27.8.18

Lần thứ V | SL#11

Song Lang, Đạm Nhiên, Điện ảnh, Góc O, Góc Nghệ
Khi tôi viết dòng này thì đồng hồ hiện con số 19:52. Trong con hẻm nhỏ, tiếng la hét thỉnh thoảng vang lên. 

Kế hoạch của tôi, lần thứ V, là đêm nay. Tôi chọn giờ đêm để tiếp tục gom thu phản ứng của đám đông khi xem phim tại rạp. Tuy nhiên, ở đất nước này, bóng đá là căn nguyên sâu nhất, lớn nhất cho sự vân tập của quần sanh. Xếp trên tất cả. Điện ảnh xếp sau. Không phải là ngay dưới. Trong một khoảng tít tắp mù khơi nào đó.

Bóng đá, tình yêu lớn với ai và cũng lớn với tôi. Nhưng cũng với tôi, hiện tại, bóng đá xếp sau một tình yêu khác. Điện ảnh. Nếu chỉ cho riêng mình thì có lẽ tôi cũng đã bất chấp mọi đám đông và mọi biểu hiện của tâm thức cộng đồng. Nhưng ở lần thứ V này, tôi không đơn thân. Tôi có một người đồng hành. Không phải Đồng Minh, không phải Linh Âm, không phải Gia Đình. Người đó không đi giờ khuya được. Tôi đổi lại giờ xem phim là vì người này, không phải vì U23, không phải vì tôi. Vì người này, tôi có thể bỏ hết, bỏ cả Bản Ngã.

Ai vậy? Không phải 4 nguyên ảnh vừa kể. Ai đó?

Tuệ Giác. Nếu mô tả nguyên ảnh như vậy có vẻ hơi quá thì tôi đổi là Kinh Nghiệm, là Từng Trải, là Người Thầy, là Cố Vấn. Chọn danh xưng nào bây giờ? Tôi chọn Từng Trải.

Từng Trải đáng tuổi mẹ tôi. Hơn luôn! 69 tuổi rồi. Điều quan trọng là Từng Trải đã trải qua cảm giác chen chúc để lấy một chiếc vé coi hát của nghìn chín bảy mươi. Từng Trải đích thực đã tham dự vào Sài Gòn thuở ấy. Trước và sau cột mốc 1975. Và Từng Trải có thể tặng gửi cho tôi bao nhiêu dữ kiện quý báu về tình hình của Sân Khấu, của Cuộc Đời nghìn chín tám mươi. Cái gọi là “Sân Khấu và Cuộc Đời hòa quyện”, cái câu móc xâu đó, tôi có thể nghe được nhiều hơn một hàng chữ từ Từng Trải.

Buổi hôm nay thật sự là vô giá. Nhờ toàn bộ thông tin từ buổi đối thoại sau giờ chiếu, tôi cảm giác như mình có thể định lượng được đâu trong tôi là cộng nghiệp, đâu trong tôi là biệt nghiệp. Khoảng 90%. 

Ngay lúc này, tôi nghĩ rằng mình hoàn toàn đã có thể lý giải đầy đủ cho trạng thái hụt hẫng, hoang mang, băn khoăn, nghi ngờ của mình sau khi xem Song Lang. Khoảng 90%. 

Tuy nhiên, viết ra hết tất cả thì bắt buộc phải có dẫn chứng kèm theo lý lẽ. Diễn tiến này phạm đến việc hé lộ tình tiết. Và không thể không tránh khỏi việc mổ xẻ và tùng xẻo cái kết của bộ phim. Đây là điều không nên, nhất là trong thời gian bộ phim vẫn đang trình chiếu.

Tại sao là không nên? Tôi buộc phải nhắc lại một đúc kết trước đây, gắn với một bộ phim khác. Khi đang trình bày những cái thấy, cái cảm của mình về một bộ phim mà phải nhắc đến bộ phim khác thì tôi tự quy mình vào thành phần bất hảo. Nhưng đành vậy, điều gì cũng phải có nguyên nhân, kết quả, đã mở ra thì phải khép lại.

