi mới hay là không nhiều người biết. Ít lâu sau buổi hôm nay thì phim cũng biến mất khỏi rạp. 

Phim Việt xem được đã ít. Thế mà lại gặp thêm tình cảnh này. Mỗi khi bước vào rạp nhìn thấy tràn ngập trên tường một sự áp đảo rõ ràng về số lượng nội ngoại, tôi thắc mắc nhiều lắm. Những người ở trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm gì trong năm nay và những năm qua? Có một chính sách bảo hộ phim Việt nào không? Chẳng hạn quy định số giờ chiếu phim Việt trong một năm? Có một nguồn quỹ quốc gia nào không để hỗ trợ những nhân tài viết kịch bản, quay phim, đạo diễn? Bộ Giáo dục và Đào tạo có bao giờ nghĩ tới chuyện đưa kiến thức điện ảnh vào chương trình học đường ngay từ cấp tiểu học? Tất cả những con người đó, những con người có trách nhiệm nghề nghiệp và lương tâm, liệu có trăn trở nào không mỗi khi bước vào một rạp chiếu và nhìn thấy một sự xâm thực văn hóa, xâm thực trong thể loại đã xảy ra và đang xảy ra?

Tôi đặt mấy câu hỏi này rồi tôi thấy mình cũng hơi viễn vông. Nói gọn là tôi hơi quỡn. Và tôi phát hiện trong thâm tâm của tôi không có nhiều sự tôn trọng. Khi đặt câu hỏi hướng đến bất kỳ một đối tượng nào, khoảnh khắc câu hỏi nên hình thì đó cũng là lúc buổi đối thoại đã bắt đầu. Trong đối thoại luôn cần thiện chí. Tôi nhận ra ngay lúc này, ngay lúc viết những hàng này, thiện chí của tôi không nhiều. Cho nên vấn đề không phải là đối tượng của câu hỏi. Vấn đề là người đặt câu hỏi. 

Vấn đề gì? 

Văn hóa tranh luận. Bộ môn này cũng cực kỳ quan trọng. Xem phim thì phải học. Để trở thành khán giả cũng phải học. Và tranh luận cũng phải học. Có kiến thức thì mới tranh luận được. Nhưng trước đó là bài học về văn hóa tranh luận. Phải học cách nhận ra thái độ tranh luận của mình và liên tục điều chỉnh để không sa vào trạng thái cảm tính, tiêu cực hơn là sự hung hăn, bất chấp để rồi kéo câu chuyện đi xa, chuyển dời sự tranh luận sang công kích đời tư, sang truy vấn lý lịch. Chưa dừng lại, tôi có thể còn kéo thêm vây cánh, dùng sự đơm đặt và sức mạnh bầy đàn để tấn công một cá thể. Người ngoài cuộc nhìn vào, họ không thấy chủ đề của sự tranh luận được khai triển ra sao. Họ chỉ thấy tôi, một tên lưu manh, trí trá ẩn mình trong những ngôn từ tri thức.

Thế nên con đường để trở thành một khán giả lương thiện còn dài lắm. Đích đến còn mù khơi. Thế nên phải biết thưởng thức những niềm vui trên đường, bên đường! Tôi phải vui sống hôm nay. Mà không cần “phải”. Vui thiệt! Vui tự nhiên. Vui không cần gồng cố. Rạp đông. Cái hiện thực phim ra khỏi rạp sớm và các suất chiếu thì vắng khách đó là cái tôi chỉ được nghe nói lại. Đạo diễn nói và báo đài nói. Đó là chuyện ở thì tương lai. Còn hiện tại mà tôi đang thấy đây thì rạp đông. 

Trong một ngày này như thế này, lại có một bộ phim xem được và đúng là vậy. Rạp lại đông. Vui vui vui. Vui lắm!

#Nhiên
6.4.2017