Số trạm dừng trong lần xem thứ 2 của tôi là 16. Nghĩa là thời gian di chuyển xe bus bớt đi một nửa. Quãng đường ngắn lại. Bất ngờ có thể đã không còn. Tuy nhiên, ước muốn thưởng thức #SongLang vẫn nguyên vẹn, nếu không muốn nói là tăng thêm nhiều phần.
Những phim “như là Song Lang” luôn luôn có một phản ứng theo kèm. Không phải là một trái quýt dễ đoán mà là một khối, một khối lập phương, sẽ rơi vào bàn tay, rơi vào tâm tư kẻ thưởng thức khi ra về. Muôn ô màu đa sắc tiếp tục chuyển động, xoay đổi dọc ngang. Nội tâm vì vậy không thể nào còn là một dòng chảy lững lờ, lơ đãng.
“Ai là Anh Hùng?”, niềm hồ nghi ấy hắt chiếu trong lòng vào ngày 16 tháng 8. Lời thoại, hành động, các sự kiện sống động khởi quay trở lại. Rồi câu đáp dần dà, từ tốn, chậm rãi, hiện ra. Khoảnh khắc ấy…
…thật tuyệt vời!
Nỗi phấn khích lan toả khiến cho tôi muốn đóng băng hình hài để tâm thức tiếp tục mang đến thật nhiều, thật nhiều bằng cớ hơn nữa, hơn nữa. Tôi đến rạp trễ 10 phút là vì vậy (Không sao, rạp thường phát quảng cáo. Dù có đến trễ 15, 20 phút thì vẫn kịp. Còn tránh khỏi những ồn ào gây phân tán. ^^). Kế hoạch, giờ khởi hành bị trì hoãn là bởi vì những ngân vang cứ to nhỏ thầm thì:
- Dũng
“Ai là Anh Hùng?”, tôi hỏi. Tư duy logic và có lẽ cả 8 tầng nhận thức đều hồi đáp:
- Dũng
Đêm hôm qua, lời ca, tiếng nói, ảnh hình của Linh Phụng và nhất là cái kết, cái kết cùng trăm ngàn hụt hẫng, tất cả, những yếu tố vừa kể đã chen chúc trong lục căn. Chúng tràn ngập và khống chế không cho những ô màu khối lập phương chuyển động. Phải đến sáng hôm sau, kéo dài đến buổi trưa, sát gần giờ ra rạp lần hai, trí óc mới trở về đúng tập quán: Xác định vị trí Anh Hùng trong một câu chuyện.
Không phải Phụng. Là Dũng. Một bài toán không quá khó. Nhưng vì làm bài trễ. Thế nên đáp số đến thật muộn màng.
Nhắc đến một tác phẩm điện ảnh tức là đề cập đến hằng trăm con người đằng sau. Vì sự tôn trọng và cả phép tắc ứng xử, thật không phải khi tô điểm vào duy chỉ một người mà quên đi lao tác của những người khác. Tuy vậy, nếu nhìn ngắm Song Lang theo ý nghĩa nguyên bản, “một câu chuyện” thì không còn cách nào khác. Như một cơ thể sống vậy, Song Lang cần có một trái tim. Chỉ một trái tim. Trái tim ấy của ai? Của Dũng.
Được một lần sống đời Anh Hùng, được một lần đập nhịp đập của trái tim câu chuyện, tưởng không còn hạnh phúc nào sánh hơn. Tôi vội nghĩ diễn viên nào thủ vai này hẳn phải là người vui sướng nhất đêm qua và ít nhất niềm hân hoan sẽ còn dài xa đến hết tháng. Không dễ để có một trường hợp như Song Lang để người nghệ sĩ thể hiện, để người khán giả phân tích và để đôi bên cùng sống trong sự trao dồi khả năng cảm thụ. Dù không có một chút liên quan máu huyết, tôi còn các gánh thêm cả nỗi âu lo cho kết cuộc của Song Lang. Tôi lan sang ngóng trông, hồi hộp trước nhận định của những nhà chuyên môn có tầm ảnh hưởng. Nhưng thôi, tôi sẽ còn đề cập đến diễn tiến này trong một trang khác. Trở về với sự nguyên bản, “một câu chuyện”, có lẽ hơi vội vàng nhưng tôi xác quyết và tin rằng không một ai có thể phủ nhận điều này. Một thực tế không thể tranh cãi:
- Dũng là Anh Hùng.
Dũng là linh hồn của Song Lang. Con đường Song Lang vì vậy là con đường của Dũng. Hành trình đó đã được phác thảo như thế nào? Trí nhớ của tôi hiện lên con số 4. Qua chừng nửa giờ đồng hồ, đã có 4 sự kiện, liên tiếp nhau, hiện tượng có khác nhưng bản chất là một. Đòi nợ.
Lần đầu tiên xảy ra nơi khu chợ. Công năng giới thiệu Anh Hùng và thế giới anh ta thuộc về. Lần thứ hai, tại một quán điện tử, anh thu về một vật dẫn. Ý nghĩa và công năng của nó sẽ được giải mã mãi về sau. Lần ba, anh nhìn thấy rạp hát, nguồn sáng mê hoặc, thiên đường, thế giới mới khác xa nơi tăm tối mà anh đang hiện hữu. Lần bốn, luyện ngục hiển bày. Đó có thể hiểu như một biến cố hoặc thử thách có tác dụng thức tỉnh hoặc giục giã Anh Hùng ra khơi.