Game of Thrones. Trong thời gian xem bộ phim này, nghĩa là ngóng trông hằng tuần trên kênh HBO, tức là tôi đắm chung trong dòng ngóng trông của toàn thế giới, tôi đã học được những bài học điểm phim, bài học đầu tiên. Hay có thể gọi là văn hóa điểm phim, văn hóa thể hiện cảm xúc về một bộ phim. Tôi ghi nhận được trạng thái khó chịu, bức xúc, bực tức, phẫn nộ của rất nhiều người hâm mộ khi ai đó kể lể mọi tình tiết trong một tập vừa phát. Việc nói ra hết những gì vừa trông thấy, đặc biệt là những diễn biến quan trọng thật sự là một điều cấm kỵ. Rất nhiều bài viết bị khóa phần nội dung. Có một câu cảnh báo “cân nhắc trước khi đọc”. Vì lẽ là bài viết đó cho biết một phần hoặc nhiều phần của tập chiếu. Hành động này phá hủy cảm xúc, triệt tiêu bất ngờ. Chính vì nguyên do này mà đã tạo ra một lớp khán giả tự động đóng bít giác quan nghe nhìn. 

Trong thời gian sau khi xem xong hay trước một tập mới, họ như người điếc, người mù, người câm. Họ không tham gia bất kỳ một cuộc tranh luận nào. Họ sợ cảm xúc bị tàn phá, họ sợ bất ngờ bị triệt tiêu. Và thứ mà tôi nghĩ rằng họ sợ nhất chính là bị đồng hóa với một cơ số con người. Họ muốn năng lực cảm thụ được mài sắc nhưng họ cũng muốn giác quan nguyên chất và độc lập. Tôi đã đứng về phía những con người này từ lúc nào. Tự tôi đã có một tuyên thệ, một lời hứa bất thành văn, một cam kết vô tự. Nếu sai khác thì tôi tự hiểu mình đã biến chất. 

Nhưng đó là quá khứ, quá khứ cùng GOT. Từ cái ngày gặp Đảo, Đảo Của Dân Ngụ Cư, tôi đã không còn là một người xem biếng nhác. Đôi mắt sau khi thấy Đảo đã không còn là mắt trinh ngày nào. Mắt tôi giờ đây không khác với mắt trên ảnh dán tường của Người Vợ 3 (đang tham dự Liên Hoan Phim Toronto). Mắt đã không còn là mắt trong mà đã là mắt nhiễm trần, mắt bụi đỏ. Thế nên tôi sợ hãi lắm! Tôi sợ không kịp chưng cất mà đã nóng vội tuôn ra tâm tư mình. Tôi sợ không biết hả hê, thể hiện, ăn theo… và tất cả những tên gọi về sự bất thiện ẩn núp trong nội tâm có đang khống chế, có đang huyễn hoặc mình hay không nữa? Tôi sợ biến hình thành một khán giả mất nết tự lúc nào mà chính tôi không hề hay, không hề biết.

Nếu tính đến ngày này thì đã có 11 bài liên quan. Tôi tự hỏi không biết mình đã mất nết hay chưa nữa? Vì tôi chỉ đọc kỹ mỗi bài viết sau khi vừa dứt. Sau đó thì tôi hiếm khi đọc lại. Tôi không biết nếu có ai đó chẳng may lướt qua những dòng tôi rồi họ nghĩ rằng đã biết hết về bộ phim và cảm thấy không cần phải đến rạp? Nếu có kết quả này thì tôi mất nết thật, tôi đã biến chất, đã xa những con người mà tôi xác định là đồng minh. 

Cho nên...

...tất cả những phân tích về ưu khuyết, được và không được, hay hay không hay, bao nhiêu điểm trên thang số 10, yêu hay không yêu, yêu bao nhiêu, không yêu bao nhiêu. Tất cả. Thành thực. Chi li. Và rõ ràng. Sẽ chỉ đến khi cái tên Song Lang không còn nằm trong lịch chiếu ở thành phố này cũng như toàn quốc.

#Nhiên