Ít khi tôi ăn ở bên ngoài, trừ trường hợp ai đó cần gặp mình và kết hợp luôn chuyện dùng bữa. Trong lần hiếm hoi này, tôi chọn một quán chay nhỏ, nấu theo kiểu lành và thanh ở quận 5. Khi vừa bước vào tôi nhận ra một khuôn mặt quen, một dáng hình đã in trong niềm nhớ.
“Xiếm Hoa. Cô Xiếm Hoa đây nè!”, tôi giữ âm thanh đó thầm thì bên trong. Thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn. Số phận thật đúng là không như trời định. Số phận là những người mình gặp. Đã gặp Xiếm Hoa ở quán Đêm Trắng giờ gặp Xiếm Hoa ở nơi khác, cũng là quán ăn. Trước là phim. Giờ là đời. Cử động của xương hàm rất từ tốn. Chẳng hiểu đó là vì do khi ăn cơm lứt bắt buộc phải ăn như vậy. Hay là vì cô đã chọn sự ăn chậm nhai kỹ như một nếp sống. Cô chỉ ngồi một mình. Tôi không nhìn cô lâu vì phép lịch sự. Hơn nữa, cần phải tập trung vào người bạn đi cùng. Một hồi sau, tôi quay lại thì Xiếm Hoa, chính xác hơn là diễn viên Ngọc Hiệp đã rời khỏi tự lúc nào. Thoắt ẩn thoắt hiện đó khiến tôi bần thần một lúc. Chẳng hiểu trưa hôm nay là hiện thực hay là tôi đã rơi vào mộng tưởng?
Đảo Của Dân Ngụ Cư (#ĐCDNC) đã kết thúc. Từ lâu. Nhưng sự thao thức của tôi với từng nhân vật vẫn chưa dừng lại. Tôi vẫn lần theo vết dấu của họ. Đêm ngày.
Điều tôi muốn là chân hình, hình ảnh chân thực hay có thể gọi theo một danh xưng khác là nguyên ảnh (archetype), ảnh hình ban sơ của họ. Xuyên thấu vào trong câu chuyện, trong tâm thức, sự có mặt của họ có chức năng gì, về mặt tâm lý học và về cấu trúc của một câu chuyện, của một kịch bản điện ảnh? Và tôi vừa mới gặp Xiếm Hoa. Một diễn biến chứng tỏ rằng những gì đang xảy ra bên trong tôi không phải là sự hoa mỹ của ngôn từ. Thực là vậy! Tôi vẫn đang truy lùng nguyên ảnh của từng người.
Điều tôi nhớ đến đầu tiên khi nghĩ về ĐCDNC, tính thêm sự liên quan của Xiếm Hoa chính là hình ảnh chiếc chuông cửa. Phước đã đến giật chuông. Người ra mở cửa cho anh vào chính là Xiếm Hoa. Đây là tình tiết khiến tôi nghiền ngẫm rất lâu. Cánh cửa là một biểu trưng cho lằn ranh giữa hai thế giới. Khi Phước bước qua cánh cổng của quán Đêm Trắng thì đó cũng là lúc bánh xe câu chuyện vận hành. Xiếm Hoa in dấu tại chính mốc điểm này. Tôi đã nghĩ ngay đến nguyên ảnh “người gác cổng” hay “kẻ giữ đền”. Đây là kiểu nhân vật mà hoạt động nổi bật nhất của họ là đưa ra những thử thách. Khi nhân vật trung tâm (nguyên ảnh “anh hùng” mà tác phẩm này là nhân vật Phước và Chu) muốn thực hiện kế hoạch của mình thì bài kiểm tra đầu tiên sẽ đến từ “người gác cổng”. Về mặt tâm lý, để có được một thói quen hay trước nhất là một tư duy mới luôn cần những bước đệm, hay ít nhất là một từ khóa, một câu nói tạo đà để mở ra một vùng trời khác, khác hoàn toàn với tất cả những nếp nghĩ trước nay. Nguyên ảnh “người khác cổng” được tạo ra là để đáp ứng cho diễn tiến vừa kể.
