Tôi chưa từng nghe đến một điều gì đó gọi là “Song Lang” bao giờ? Phải đến khi bộ phim điện ảnh cùng tên trình chiếu những đoạn phim ngắn vào tháng 7.2018 thì thắc mắc “Song Lang? Song Lang là gì?” mới nên hình.
Tôi nghĩ ngay đến “Lang” trong Phạm Huỳnh Tam Lang, tên một danh thủ bóng đá nổi tiếng của Việt Nam. “Lang” có lẽ mang ý nghĩa nhắc đến một người đàn ông và thường là có ý xưng tụng hay trân trọng. Nếu kèm theo “lang” trong tên gọi một người thì hẳn là ta đang nói về tuổi trẻ, những tháng năm rực rỡ. Do vậy, tôi vội đoán định “Song lang” có ý hướng đề cập đến 2 chàng trai. Nhưng rồi sau đó, vì biết rằng phim này bắt rễ từ nguồn cảm hứng đờn ca tài tử nên tôi liền dựa vào một nguồn tham khảo, cuốn sách duy nhất mà tôi có về đề tài này. Đó là quyển “Nguyễn Vĩnh Bảo, những giai điệu cuộc đời (NXB Hồng Đức, 2015)”.
Sách được đề tặng bởi chính thủ bút của Nhạc Sư vào ngày 14.1.2016. Đó cũng là cột mốc đánh dấu ý định muốn tìm hiểu âm nhạc dân tộc của tôi, tìm hiểu thật sự, tìm hiểu nghiêm túc. Bắt đầu từ việc đọc sách, về sau là học chơi một loại đàn. Tuy vậy, ngay ở bước tiếp cận đầu tiên, tôi đã gặp nhiều khó khăn. Cuốn sách không cho tôi niềm say mê dấn thân. Đúng hơn là tôi nghĩ chắc là mình quá ngu muội nên cảm thấy rất khó khăn để đọc hết chỉ khoảng 300 trang giấy. Rồi tôi cũng dừng lại sự đọc của mình sau những lần ngắt quãng. Kiến thức không thu thập được bao nhiêu. Ký ức đẹp nhất không phải ở sách mà là quãng đường ôm sách đến tận nhà Nhạc Sư. Cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại có thể tìm được cách liên lạc rồi bất ngờ nhận được sự trả lời trong một khoảng thời gian nhanh đến vậy. Thư đi, thư về. Chỉ 1 ngày là có câu hồi đáp. Có lẽ những bước chân của ngày ấy, chuyến xe bus số 14 cộng thêm một lượt xe ôm rồi đoạn cuốc bộ loanh quanh mấy con hẽm, hay ánh nắng chiều ở điểm định vị Nhà thờ Thánh Mẫu Bà Chiểu sẽ mãi mãi là dấu son đỏ thắm. Sẽ không bao giờ có được một cuộc lữ như thế hay một trạm dừng như thế nữa. Mãi mãi. Thiên thu. Nhất là với việc Thầy đã chuyển về dưỡng chân tại quê hương Đồng Tháp trong tháng 5 của năm này.
Sáng hôm nay, một ngày tháng 7, tôi ngồi thư thả, để từng trang giấy, từng trang của quyển sách đã gìn giữ suốt 2 năm qua bay nhẹ trong lòng tay. Tôi thả bay trong sự tịch yên sâu lắng và ký ức về ngày ấy lại quay về. Phố phường, những vòng xe, ngã rẽ, cú điện thoại, giọng nói, căn gác nhỏ, ánh mắt nhìn, những ngón tay và tiếng đàn tình tang tang tình.
Phép màu. “Phép màu”, tôi có thể nói như vậy. Song Lang là ai? Song Lang là gì? Tôi chưa hề biết. Tôi mong được biết. Và lời đáp đã trùng phùng với tâm tư. Hai tiếng “Song lang” bất ngờ xuất hiện. Ngón tay bám chặt. Trí óc bừng sáng.
Trang số 124, dòng thứ 14 viết ghi:
“Ý tưởng về sự gõ gạc giữ nhịp của mõ sừng trâu đã hướng đến việc sáng tạo ra chiếc song lang, một nhạc cụ nhỏ bé nhất, đồng thời cũng là nhạc cụ có giá trị đặc trưng nhất trong dàn đờn ca tài tử. Chính căn cứ vào chiếc song lang gõ nhịp nho nhỏ nhưng độc đáo này mà các loại nhịp (nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu, nhịp ba mươi hai, nhịp nội, nhịp ngoại v.v….) được quy định theo bài bản. Căn cứ vào đó mà trở thành “quy luật âm nhạc”. […]. Song lang không chỉ đơn thuần giữ nhịp mà còn có vai trò “chỉ huy”. Vì vậy người chơi song lang là người “thầy đờn” nắm vững bài nhạc và dẫn đạo cho buổi diễn bằng cách “đạp” song lang ở chân trong lúc đàn. Đó là chưa kể đến âm hưởng thẩm mỹ của tiếng song lang vang vọng trong tâm thức người chơi lẫn người nghe…”
Suốt những ngày sau đó, cứ lần nào dở sách ra, tôi cũng tìm lại đoạn này mà đọc. Điều khiến tôi phấn khích nhất không còn là sự giải thích tường tận. Định nghĩa, sự diễn bày các khái niệm chỉ có thể đem tới niềm vui ngắn ngủi. Chỉ có triết lý, bản chất bên dưới mọi hiện tượng mới là suối nguồn cho những thống khoái miên trường. Nhỏ bé nhất mà đặc trưng nhất. Giữ nhịp mà cũng chỉ huy. Đó mới chính là kho báu tôi tìm thấy trong song lang. Cái nhỏ là cái toàn thể. Cái nhỏ là cái quyết định. Và nhỏ là đẹp. Nhỏ là đủ đầy. Tôi đã tin, hằng tin sâu sắc vào chân lý ấy. Và giờ đây, song lang đã đến, song lang đã xuất hiện không chỉ như một điềm báo mà là một ấn tín, một ấn tín để đức tin trong tôi được lâu bền thêm hơn.
Tin vào sự nhỏ nhoi.