Tôi không rõ trật tự của các lần giới thiệu có khớp đúng như vậy không. Nhưng chắc chắn chúng đã diễn ra và cả bốn đều thuộc quyền sở hữu của Dũng. Hơn nữa, đặc biệt và cực kỳ hệ trọng, trong 4 lần ấy, Dũng đã gặp Linh Phụng.
“Linh” và “Phụng”. Cả hai, chỉ cần đứng riêng rẽ, đã là ẩn ngôn tuyệt vời. Phụng là gì? Từ ngữ không có gì là bí mật. Chỉ cần danh xưng ấy cất lên, đôi tai đã được gợi khiêu hình ảnh của bầu trời, của đôi cánh. Phụng là bay lên, là tự do, là phép lạ, là hạnh phúc. “Linh” đứng trước, tiếp thêm hương khói thiêng liêng và lòng hướng thượng. Ngữ nghĩa như vươn vai, cất cao tiếng hát dự báo về cuộc phiêu lưu của người hùng.
“Linh”, không dừng lại ở đó, còn là một nhắc nhớ cho tôi về 2 tiếng. Linh âm hoặc linh dương. Ở Song Lang, Linh này linh âm (Anima). Tôi hiểu xúc tích mô tả này là nhắm đến một dạng mẫu tượng, một nguyên bản trong truyện cổ xưa. Linh âm là ai? Linh âm là đồng minh, là tình nhân, là đạo đức, là minh triết sáng soi cho người hùng.
Song Lang quyến rũ mê say? Song Lang là cầu vồng? Mọi kết quả tích cực tùy thuộc vào cuộc gặp gỡ của Anh Hùng và Linh Âm. Chuyển động từ Dũng và Phụng, những gì gây nên bởi hai con người này có tính chất quyết định vận mệnh của Song Lang. Năng lực diễn xuất sẽ được nhắc đến nhiều lần vì tầm quan trọng. Nhưng ẩn bên dưới và là căn nguyên vẫn là cách nặn tượng, cách thổi hồn cho nhân vật, cách sắp đặt tình huống, cách xây dựng nước bước cho 2 con người. Vạn sự quy một. Ở Song Lang là một sự hiệp lực từ hai phía. Vạn sự bắt đầu từ đấy, từ con chữ, từ tập giấy bút của 2 nhà biên kịch.
Đường Dũng đi do vậy không thể nào là một con đường bằng phẳng, thi vị. Ở đây không chỉ cần tới sự giàu có của mỹ học. Dũng không phải Nhà Thơ. Dũng là Anh Hùng. Không thể nào chỉ là một con đường mờ ảo, sương mù. Cần ghập ghềnh. Cần trắc trở. Và trước tiên phải là một con đường sáng tỏ, đậm nét những dấu ấn. Và trên con đường ấy, ai? Ai sẽ là cố vấn yểm trợ? Ai sẽ là sứ giả truyền tin? Ai sẽ là thử thách ngáng trở? Ai sẽ đưa Dũng lướt thuyền trên tử sinh ba đào?
Nếu tất cả những dấu hỏi này được hồi đáp rành mạch, tận thấu, tôi liều tin sức thuyết phục của nhân vật Dũng, trái tim Song Lang, sẽ đạt tới độ biểu đạt cũng như nội hàm cao cường. Bằng không, dư ba của tác phẩm là không thể, không thể dài lâu. Một điều hệ trọng, theo cạn nghĩ của tôi, nếu đã có Linh Âm thì Linh Âm có thể lấp lánh nhưng không thể lấn át Anh Hùng ở mặt thị giác, thính giác và cảm xúc. Nguồn sáng duy nhất phải là Dũng, chỉ Dũng, riêng Dũng.
Khi tôi viết đến dòng này, giọng độc thoại của gã chơi đàn kìm, con trai ông Tư Sáng, bỗng dưng quay lại. Một mùa xuân, mùa của Đẹp Lành tái lai, mai phục tâm trí. Suốt một ngày, tôi đã quên mất đi hoạt ảnh đó. Muôn ô đa sắc hẳn là đã thật sự chuyển dời bên trong. Màn giáo đầu đang một lần nữa trình hiện. Huyền ảo. Khói loang. Đại hồng chung vừa gióng. Cổ tự đã hóa thành. Tiếng ai đang nỉ non. Lời của Thế Gian Âm xen lẫn trong Diệu Âm tịch tĩnh. Một thanh niên tuấn tú trầm tưởng. Song lang trên tay cầm.
Liệu rằng anh sẽ giữ chắc khí cụ ấy trên những chặng đường tiến về ánh sáng? Đích đến của anh không chỉ là nghệ thuật nước nhà. Đường không phải là đường Đờn Ca. Đích đến của anh không chỉ là một mối tình e ấp. Đường không phải là đường Tình Yêu. Đường của anh, đường của người anh hùng chân chính là sự phục thiện. Không phải đường cong (Tà) mà là đường thẳng (Chánh). Không luồn cúi mà hiên ngang. Rời Tà theo Chánh. Đường anh đi.
#Nhiên