Một tình tiết khác, căn phòng của Xiếm Hoa có một cơ quan bí mật, đó là một sợi dây nối đến phòng của Chu. Nếu có chuyện khẩn cấp gì cần đánh động, Xiếm Hoa sẽ giật dây để Chu biết. Điều này khác nào Xiếm Hoa cũng là “người gác cổng” cho Chu. Đó là lý do vì sao nguyên ảnh “người gác cổng” đã đến với tôi ngay lập tức khi nhìn vào nhân vật Xiếm Hoa. Vị trí xuất hiện của cô gợi rõ lên liên tưởng đó. Tuy nhiên, “những bài kiểm tra”, chi tiết quan trọng nhất thì lại không có. Cô không đem tới một khó khăn nào cho cả Phước, lẫn Chu. Vì là người chăm sóc cho Chu và cũng là người coi sóc luôn cả hoạt động (cả phần sổ sách, khâu thu mua và thu chi của quán Đêm Trắng), Xiếm Hoa nắm giữ vô vàn thông tin. Cô biết mọi điều của Đêm Trắng và thế giới ngoài kia (thế giới mà Chu luôn mơ tưởng). Xiếm Hoa vì vậy mờ nhạt trong nguyên ảnh “người gác cổng” mà đậm nét hơn trong nguyên ảnh “sứ giả” hay “người truyền tin”. Chắc chắn là những mẫu chuyện hằng ngày mà Xiếm Hoa nói cho Chu, chuyện về người, chuyện về cảnh đã nhen nhóm dần lên trong Chu những mong ước “ra khơi”, thoát khỏi góc tối bé nhỏ và chật hẹp của mình. Về mặt tâm lý, nguyên ảnh “người đưa thư” có chức năng làm phát triển nhận thức của nhân vật trung tâm về một thế giới khác. Và từ những lần đánh động vào tư duy, một quyết định dấn thân chắc chắn sẽ được lập nên về sau.
Xuyên suốt câu chuyện xê dịch của nguyên ảnh “anh hùng”, với Phước là từ thấp điểm (phòng của gia nhân) đến cao điểm (căn gác phòng của cô chủ), với Chu là từ nơi giam hãm (căn phòng có song chắn) đến bờ tự do (biển cả), Xiếm Hoa luôn ẩn hiện ở những phân đoạn quan trọng nhất. Những hé mở thông tin từ Xiếm Hoa giúp người xem dần vén lên những tấm màn bí ẩn của Đêm Trắng. Thời lượng xuất hiện không nhiều nên chắc chắc Xiếm Hoa là tuyến phụ. Đó là xác quyết đầu tiên. Các thông tin mà cô đưa ra có lợi cho Chu nhiều hơn là Phước. Đây là xác quyết thứ hai giúp tôi củng cố cho suy nghĩ trái tim của bộ phim này nằm ở nhân vật Chu. Hay nguyên ảnh anh hùng thật sự của phim này là Chu. Và vì sự chuyển dịch, thay đổi của Chu mà tánh nữ của câu chuyện được thành hình. Tánh nữ hay tánh nam không do giới tính quyết định mà là do đặc tính của sự chuyển biến trong nhân vật trung tâm. Về phần mình, Xiếm Hoa luôn ở vào thế giúp đỡ hoặc đồng lõa với Chu trong kế hoạch trốn thoát, nguyên ảnh “người truyền tin” có thêm dáng nét của nguyên ảnh “bạn đồng hành” mà cụ thể hơn là “đồng minh”.
Với tôi như vậy Xiếm Hoa giữ cả 2 nguyên ảnh trong tác phẩm này. Là vai phụ và biểu hiện từ hình ảnh ban sơ của một “sứ giả” và “đồng minh”. Tôi vẫn hơi tiếc rằng lối ra cho Xiếm Hoa trong ĐCDNC dường như chưa được trọn vẹn. Hẳn là cần phải có thêm một chút ánh sáng cho mạch dẫn của nhân vật này.
Tôi vẫn chưa bằng lòng với kết luận về nguyên ảnh của Xiếm Hoa. Nhưng có muốn viết thêm thì cũng bất khả. Sự khờ dại về thuật kể chuyện của điện ảnh nơi tôi vẫn còn bao la. Con đường để giảm thiểu những ngu si không gì khác hơn là tiếp tục lắng nghe, tiếp tục lặng nhìn và học hỏi.
#Nhiên
14.8.2018
T/B: Tôi gặp Xiếm Hoa chẳng rõ là vào tháng mấy, hẳn là tháng 10.2017, trưa thứ 5 hay là một trưa nào đó. Thực ra chuyện gặp Xiếm Hoa ở ngoài đời không quan trọng lắm. Có hay không không phải là vấn đề. Cái thiết yếu là nguyên ảnh.