Đầu năm, tôi có ngồi viết vào sổ tay điện ảnh của mình bản danh sách phim cần xem. Tất cả đều là phim Việt. Tôi nhẩm đếm từ gạch đầu dòng đầu tiên đến gạch cuối cùng thì có con số 10. Vì nhiều lý do mà đến nay (tháng 8) tôi mới chỉ xem một. Đó là Tháng Năm Rực Rỡ. Kfc là một tai nạn, một tai nạn thú vị, nằm ngoài mọi kế hoạch.
Tháng 7 về, một đoạn giới thiệu về Song Lang thu hút tôi. Để rồi tháng 8, tôi dự thêm một buổi nói chuyện của đạo diễn. Hai diễn tiến đó đã xác lập một sự thật. Song Lang sẽ là bộ phim thứ hai tôi xem trong năm này.
Trong ngày 2.8, chẳng hiểu nhân duyên trùng phùng thế nào mà tôi lại bắt gặp thông tin về buổi tọa đàm vào lúc 7 giờ tối của ngày hôm sau. Những buổi như thế này với tôi không khác gì không khí của một lần đi học. Học thêm nhiều tri thức thực tế. Và cả sự kiểm chứng nữa. Kiểm chứng độ thành thực của người thầy.
Nếu tôi đã đến với buổi của đạo diễn Trần Anh Hùng với sự trắng trơn, trong vắt và phẳng lặng thì đối với đạo diễn Leon Quang Le nồng độ còn cao gấp hai, gấp ba. Tôi không hề có một thông tin nào. Tôi cũng không có thời gian để tích lũy thêm gì cả. Chỉ thấy thông tin ngày giờ vào thứ 5. Tối thứ 6 tôi lặng lẽ góp mặt.
Tôi đến sớm 15 phút thì thấy khán phòng cũng đã gần đủ. Số lượng hẳn là 50, cộng hay trừ quanh con số ấy. Có thêm mấy bạn diễn viên và vài người trong đoàn phim. Tôi có nghe được những mẩu trò chuyện quanh mình và tôi đoán gần non nửa là những người làm nghề, báo chí hoặc sinh viên của ngành này.
Về phần danh xưng thì sau đó tôi có xem các đoạn phim ngắn liên quan, trong một lần đến thăm các nghệ sĩ cải lương lão thành, anh đạo diễn tự giới thiệu mình tên là Quang. Tôi nghĩ cái tên này thật hay và phần nào mang chất điện ảnh. Vì ánh sáng, hay xác định nguồn sáng là một công việc cực kỳ quan trọng trong việc làm phim. Thế nên thay vì đầy đủ Leon Quang Le, tôi sẽ gọi anh là anh Quang vậy ^_^.
Anh Quang sang Mỹ từ hồi niên thiếu, phát triển sự nghiệp trong vai trò một vũ công và hít thở thường trực bầu không khí của Broadway. Cách ăn nói của anh thuần chất Mỹ. “Thuần chất” e rằng cũng là một sự mô tả chủ quan của tôi. Chỉ là tôi thấy (trong tầm hiểu biết nhỏ hẹp của mình) cách nói chuyện theo phong cách của một người Mỹ trẻ tuổi là như thế nào. Anh Quang hiển hiện ăn khớp với những hình mẫu mà tôi đã thấy trước đó.
Buổi này tôi không ghi âm. Rất tiếc nhưng đôi khi lại là dịp để trí nhớ được trui rèn. Tôi nghĩ chương trình đã thành công. Cách đặt vấn đề, cách diễn giải, tất cả đều trôi chảy, vui vẻ, ấm cúng và gần gũi. Thú vị nhất là tôi được xem cả 2 phim ngắn thành công của anh. Dịch sang tiếng Việt thì tiêu đề lần lượt là “Bình Minh” và “Nói với mẹ”. Một phim nói tiếng Anh. Một phim nói tiếng Phổ Thông. Dù chỉ 2 phim ngắn nhưng có một sự định hình sắc nét trong tôi về chủ đề mà anh sẽ theo đuổi và một phần nào đó là cả phong cách kể chuyện.
Trong phần chia sẻ của anh Quang, có một trang trải ở lại trong tôi cho đến tận giờ này (ngày 15, cách 1 ngày trước đêm chiếu đặc biệt). Đó là nỗi sợ. Anh thuật lại kinh nghiệm làm việc của mình với những nhà sản xuất. Và anh có nói đến nỗi sợ, sự sợ hãi của nhà sản xuất. Họ sợ điều gì? Họ sợ khán giả không hiểu bộ phim mình phát hành. Họ sợ tình tiết đó, sự trình bày đó không rõ ràng, không sáng tỏ. Người xem không hiểu. Hiệu ứng lan truyền. Và số đông sẽ không đến rạp. Doanh thu đi xuống. Một nỗi sợ hợp lý và chính đáng.
Thế nhưng anh Quang lại không sống trong trạng thái đó. Vô úy là anh. Và chính căn nguyên này ít nhiều đã làm nên những xung đột, mà tôi nghĩ cũng là mâu thuẫn muôn thuở, giữa một nhà sản xuất (người gọi vốn) và đạo diễn (người sử dụng vốn). Vốn ở đây là tiền. Thứ hiện hữu trong tư duy của nhà sản xuất nhiều hơn. Còn vốn với ý nghĩa là đam mê, là tình yêu, là dũng cảm. Vốn ấy dường như có mặt nhiều hơn trong trái tim của đạo diễn.
Hẳn nhiên những gì vừa viết là suy luận của tôi. Lời anh Quang là lời trực tiếp, theo tư duy và thế giới ngôn từ của anh. Còn bản chép lại của tôi là chỉ là diễn dịch. Tôi chỉ nhớ rằng anh đã nói về sự sợ hãi. Và đây là từ khóa của trang nhật ký này. Sợ hãi và không sợ hãi. Cùng bao nhiêu nguyên nhân và hệ quả theo kèm. Tôi thích thông tin ấy vô cùng. Vì điều này hé lộ cho tôi rất nhiều, rất nhiều.
Tôi rất trân trọng một cơ hội lắng nghe như vậy. Chỉ là một buổi nhưng tôi cảm giác như là đọc ngàn tờ báo. Hay đúng hơn là hơn cả mọi sự đọc gián tiếp vì đêm thứ 6 là muôn nghe, muôn cảm. Trực diện. Và không cắt ghép. Không giật tít. Thông tin ngồn ngộn cả phần đời sống lẫn những gì liên quan đến Song Lang. Tôi nhận ra anh Quang là người không hề có mong muốn để lại cho khán giả một cảm giác vui thỏa dễ dàng khi rời rạp. Thay vào đó có thể là một thao thức, một dấu hỏi còn vương vấn trên đường về. Anh không có bất kỳ e ngại nào, rằng người xem sẽ không hiểu mình, không hiểu cách dàn xếp, đặt để của mình. Anh tôn trọng họ nhiều hơn. Anh không đánh giá thấp khả năng thẩm thấu của họ. Và chắc chắn anh sẽ luôn có những cú lật nảy bất ngờ, không dễ đoán, không rập khuôn, không nuông chiều cho những nếp nghĩ cũ kỹ và quen thuộc.
Tôi đang trên đường đến với Song Lang. Mong muốn một bộ phim hay và cũng là mong muốn kiểm chứng tất cả những nhận định của mình.
#Nhiên